Tết Hàn thực: Bán hết cả tạ bột nếp, lãi tiền triệu một ngày

authorHoàng Dương 06:44 30/03/2017

(VietQ.vn) - Theo nhiều tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy – Hà Nội) Tết hàn thực là dịp mà mặt hàng bột nếp bán chạy nhất. Theo đó, riêng ngày Tết hàn thực mỗi một tiểu thương cũng bán hết cả tạ bột nếp và thu về lãi “khủng”.

Sự kiện: tin tức thị trường

Theo quan niệm dân gian, Tết Hàn thực (ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch), các gia đình Việt sẽ ăn đồ lạnh để tưởng nhớ đến tổ tiên. Và món ăn truyền thống mà người dân Việt từ bao đời nay chọn lựa đó là bánh trôi, bánh chay.

Do Tết Hàn thực năm nay rơi vào ngày thứ 5 trong tuần, đại bộ phận mọi người vẫn phải đi làm nên không có nhiều thời gian sửa soạn để mua gạo, xay bột làm bánh trôi, bánh chay. Vậy nên, nhiều cửa hàng bán bột nếp làm bánh trôi, bánh chay cũng nhờ thế mà đắt khách. Ngoài ra, việc làm sẵn bánh trôi, bánh chay bán cho khách hàng cũng được nhiều cửa hàng này kinh doanh và thu về lợi nhuận “khủng”.

Tết hàn thực: Bán hết cả tạ bột nếp, lãi tiền triệu một ngày

 Giá một kg bột nếp bán ngày Tết Hàn thực dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg

Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy – Hà Nội) giá một kilogam (kg) bột nếp dao động từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng tùy loại bột. Theo đó, những tiểu thương tại đây bày bán các loại bột nếp bao gồm: bột nếp từ gạo lai, bột nếp từ gạo nếp cái hoa vàng, bột nếp ngũ sắc.

Không chỉ bán bột nếp, bánh trôi – chay đã chín mà nhiều tiểu thương còn bán nhân làm bánh như đỗ xanh đã xay nhuyễn, đường mía, dừa tươi thái sợi và vừng. Theo nhiều tiểu thương tiết lộ, nếu ngày thường chỉ bán được chừng 30kg bột thì ngày Tết Hàn thực, con số bán được lên gấp 4 – 5 lần, thậm chí, nếu đắt khách còn bán được vài tạ là chuyện bình thường. Cùng với số lượng bột nếp bán được, thì tiền lãi cũng tăng lên gấp bội, và doanh thu ngày Tết Hàn thực cũng lên con số vài triệu đồng/ngày.

Chị Thanh Hương, chủ một cửa hàng bán bột nếp tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Ngày Tết Hàn thực hay gọi nôm na là Tết bánh trôi, bánh chay, mặt hàng bột nếp bán rất chạy. Người dân họ không có thời gian mua gạo về xay bột làm bánh, nên mỗi gia đình thường mua 2 – 3 kg bột cùng với nhân bánh và về nhà tự tay làm. Mọi người bắt đầu mua nhiều từ ngày mồng 2/3 âm lịch. Còn với những gia đình bận rộn thì chọn bánh đã làm sẵn. Giá một đĩa bánh làm sẵn từ 10.000 – 15.000 đồng tùy thuộc vào loại bột”, chị Hương nói.

Theo chị Hương, nếu các loại bánh khác, khâu quan trọng nhất là cách làm thì bánh trôi, bánh chay khâu quan trọng nhất bột. Theo đó, phải chọn được loại bột ngon từ gạo nếp cái hoa vàng. Tuy nhiên, để bánh được dẻo không bị dính thì nên trộn một tỉ lệ phù hợp bột gạo tẻ.

Khâu quan trọng tiếp theo mà chị Hương cho biết là khâu nhào bột. Theo đó, tỉ lệ nước phải chuẩn thì bánh mới dẻo và ngon. Nếu không đúng tỉ lệ bột sẽ nhão hoặc khô khiến bánh bị hỏng.

Tết hàn thực: Bán hết cả tạ bột nếp, lãi tiền triệu một ngày

 Bánh trôi, bánh chay là loại bánh dễ làm, không đòi hỏi sự cầu kì

Theo chị Mai Hoài Thu (Giáp Bát – Hà Nội), chủ một cửa hàng bán bột làm bánh thì trước ngày Tết Hàn thực, gần như cả gia đình chị không ngủ vì phải thức đêm xay gạo. Theo đó, bột nếp muốn làm bánh ngon thì nên xay dạng bột nước, còn xay bột khô thì bánh sẽ bị khô và không để được lâu.

Chị Thu dự kiến sẽ xay chừng 150kg gạo nếp để bán sáng ngày 3/3 âm, nếu đầu giờ sáng mà số bột bán hết thì sẽ xay thêm để bán phục vụ mọi người buổi chiều và tối.

“Năm nào nhà tôi cũng làm bánh trôi, bánh chay. Vừa để dạy cho các cháu nhỏ biết về truyền thống văn hóa của ông cha vừa để dâng lên tổ tiên món bánh dân dã.”, bà Bình nói.   Tết hàn thực với người Việt là một cái Tết thật đẹp, ý nghĩa. Không chỉ bởi lòng thành báo hiếu với tổ tiên bằng món ăn giản dị - bánh trôi, bánh chay. Mà ngày Tết hàn thực còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ và truyền lại từ xa xưa.

 Ngoài bán bột nếp, nhiều tiểu thương cũng bán kèm nhân làm bánh bao gồm mật mía và đậu xanh, cng với đó là vừng và sợi dừa tươi.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm là hầu hết các địa điểm bán bột bánh trôi, bánh chay trên thị trường chỉ đơn thuần là hàng thủ công, không nhãn mác.

Theo ghi nhận của PV, bột bày bán đa phần được đặt trong những chiếc thau, nhiều nơi còn không có nắp đậy. Các nguyên liệu làm bánh khác như đỗ, dừa nạo cũng tương tự như vậy, còn đường thì cũng chỉ được đặt trong các túi nilon không nhãn mác, không ghi thành phần, nơi sản xuất hay hạn sử dụng… Điều này rất có nguy cơ gây hại cho sức khỏa của bạn và gia đình.

Để làm một người tiêu dùng thông thái, bạn nên tìm hiểu những quy định của Bộ Y Tế đối với những sản phẩm bày bán rong, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Thông tư số 30/2012/TT-BYT Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố nêu rõ:

Điều 7. Địa điểm, trang thiết bị, dụng cụ

1. Bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng (bến xe, bến tầu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội, khu triển lãm), hè đường phố; nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

2. Trường hợp kinh doanh trên các phương tiện để bán rong phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại.

3. Nước để chế biến đơn giản đối với thức ăn ngay, pha chế đồ uống phải đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT; có đủ nước đá để pha chế đồ uống được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.

4. Có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm.

5. Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập.

6. Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần.

7. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

8. Trang bị đầy đủ, sử dụng thường xuyên thùng rác có nắp, túi đựng để thu gom, chứa đựng rác thải và phải chuyển đến địa điểm thu gom rác thải công cộng trong ngày; nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh.

Điều 8. Đối với người kinh doanh thức ăn đường phố

1. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.

2. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Việc khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện.

3. Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang