Thi đại học 2014: Mỗi trường một kiểu chọn môn thi chính

author 15:05 11/06/2014

(VietQ.vn) - Kỳ thi đại học 2014 đang đến gần, các trường đại học đã công bố môn thi chính – môn chiếm ưu thế trong việc tính điểm sàn theo chủ trương mới của Bộ GD-ĐT.

Sự kiện:

Hơn 230 ngành học được nhân hệ số môn thi chính trong kỳ thi đại học 2014

Bộ GD-ĐT đã công bố danh sách 231 ngành học của 32 trường Đh, CĐ có nhân hệ số môn thi chính trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2014.

Theo quy định mới, đối với trường, ngành xác định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2). Theo nguyên tắc, điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào ĐH, CĐ đã được Bộ công bố và trường đã lựa chọn.

Mỗi trường đại học một kiểu chọn môn thi chính 

Đa số các trường chỉ chọn nhân hệ số với môn ngoại ngữ, môn năng khiếu ở các khối thi tuyển cho ngành ngôn ngữ và ngành năng khiếu. Tuy nhiên, nếu “soi” kỹ vào danh sách này sẽ thấy các trường có cùng ngành học với nhau nhưng lựa chọn môn thi chính lại khá khác biệt.

công bố môn thi chính trong kỳ thi đại học 2014

Dù cùng khối cùng ngành nhưng mỗi trường lại chọn môn thi chính riêng

Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội quy định môn thi chính là tiếng Anh cho tất cả các ngành tuyển sinh khối A1 và D1. Cũng cùng khối thi nhưng Trường ĐH Thành Tây lại có quy định khác. Các ngành Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Khoa học máy tính của trường này tuyển sinh khối D1 có quy định môn thi chính là môn Văn. 3 ngành này cũng đồng thời tuyển sinh cả khối A, nhưng lại quy định môn thi chính đối với khối thi này khác nhau, cụ thể là ngành Kế toán và Tài chính – Ngân hàng là môn Lý, ngành Khoa học máy tính lại là môn Toán.

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) tuyển sinh khối A và A1 cùng với điểm môn toán nhân hệ số 2.

Đặc biệt hơn cả, trong 70 ngành đào tạo bậc ĐH tại trường ĐH Cần Thơ chỉ có ngành Luật (A, C, D1, D3) là không quy định môn thi chính.

Các ngành còn lại đều có quy định môn thi chính như: Toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp tuỳ thuộc vào từng khối thi.

Như ngành Giáo dục Tiểu học (A, D1) có môn thi chính là toán; ngành Giáo dục công dân (C) có môn thi chính là ngữ văn; ngành Sư phạm Vật lý (A, A1) có môn thi chính là vật lý; ngành Sư phạm Hóa học (A, B) có môn thi chính là Hóa học; ngành Sư phạm Sinh học (B) có môn thi chính là Sinh học; ngành Sư phạm Lịch sử (C) có môn thi chính là lịch sử; ngành Sư phạm Địa lý (C) có môn thi chính là địa lý; ngành ngôn ngữ Anh (D1) có môn thi chính là tiếng Anh…Tuy nhiên, cùng nhóm ngành sinh học nhưng ngành Sư phạm Sinh học và Sinh học của trường ĐH Cần Thơ nhân hệ số môn sinh trong khi ngành Sinh học ứng dụng lại là toán.

Ưu thế thuộc về môn chính, các trường đại học “hút” thí sinh

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: việc cho phép các trường xác định cách tính điểm chuẩn dựa vào môn thi chính đảm bảo những thí sinh có kết quả thi môn chính cao sẽ có lợi khi xét tuyển. Do vậy, trường đại học, cao đẳng đó sẽ chọn được những học sinh có năng lực tốt vào ngành đào tạo của mình. Việc nhân hệ số các môn này sẽ giúp tổng điểm thí sinh tăng lên, số lượng thí sinh trúng tuyển vào trường nhiều hơn.

Theo đó, Bộ quy định cách tính điểm sàn có tới 3 đến 4 mức điểm. Đây là cách tính điểm cơ bản và có mức điểm xét tuyển tối thiểu đối với tuyển sinh đại học và mức điểm xét tuyển tối thiểu vào cao đẳng. Bên cạnh đó, trước kia Bộ vẫn cho phép các trường nhân hệ số khi xét tuyển, nhưng chỉ có một điểm sàn. Tức là nhân hệ số hay không nhân hệ số vẫn phải vượt qua điểm sàn đó mới xét tuyển được.

Nguyễn Huyền (th)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang