Thúc đẩy khoa học và công nghệ vì mục tiêu phát triển bền vững

author 16:48 28/12/2020

(VietQ.vn) - Thời gian qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đã thể hiện vai trò vô cùng quan trọng việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) của Việt Nam

Khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực cho phát triển bền vững đất nước

Vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong phát triển bền vững (PTBV) đã được khẳng định ngay từ quan điểm của Kế hoạch hành động quốc gia và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu PTBV; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế bền vững; cung cấp giải pháp giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường đối với thực hiện các mục tiêu PTBV.

Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong đó thể hiện quan điểm của Chính phủ trong thực hiện Chương trình này. Cụ thể, PTBV là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. KH&CN là nền tảng, là động lực cho PTBV đất nước. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, khi tham gia Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV của Liên hợp quốc, Việt Nam đã kiện toàn Hội đồng quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong Hội đồng đó có các ủy ban và Ủy ban KH&CN là một trong những ủy ban thuộc Hội đồng. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức các cuộc họp, hội thảo, thảo luận các vấn đề chính sách, giải pháp KH&CN phục vụ các mục tiêu PTBV.

Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh mới, muốn PTBV phải ứng dụng các thành tựu KH&CN để giải quyết các mục tiêu PTBV, tạo ra các giải pháp bền vững phục vụ đời sống, sản xuất như phát triển dược liệu tạo ra nhiều sản phẩm thuốc giá trị cao, một số vấn đề PTBV đối với trẻ em,…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy 

Nhấn mạnh đóng góp của KH&CN, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch) và Đầu tư cho biết, KH&CN đã đóng góp lớn vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Cụ thể, chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn nhiều mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011- 2015).

Cùng với đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Nghiên cứu KH&CN đã đóng góp tích cực trong hoạt động phòng chống dịch bệnh, điển hình là các nghiên cứu phục vụ phòng, chống dịch Covid - 19.

Chú trọng vai trò của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, KHCN & ĐMST và chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng. Một doanh nghiệp khó có thể tồn tại và ra sân chơi toàn cầu nếu không áp dụng KH&CN. PTBV tạo ra những cơ hội mới, mô hình kinh doanh mới và công ăn việc làm mới..

TS. Santi Charoenpornpattana - Giám đốc, Viện Chính sách KHCN & ĐMST (STIPI), Đại học Công nghệ Thonburi King Mongkut (Thái Lan) đã chia sẻ các chính sách KHCN & ĐMST nhằm thực hiện các mục tiêu PTBV ở Thái Lan. Theo đó, Thái Lan tìm cách cải cách Hệ thống Nghiên cứu và ĐMST Quốc gia để triển khai chính sách tốt hơn và thiết lập ưu tiên; cải cách R&I năm 2018 là bước khởi đầu để tiến tới cải cách thực sự; với cải cách hệ thống, các chủ đề nghiên cứu mới hướng tới “tăng trưởng cân bằng hơn và tính bền vững” đã được đồng ý, chính thức đưa vào lộ trình. Hoàn thiện hơn nữa...đặc biệt là "nâng cao năng lực" của nhân sự để cải cách thực sự vì sự bền vững.

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong Hệ thống ĐMST quốc gia, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ KH&CN cho rằng, việc chuyển đổi Hệ thống ĐMST quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong giai đoạn gần đây đã phát huy hiệu quả góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Để tiếp tục tăng cường hoạt động ĐMST, nâng cao năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp phục vụ mục tiêu PTBV 2020 - 2030, cần đề xuất sửa đổi quy định pháp luật theo hướng nâng cao vai trò và sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động KHCN & ĐMST nhằm phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ thống ĐMST quốc gia; rà soát, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tập trung theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ; tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia; rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung pháp luật về đầu tư công…

Một số chuyên gia khác cho rằng, thời gian tới, cần phải có hệ sinh thái thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Các chương trình do Bộ KH&CN “dẫn dắt” đang là sân chơi tốt; cần ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho KH&CN. Tăng cường đầu tư phát triển KH&CN theo cơ chế thị trường; tiếp tục chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính KH&CN theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng; phát triển một số ngành KH&CN mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước; tiếp tục phát triển thị trường KH&CN, hỗ trợ thương mại hoá các kết quả nghiên cứu KH&CN...

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang