5.000 người ngộ độc thực phẩm/năm, an toàn thực phẩm đã đến mức báo động

author 11:11 06/06/2017

(VietQ.vn) - Thực phẩm “bẩn” không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng; nói xa hơn là ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai của đất nước.

Ngày 5/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến thực phẩm “bẩn” được các đại biểu đưa ra thảo luận.

Hơn 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày sáng 5/6 cho biết: Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm.

thực phẩm bẩn

Nhiều nông dân đang lạm dụng thuốc trừ sâu trong trồng trọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng

Giai đoạn 2011–2016, đã ghi nhận bảy bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.

ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động

Cũng theo báo cáo giám sát, tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai chưa bảo đảm vệ sinh, chất lượng nguồn nước chưa được kiểm soát tốt.

“Đa phần các cơ sở nấu rượu thủ công, dụng cụ thô sơ không bảo đảm ATTP, tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn tràn lan tại nhiều địa phương gây ngộ thực phẩm cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng. ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Số cơ sở vi phạm các quy định về ATTP trong giai đoạn 2011- 2016 chiếm 20,3% số cơ sở tiến hành thanh tra, kiểm tra; số cơ sở vi phạm khi thanh tra đột xuất, chiếm 28,6% lớn hơn so với thanh tra báo trước theo kế hoạch. Kết quả thực thi Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại năm quận/huyện và 10 xã/phường/thị trấn của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy số lượng vi phạm lớn hơn nhiều. Đây là một tỷ lệ vi phạm rất cao, song cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế.

Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe.

Thực phẩm “bẩn” làm ảnh hưởng thế hệ tương lai

Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) nêu rõ, thực tế cho thấy thực phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh ATTP có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ xe đẩy, bán hàng rong, các quầy hàng, nhà bè, chợ phiên, chợ tạm... Đặc biệt, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; các loại phẩm màu, đường hóa học trong nước giải khát, bánh kẹo; nhiều loại thịt sống bày bán trên thị trường… chưa qua kiểm duyệt vẫn tràn lan. Những vấn đề nêu trên không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hay nói xa hơn là còn ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai của đất nước.

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, đại biểu Mai cho rằng do công tác quản lý Nhà nước ở nhiều nơi còn buông lỏng. “Bởi ai cũng biết để có thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng phải qua quá trình kiểm duyệt từ khâu sản xuất đến kiểm tra, phân phối tiêu dùng. Tuy nhiên không ít mặt hàng phân phối ra thị trường rồi mới đi kiểm tra. Do đó, trong khi các cơ quan chức năng chưa kịp kiểm tra thì người tiêu dùng đã mua và sử dụng, vì vậy dẫn đến không ít vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc đã xảy ra”, đại biểu Mai nói.

Để nâng cao hiệu quả trong việc đảm bảo VSATTP trong thời gian tới, đại biểu Mai cho rằng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo đảm ATTP. Đại biểu cũng đề xuất, Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu, chỉnh sửa rà soát hệ thống văn bản, pháp luật có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến tình hình thực tế, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý ATTP. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra vệ sinh ATTP, xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với đối tượng vi phạm, tạo động lực khuyến khích cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.

H.NGUYÊN

‘Không ai dí súng vào đầu ép bà con nông dân phải trồng dưa hấu’(VietQ.vn) - Không ai dí súng vào đầu ép bà con nông dân miền Trung trồng dưa và bán cho thương lái Trung Quốc, vậy tại sao người khác lại đi gánh hậu quả khi nông dân kinh doanh thua lỗ?
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang