Mỹ e ngại Trung Quốc sẽ đưa chiến đấu cơ, tên lửa tới Biển Đông

author 18:15 02/08/2015

(VietQ.vn) - Giới chức quân sự và chuyên gia an ninh Mỹ lên tiếng cảnh báo khả năng Trung Quốc sẽ sớm đưa máy bay chiến đấu, tên lửa tới Biển Đông, làm tình hình vùng biển tranh chấp thêm căng thẳng.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, mới đây trên tạp chí National Interest, học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ khẳng định chắc chắn Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống radar và thiết bị nghe lén điện tử trên các đảo nhân tạo xây trái phép để theo dõi mọi hoạt động ở Biển Đông 24/7, báo Đất Việt đưa tin.

Theo lời chuyên gia này, đường băng dài 3.000m ở Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) do Trung Quốc xây dựng trái phép đủ sức tiếp nhận mọi máy bay. Đồng thời, với các đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng phi pháp, Trung Quốc có thể triển khai máy bay do thám, máy bay cảnh báo sớm, máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay chiến đấu.

Giới quan sát quốc tế lo ngại Trung Quốc sẽ đưa vũ khí tới các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông

Giới quan sát quốc tế lo ngại Trung Quốc sẽ đưa vũ khí tới các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông

Chuyên gia Glaser nhận định nếu xung đột xảy ra trên Biển Đông, các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép sẽ rất dễ bị lực lượng Mỹ phá hủy. Nhưng trong thời bình, chúng sẽ tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc kiềm chế lực lượng Mỹ. Các đảo này cũng có thể phục vụ kế hoạch giành lại Đài Loan của Trung Quốc.

Đồng quan điểm trên, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng đánh giá đường băng 3.000m đủ lớn để tiếp nhận máy bay ném bom B-52 hay máy bay Boeing 747. Dù vậy, đô đốc Harris thẳng thắn thừa nhận, tình báo Mỹ chưa phát hiện Trung Quốc đưa tên lửa hành trình chống tàu và các hệ thống hỗ trợ tới đảo nhân tạo bất hợp pháp.

Tuy nhiên ông cảnh báo Trung Quốc sẽ sớm đưa các vũ khí này, cộng với tên lửa đất đối không, tới Biển Đông. Ngoài ra, cầu cảng ở Đá Chữ Thập sẽ giúp các tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng hoạt động. Trên thực tế, các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây nhiều cơ sở để chứa máy bay chiến đấu tại đây.

Hiện Trung Quốc đang tăng cường xây dựng nhiều cơ sở trái phép để chứa máy bay chiến đấu trên Biển Đông

Hiện Trung Quốc đang tăng cường xây dựng nhiều cơ sở trái phép, bao gồm cả tàu sân bay để chứa máy bay chiến đấu trên Biển Đông

Cụ thể, ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây một đường băng lớn khác tại Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với hệ thống đường băng này, quân đội Trung Quốc hoàn toàn có khả năng triển khai máy bay chiến đấu khắp Biển Đông.

Bên cạnh đó, tham vọng của Trung Quốc là nguy cơ rất lớn đối với khu vực. Giới quân sự, chuyên gia Mỹ nhấn mạnh ASEAN cần phải cố gắng đẩy nhanh nỗ lực đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đồng thời, Mỹ và các cường quốc phải liên tục tuần tra quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp do Trung Quốc xây để đảm bảo tự do hàng hải.

Cũng trong thời gian này, báo Vietnam+ dẫn nguồn tin từ hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho hay, ngày 2/8, 3 tàu của lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đi vào các vùng biển quanh quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, hiện đang tranh chấp giữa hai nước.

Không chỉ làm tình hình Biển Đông căng thẳng, Trung Quốc còn nhiều lần đưa tàu hải giám vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản

Không chỉ làm tình hình Biển Đông căng thẳng, Trung Quốc còn nhiều lần đưa tàu hải giám vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đây là lần thứ 22 trong năm nay tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển này. Lần gần đây nhất là ngày 29/7 vừa qua. Trong lần xâm nhập sáng nay, các tàu Trung Quốc đã ở lại khu vực này khoảng 2 giờ trước đi rời đi.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa khoảng 400 km về phía Tây hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này.

Tranh chấp chủ quyền đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo tại đây hồi tháng 9/2012. Có thể nói, cùng với những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông, tranh chấp ở biển Hoa Đông đang là ‘mồi lửa’ khiến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tăng nhiệt.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang