Khả năng sống sót mạnh mẽ của ‘con hổ’ Anh Challenger 2

author 14:31 07/02/2016

(VietQ.vn) - Xe tăng chiến đấu Challenger 2 sở hữu lớp giáp có khả năng vô hiệu hóa hầu hết mọi loại đạn và tên lửa chống tăng, bảo vệ an toàn cho kíp lái.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Xe tăng chiến đấu Challenger 2 được phát triển từ Challenger 1, là xe tăng chiến đấu chủ lực đang phục vụ trong quân đội Hoàng gia Anh. Tương tự như xe tăng Leopard 2A, hay Leclerc, Challenger 2 là dòng tăng thuộc thế hệ 3+.

Challenger 2 được công ty BAE Systems (Anh) sản xuất hàng loạt từ năm 1993. Đến năm 1994, loạt Challenger 2 đầu tiên được giao nhằm thay thế cho “người tiền nhiệm” của nó là Challenger 1 và chính thức vào biên chế quân đội Anh năm 1998. Sau đó, đơn hàng mua Challenger giữa công ty sản xuất và Quân đội Hoàng gia Anh kết thúc vào năm 2002 khi loạt xe tăng cuối cùng được bàn giao và dự kiến sẽ có thời gian hoạt động kéo dài đến năm 2035.

Xe tăng chiến đấu Challenger 2 được đánh giá là một trong những dòng tăng tốt nhất thế giới

Xe tăng chiến đấu Challenger 2 được đánh giá là một trong những dòng tăng tốt nhất thế giới. Ảnh Fprado

Xe tăng Challenger 2 nặng 62,500kg; dài 11,55m với phần pháo quay về phía trước; rộng 3,5m; chiều cao đến nóc tháp pháo là 2,49m; kíp lái của xe bao gồm 4 người. Nó được trang bị động cơ Perkins 1200bhp-Condor CV12, cho phép đạt tốc độ tối đa là 59km/h. Bên cạnh đó, với thùng nhiên liệu sức chứa 1.592 lít đủ cung cấp cho Challenger 2 phạm vi chiến đấu 500km.

Báo Kiến thức nhận định, Quân đội Hoàng gia Anh là một quân đội chuyên nghiệp với quân số ít nên trường phái quân sự ảnh hưởng nhiều đến việc thiết kế xe tăng, với trọng tâm là hi sinh tính cơ động để tăng cường khả năng bảo vệ kíp lái. Với triết lý này, người Anh đã phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 với hệ thống giáp phòng vệ “đỉnh”.

Xe tăng Challenger 2 trang bị công nghệ giáp phòng vệ Chobham tối tân. Hiện nay, chưa có nhiều thông tin được tiết lộ về loại giáp này bởi 99% các tài liệu thiết kế, chế tạo được coi là tuyệt mật và là bí mật quốc gia của nước Anh. Lớp giáp này được đánh giá là có khả năng vô hiệu hóa hầu hết (không phải tất cả) mọi loại đạn, tên lửa chống tăng.

Xe tăng chiến đấu Challanger 2 chính thức vào biên chế quân đội Anh năm 1998

Xe tăng chiến đấu Challanger 2 chính thức vào biên chế quân đội Anh năm 1998. Ảnh Caiping

Không chỉ vậy, hệ thống điều khiển của Challenger 2 được số hóa trong gói Ứng dụng hệ thống thông tin chiến trường (PBISA) do Công ty Computing Devices của Canada cung cấp, gồm màn hình cho chỉ huy, hệ thống dẫn đường quán tính… Theo tờ Lao Động, Challenger 2 còn có thiết bị quan sát ảnh nhiệt và pháo hiển thị hình ảnh phóng đại tại vị trí chỉ huy và pháo thủ.

Xe trưởng có một kính ngắm toàn cảnh quay ổn định với thiết bị đo xa laser và hình ảnh nhiệt. Xạ thủ được trang bị kính ngắm phụ quay ổn định với một công cụ đo xa laser gắn đồng trục. Vị trí của người lái xe có kính tiềm vọng cho hình ảnh tăng cường ban ngày và ban đêm, và người nạp đạn có một kính dùng ban ngày.

Về vũ khí, tháp pháo của Challenger 2 được lắp pháo nòng xoắn L30 cỡ 120mm có thể bắn được khá nhiều loại đạn xuyên giáp như: Đạn xuyên dưới cỡ nòng có cánh đuôi APFSDS L23 (sơ tốc đầu đạn 1,53m/s); đạn APFSDS L26 (với đầu đạn uran làm giàu cấp độ thấp); đạn khói L34WP để giảm thiểu tầm nhìn của đối phương. Ngoài ra, xe tăng còn được trang bị súng máy L94A1 cỡ 7,62mm và một súng máy L37A2 cỡ 7,62mm.

Xe tăng chiến đấu Challenger 2 được trang bị vũ khí vô cùng hiện đại

Xe tăng chiến đấu Challenger 2 được trang bị vũ khí vô cùng hiện đại. Ảnh Superbwallpaper

Hiện nay, Challenger 2 đang được sử dụng trong quân đội Anh và Oman (biến thể xuất khẩu Challenger 2E được sa mạc hóa), từng tham gia làm nhiệm vụ tại Bosnia, Kosovo. Đặc biệt, như báo Dân Việt đã từng đưa tin, năm 2003, 14 xe tăng Challenger 2 của Anh đã tham gia vào một trận đấu tăng lớn nhất kể từ thế chiến thứ 2, khi các xe tăng của Anh đã tiêu diệt một đoàn xe tăng T-55 của Iraq.

Cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng Anh đã nhận được 3 hồ sơ dự gói thầu nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Chanlenger 2 từ các hãng chế tạo BAE Systems và General Dynamics và Lockheed Martin UK. Với tên gọi Challenger II Life Extension Program (LEP), mục đích chính của chương trình nâng cấp trên là kéo dài vòng đời phục vụ của các đơn vị xe tăng Chanlenger II trong biên chế Quân đội Anh với tổng trị giá gói thầu ước tính khoảng 700 triệu Bảng. Cùng với Anh, Oman cũng đang có kế hoạch nâng cấp các đơn vị xe tăng Chanlenger II hiện có, báo Quân đội nhân dân cho hay.

Hiện nay, xe tăng chiến đấu Challenger 2 đang được sử dụng trong quân đội Anh và Oman

Hiện nay, xe tăng chiến đấu Challenger 2 đang được sử dụng trong quân đội Anh và Oman. Ảnh Wiki 

Trong quá khứ, Bộ Quốc phòng Anh từng vài lần đưa ra kế hoạch nâng cấp xe tăng Chanlenger 2 nhưng vì lý do tài chính, kế hoạch nâng cấp trên liên tục bị trì hoãn. Chương trình nâng cấp xe tăng Challenger II chỉ được khôi phục vào cuối năm 2015, sau khi Nga ra mắt dòng xe tăng hiện đại T-14 Armata có tính năng vượt trội so với các dòng xe tăng phương Tây.

Quang Minh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang