4 việc doanh nghiệp cần làm ngay trước TPP

author 13:48 01/03/2016

(VietQ.vn) - Để vượt qua những thách thức từ hội nhập mà tới đây là TPP, có 4 việc doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bộ Công Thương đánh giá, TPP là một FTA thế hệ mới, FTA của thế kỷ 21. Các nước trong TPP không tạo ra tiêu chuẩn kép trong TPP, tức là TPP không có tiêu chuẩn cao cho nhóm các nước có mức độ phát triển cao và tiêu chuẩn thấp cho nhóm còn lại. TPP chỉ có một tiêu chuẩn chung. Đây chính là thách thức lớn đối với Việt Nam khi chúng ta có trình độ phát triển được đánh giá là thấp nhất trong 12 nhóm nước TPP.

4 việc doanh nghiệp cần làm ngay trước TPP

Doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều sức ép cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập TPP

Hội nhập không có nghĩa là tất cả các nước hội nhập đều được hưởng lợi. Bên cạnh nhiều lợi ích mà TPP mang lại như lợi ích xuất khẩu, thu hút đầu tư và áp lực với quá trình cải cách nói chung cũng như cải cách thể chế ở Việt Nam, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, có những ngành, nhóm xã hội phải chịu thiệt thòi.

“Ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa biết được kết quả cam kết cuối cùng. Do vậy, còn những mặt hàng thời gian về 0 là có lộ trình và lộ trình này có thể kéo dài 5-15 năm”, ông Thành nói.

Một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, New Zealand, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh với Việt Nam là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. Theo Bộ Công thương, đây là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.

Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, thí dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh sẽ không lớn ở những nhóm sản phẩm này vì sản phẩm của Việt Nam hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Về phía doanh nghiệp, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có nhận thức đầy đủ về những nội dung cam kết trong TPP. Điều này giúp doanh nghiệp có thể xây dựng được lộ trình cho riêng mình: Từ việc chọn thị trường đến việc áp dụng công nghệ nào cho phù hợp, tạo nguồn lực như thế nào; lộ trình phát triển trong ngắn hạn cũng như dài hạn nhằm sớm thích nghi và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới…

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì cho rằng, có 4 việc doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp cần tập trung triển khai ngay đó là: Tìm hiểu, tập hợp thông tin về các xu hướng, cam kết trong TPP có liên quan tới hoạt động của ngành và doanh nghiệp mình; phân tích, đánh giá tác động của các cam kết trong TPP đối với triển vọng kinh doanh của ngành và của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xây dựng kế hoạch kinh doanh của từng doanh nghiệp trong thế liên kết với các doanh nghiệp khác (theo chuỗi giá trị tính đến tác động cả tiêu cực và tích cực từ TPP); bắt tay vào các hành động chuẩn bị cụ thể để đón đầu các cơ hội, vượt qua thách thức ngay khi TPP bắt đầu có hiệu lực.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang