60.000 người bị đa cấp Liên Kết Việt lừa: Ma cà rồng hút máu!

author 11:33 06/03/2016

(VietQ.vn) - Liên quan tới vụ Liên Kết Việt “giăng bẫy” 60.000 người dân, theo TSKH Đoàn Hương, đa cấp biến tướng và sinh sôi nảy nở nhanh không khác gì ma cà rồng.

“Tôi phải gọi là đó “cơn bão đa cấp”

Trong khi ở Malaysia hiện có hơn 1.000 công ty kinh doanh đa cấp, Thái Lan có hơn 500 công ty, Đài Loan (Trung Quốc) có hơn 700 công ty…, nhưng tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nước ta chỉ cấp hơn 100 giấy phép kinh doanh đa cấp cho các doanh nghiệp. Thậm chí, sau khi Bộ Công Thương sàng lọc thì đến nay có chính xác 65 công ty kinh doanh đa cấp hoạt động tại Việt Nam. 

Như vậy, chỉ 65 công ty đa cấp “chính danh” còn lại đều là “bất chính” – là không chân chính. Con số 65 khá khiêm tốn này đã chứng minh cho số lượng các công ty “núp bóng đa cấp” và hoạt động biến tướng một cách tinh vi hiện nay tại Việt Nam đang quá nhiều. Nó khiến cho hàng triệu người dân Việt rơi vào cảnh điêu đứng. 

Sức tàn phá, “càn quét” của các công ty giả danh đa cấp khủng khiếp tới mức TSKH Đoàn Hương trong buổi chia sẻ rất riêng với chị em phụ nữ nhân dịp 8/3 tại Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã phải thốt lên: “Tôi phải gọi đó là cơn bão đa cấp”.

TSKH Đoàn Hương phẫn nộ trước "cơn bão đa cấp" tại Việt Nam (Ảnh: Hải Sơn)

TS Đoàn Hương không khỏi bàng hoàng kể lại: “Hôm vừa rồi, trước khi tôi vào trường quay để trả lời phỏng vấn về vụ đa cấp lừa thì nhận được cuộc điện thoại báo tin: Người đàn bà hôm trước xuất huyết não vì chồng dính vào đa cấp, bỏ nhà ra đi, đã chết trong bệnh viện. Đau lòng quá!”.

Sở dĩ 60.000 người dân Việt dễ dàng “ngã” vào “vũng bùn” của đa cấp lừa Liên Kết Việt, theo TS Đoàn Hương “không hẳn vì tham mà do thiếu hiểu biết”.

Bà giải thích: "Xã hội đã không cung cấp một cách đầy đủ thông tin cho người dân biết, những người nông dân cũng không được giải thích một cách rõ ràng. Ở nước ngoài, trong chương trình phổ thông, môn học kinh tế luôn dạy rằng: Mỗi khi làm ăn, người tham gia phải dựa vào lãi suất ngân hàng của nước ấy để đo lường, tính toán. Như một số nước Châu Âu quy định lãi suất ngân hàng là 5,5% thì trong quá trình kinh doanh, làm ăn chỉ cần lãi thêm được 0,5% đã là tốt.

Ví dụ, ở Việt Nam chỉ cần đội thêm 1 – 1,5% đã là lãi, với tình hình khó khăn như hiện nay, nếu làm ăn lãi thêm tới 10% là cực kỳ xuất sắc, chứ lấy đâu ra mức lãi “khủng” lên tới mấy chục %. 

Tại Công ty Liên Kết Việt còn đưa ra mức “hoa hồng” khủng, bỏ ra 9 tỷ thì 1 năm sau thu về 450 tỷ, cứ đóng tiền vào là được tiền hoa hồng, chỉ việc ngồi không, không phải kinh doanh gì, “làm giàu không khó”. Vì cả tin, vì thiếu kiến thức nên những người dân Việt cứ thấy có “tiền nhiều, làm giàu nhanh” là họ lao vào".

Không ai bảo vệ dân, cảnh báo cho dân?!

Nguyên nhân thứ 3 theo TSKH Đoàn Hương, sở dĩ Liên Kết Việt lừa dân hàng nghìn tỷ đồng là do Nhà nước đã không bảo vệ họ, tội này là lỗi của các cơ quan có thẩm quyền. 

“Tại sao ông Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT của "tập đoàn lừa đảo" đa cấp Liên Kết Việt chỉ là học viên một trường trung cấp dạy nghề của Bộ Quốc phòng, đã xuất ngũ mà vẫn khoác trên mình bộ quân phục mang hàm đại tá, cưỡi xe biển xanh 80B đi khắp nơi, xuất hiện trong các hội nghị, hội thảo có sự tham dự của hàng nghìn người. Sao Nhà nước không thông báo cho nông dân biết đây là kẻ lừa đảo” – bà Hương bức xúc.

Liên Kết Việt giả danh cả lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng (Ảnh: Tiền Phong)

Cũng theo TS.Đoàn Hương: Xưa nay, người dân phương Đông luôn coi chính quyền là cha mẹ của dân. “Con dại thì cha mẹ phải bảo. Bây giờ khi sự việc đã vỡ lẽ, Bộ Công Thương mới bảo rằng: Bộ đã phạt 570 triệu đồng nhưng sao trước đó không thông báo cho dân. Nếu theo lẽ thường, “trùm lừa đảo” Lê Xuân Giang đã phải bị bắt từ lâu vì giả làm đại tá quân đội, vậy mà để hắn lộng hành tới 2 năm. Tôi nghĩ rằng, hắn chỉ là “một con tốt qua sông”, đằng sau còn ai “chống lưng” cho hắn….” – bà Hương nói.

60.000 dân bị lừa nhưng lại không được một lời cảnh báo của chính quyền, không ai đứng ra “nói thẳng, nói thật” với họ, đây là một sự thật chua xót mà chúng ta phải dám nhìn thẳng để vạch mặt, chỉ tên người đã đứng ra bao che, bảo kê cho “tập đoàn lừa đảo”.

“Chính vì vậy, vừa rồi Thủ tướng rất bức xúc, yêu cầu phải tìm cho ra đơn vị nào chịu trách nhiệm. Con hư thì phải tại bố mẹ. Không ai bảo vệ người dân để người dân bị lừa tan tác. Cơ quan pháp luật đâu để cho dân bị lừa?! Do đó, đừng trách dân vì dân vùng sâu, vùng xa ít thông tin, không biết gì, hãy trách những người làm cha, làm mẹ của dân” - TSKH Đoàn Hương nhấn mạnh. 

Có người ví, đa cấp biến tướng và sinh sôi nảy nở nhanh không khác gì ma cà rồng. Cứ một người bị ma cà rồng hút máu thì trước tiên, nó sẽ tìm người thân, bạn bè để hút máu. Đa cấp cũng vậy, khi đã lỡ bỏ tiền ra để tham gia vào hệ thống, mạng lưới rồi, người ta sẽ tìm đủ mọi cách để thuyết phục những người xung quanh gia nhập. Số lượng người tham gia các hoạt động kinh doanh đa cấp không chân chính ngày càng tăng cao khiến Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cũng tỏ ra vô cùng lo lắng.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Tổng Thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đã từng nhận xét: “Tư duy của người tham gia bán hàng đa cấp theo chiều hướng xấu đi bởi những thông tin không chính xác bị đồn thổi trên thị trường. 

Bây giờ đi đâu chúng ta cũng có thể được rỉ tai nhau về cơ hội làm giàu, bỏ ra 01 tỉ trong vòng 03 tháng thu lại 03 tỷ mà không cần phải làm gì hết, vì tiền đó đầu tư vào các dự án của công ty như bất động sản, chứng khoán, nhượng quyền thương mại,…. 

Chính vì những thông tin không chính xác nhằm lôi kéo người tham gia, tạo nên một làn sóng đầu tư tài chính đa cấp rất mạnh, chính người này đang lừa dối người kia và họ chấp nhận sống trong vỏ bọc đó vì bệnh sĩ… Bên cạnh đó, do tâm lý mong muốn kiếm lợi nhuận lớn và làm giàu nhanh khiến cho không ít người không kiểm soát được lý trí của mình”.

Dương Phương Ngọc


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang