Chuyên gia nói gì về chất tạo ngọt Sorbitol trong kẹo rau củ Kera?

author 19:36 21/03/2025

(VietQ.vn) - Viện Kiểm nghiệm An toàn Sệ sinh thực phẩm Quốc gia công bố kết quả kiểm nghiệm với sản phẩm kẹo rau củ Kera cho thấy sản phẩm này có chứa chất tạo ngọt Sorbitol với hàm lượng 33,4 g/100g.

Sorbitol được biết đến là hóa chất dạng chất lỏng màu trắng, không mùi, vị ngọt, tan hoàn toàn trong nước, rượu. Sobitol thuộc nhóm phụ gia tạo vị ngọt, được phép sử dụng trong thực phẩm. Nó còn có tác dụng tạo độ bóng và giữ độ ẩm cho thực phẩm. Trong công nghiệp, Sorbitol được sản xuất từ glucose dưới tác dụng của nhiệt độ và áp suất cao hydro hóa với niken, có thể hiểu là đường glucose được hydro hóa với xúc tác Niken sẽ tạo thành Sorbitol.

Sorbitol hay còn được gọi là đường đơn sorbitol với công thức hóa học C6H14O6. Ngoài tên gọi sorbitol, chất này còn có các tên gọi khác là glucohexitol, sorbite, sorbol, glucitol, hexa-ancol. Trong tự nhiên chất này thường được tách chiết trong các loại trái cây và rau như ngô, bí ngô, quả táo, quả lê, quả dâu rừng, đào, mận khô… Ngoài ra, Sorbitol còn có tính khử, không thể lên men được và rất bền trước sự tấn công của vi khuẩn. Sorbitol có khả năng tạo phức với kim loại nặng góp phần cải thiện việc bảo quản các sản phẩm béo.

TS. Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope, Mỹ cho biết: Sorbitol là một loại carbohydrate (chất có chứa các nguyên tử carbon, hydrogen và oxygen). Vì có chứa nhóm OH- (hydroxyl group) trong phân tử, sorbitol thuộc nhóm “rượu đường”, hay còn gọi là polyol. Tuy có vị ngọt nhưng không giống đường bình thường (như glucose, fructose, sucrose…), sorbitol không dễ phân hủy bằng các enzyme có trong cơ thể nên chúng ta ít hấp thụ loại đường này. Nhờ đặc điểm này mà ngoài tác dụng tạo ngọt nó còn có tác dụng “trị táo bón”.

Kẹo rau củ Kera có chứa chất tạo ngọt Sorbitol nhưng lại không ghi trên nhãn sản phẩm theo quy định.

Theo như kết quả nghiên cứu trước đó, đối với người lớn, việc tiêu thụ lượng tương đối nhỏ (5-20 g) mỗi ngày có thể gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng và đau bụng. Liều cao hơn (20-50 g) có thể gây tiêu chảy. Do đặc điểm này mà nó được sử dụng như “thành phần chính” của một số loại thuốc giúp “nhuận tràng”.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, Sorbitol là chất tạo vị ngọt không năng lượng, không gây béo nhưng cũng không có lợi cho sức khỏe. Đối với thực phẩm, người tiêu dùng nên ưu tiên các chất có lợi. Do đó, Sorbitol không được khuyến khích sử dụng trong thực phẩm hàng ngày.

Nói về việc bổ sung chất xơ, yếu tố mà kẹo rau củ Kera quảng bá, PGS. TS. Thịnh khẳng định có rất nhiều cách để bổ sung chất xơ cho cơ thể một cách tự nhiên và hiệu quả. “Nguồn chất xơ tốt nhất đến từ rau xanh, củ, quả tươi. Theo khuyến nghị dinh dưỡng, mỗi người cần tiêu thụ trung bình 300g rau xanh và 100g trái cây mỗi ngày để đảm bảo lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể”.

Ông cũng cho biết thêm, đối với những người không ăn được rau, vẫn có thể bổ sung chất xơ bằng trái cây, hoặc đơn giản nhất là từ thực phẩm quen thuộc như cơm. “Cơ thể có nhiều cách hấp thụ chất xơ tự nhiên mà không cần phụ thuộc vào thực phẩm chức năng. Việc lạm dụng thực phẩm bổ sung không cần thiết có thể khiến người tiêu dùng tốn kém mà không mang lại lợi ích vượt trội”, ông Thịnh nói.

Việc kẹo Kera không công bố thành phần Sorbitol trên nhãn sản phẩm đặt ra dấu hỏi về tính minh bạch trong kinh doanh thực phẩm chức năng. Theo quy định, tất cả thành phần có trong sản phẩm phải được ghi rõ trên bao bì để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin trước khi lựa chọn sử dụng. Việc vi phạm quy định này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn có thể gây mất niềm tin vào thị trường thực phẩm chức năng.

Hiện tại, Cục An toàn Thực phẩm đã có công văn yêu cầu xử lý sai phạm đối với kẹo rau củ Kera. Đây cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng về việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định ghi nhãn và công bố thành phần sản phẩm.

Với những thông tin trên, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm quảng cáo quá mức về công dụng. Hãy ưu tiên bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên, đồng thời kiểm tra kỹ thành phần, nguồn gốc trước khi sử dụng.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang