Hải Phòng: Thu giữ 52 xe mô tô trị giá 3 tỷ đồng không rõ nguồn gốc xuất xứ

authorKhánh Mai 13:48 22/02/2023

(VietQ.vn) - Tối 21/2, Tổng cục Hải quan đã thông tin về việc bắt giữ lô xe mô tô trị giá khoảng 3 tỷ đồng tại cảng Hải Phòng, nghi vấn gian lận về xuất xứ

Ngày 20/2/2023 tại cảng Nam Hải (Hải Phòng), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) kiểm tra 1 container hàng nhập khẩu từ Đài Loan, nghi vấn gian lận xuất xứ, vì trên bao bì không có thông tin xuất xứ, không có thông tin người xuất nhập khẩu. Lô hàng được cập cảng Nam Hải, Hải Phòng ngày 23/10/2022, trên vận đơn hàng hóa thể hiện là 52 units, motorcycle (tạm dịch là 52 chiếc xe máy). Kết quả khám xét cho thấy trong container có 52 xe mô tô hiệu Brixton.

Toàn bộ lô hàng không rõ nguồn gốc tại cảng Nam Hải

Brixton Motorcycle là thương hiệu xe máy được phân phối bởi tập đoàn KSR (Áo), doanh nghiệp này đang phân phối khá nhiều thương hiệu mô tô phân khối lớn vào các thị trường châu Âu và châu Á như Benelli, CFMoto, Generic. Từ năm 2019, các mẫu xe Brixton được chuyển sang sản xuất lắp ráp tại Malaysia, được nhập khẩu diện CBU về Việt Nam thông qua một công ty thương mại.

Những chiếc xe trong lô hàng bị giữ hình thức bề ngoài giống mẫu xe Brixton BX Scramber 150cc, có giá niêm yết khoảng 60 triệu đồng/chiếc trên một website bán hàng ở Việt Nam. Cơ quan chức năng ước tính giá trị lô hàng khoảng 3 tỷ đồng. Vụ việc đang được cơ quan hải quan tiếp tục xác minh làm rõ.

52 Xe mô tô hiệu Brixton xuất đi từ Đài Loan

Hiện nay có rất nhiều xe phân khối lớn được nhập lậu về Việt Nam qua đường biên giới với Trung Quốc sau đó các đối tượng làm giả toàn bộ hồ sơ, giấy tờ xe rồi bán cho người tiêu dùng có nhu cầu. Chủ phương tiện yên tâm sử dụng những phương tiện này mà không hề hay biết cho đến khi vô tình vi phạm luật giao thông và được lực lượng công an phát hiện hộ. Người dân không nên hám lợi nhuận để mua, bán những chiếc xe mô tô phân khối lớn nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã được làm giả giấy tờ. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp bị lực lượng công an phát hiện chủ phương tiện sẽ bị xử phạt, tịch thu phương tiện và thậm chí trong trường hợp vi phạm nặng có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi nhập lậu xe

Điểm c, Khoản 2, Điều 1, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác là một trong các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, hàng hóa nhập lậu gồm:

Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Mức xử phạt hành chính theo quy định pháp luật 

Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra còn áp dụng với các hình thức vận chuyển, tàng trữ, giao nhận xe nhập lậu và có thể bị xử phạt bổ sung kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là tịch thu xe máy, tiêu hủy hoặc nộp lại số lợi từ việc nhập xe lậu tùy tính chất.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang