Cảnh báo: Hội chứng ‘trái tim tan vỡ’ gây ảnh hưởng xấu tới tính mạng

authorKhánh Mai 15:16 19/02/2023

(VietQ.vn) - Theo chia sẻ từ các chuyên gia, khi quá căng thẳng và áp lực có thể dẫn tới hội chứng trái tim tan vỡ, gây hậu quả nghiêm trọng, tác động tới thể chất thậm chí là tử vong.

Bệnh cơ tim Takotsubo, còn được gọi hội chứng trái tim tan vỡ, là tình trạng tạm thời, xảy ra do một sự việc căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần, chẳng hạn cái chết của người thương yêu. Nó chiếm khoảng 1% trong số các hội chứng mạch vành cấp tính, thường khó phân biệt với các cơn đau tim thông thường, cần nhanh chóng can thiệp y tế.

Đối tượng nào dễ bị ảnh hưởng bởi hội chứng trái tim tan vỡ

Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới, chiếm 90% số trường hợp chẩn đoán, đặc biệt là phụ nữ châu Á hoặc phụ nữ da trắng ở tuổi mãn kinh. Thông thường trước đây hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền căn bệnh lý tim mạch. Nguyên nhân của hội chứng trái tim tan vỡ vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Bệnh thường xảy ra sau các căng thẳng về cảm xúc (như cái chết của người thân, ly hôn, sợ hãi, cuộc hội ngộ bất ngờ, chiến thắng xổ số lớn) hoặc thực thể (cơn hen suyễn cấp, gắng sức thể lực quá mức, hậu phẫu).

Nguyên nhân của hội chứng trái tim tan vỡ

Phản ứng của con người với các sự kiện như vậy gây ra sự giải phóng hormone gây căng thẳng (catecholamine) làm giảm tạm thời hoạt động co bóp của cơ tim, hoặc làm tim co bóp quá mạnh, dữ dội thay vì theo mô hình ổn định. Trong mô tả bệnh Takotsubo cổ điển, đặc điểm đặc trưng là phình tạm thời vùng mỏm tim và giảm co bóp.

 Căng thẳng có thể gây ra cơn đau tim điển hình dẫn đến chết người. Ảnh minh họa

Các triệu chứng có thể xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau một kích thích căng thẳng và tương tự như các cơn đau tim. Cần phải đến cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng bao gồm: Đau thắt ngực (đau ngực đột ngột, dữ dội): phần lớn bệnh nhân nhập viện có đau ngực (70% - 90%), hụt hơi, chứng loạn nhịp tim (nhịp đập không đều của tim), sốc tim (tim không có khả năng bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Tác động của hormone gây choáng váng các tế bào của tim, gây rối loạn chức năng, nhưng tác động này thường không kéo dài, thường vài ngày đến vài tuần, ngất xỉu, huyết áp thấp, suy tim… "Căng thẳng có thể gây ra một cơn đau tim điển hình dẫn đến chết người", Tiến sĩ Harmony Reynolds, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch Phụ nữ Sarah Ross Soter tại NYU Langone cho biết.

Người bệnh sẽ bị suy yếu đột ngột các cơ tim, diễn ra khi hệ thống thần kinh tự trị mất cân bằng. Nguyên nhân là căng thẳng về thể chất, cảm xúc hoặc các dạng căng thẳng khác. Bệnh có thể không biểu hiện dưới dạng tức ngực. Cơn đau xảy ra từ đường viền hàm, răng đến phần giữa của dạ dày. Nhiều bệnh nhân có triệu chứng khó thở, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi hoặc "cảm giác có điều gì đó không ổn".

Lời khuyên từ chuyên gia

Tiến sĩ Reynolds khuyến nghị người bệnh đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào. Để chẩn đoán hội chứng trái tim tan vỡ, bác sĩ cần đo điện tâm đồ, chụp động mạch vành, siêu âm tim, MRI tim, chụp buồng thấp. Việc điều trị bệnh cơ tim Takotsubo còn tương đối xa lạ.

Theo tiến sĩ Reynolds, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế men chuyển (ACE) - một trong những nhóm thuốc cao huyết áp phổ biến nhất hiện nay. Bệnh nhân cũng được sử dụng thuốc để làm chậm nhịp tim, thuốc lợi tiểu để thải nước, thuốc chống lo âu để kiểm soát căng thẳng. Các nhà khoa học tại Đại học New York Langone đang nỗ lực thử nghiệm điều trị bệnh thông qua tập thể dục, yoga và thiền, vốn cải thiện được chức năng giao cảm. Bệnh nhân mắc hội chứng Takotsubo thường hồi phục hoàn toàn.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang