Sau siêu bão, xuất khẩu gạo Việt Nam khởi sắc

author 06:08 21/07/2014

(VietQ.vn) - Thị trường gạo Việt Nam trong tương lai sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại sân chơi Đông Nam Á nhờ Philippines đã nhập khẩu 400.000 tấn gạo của nước ta và sự tăng giá của các mặt hàng gạo trong nước.

Sau siêu bão, Philippines  tăng nhu cầu nhập khẩu gạo

Theo thông tin mới nhất, cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) cho biết có kế hoạch nhập khẩu thêm gạo nửa cuối năm 2014 để tăng dự trữ, đặc biệt sau siêu bão Rammasun.

Trợ lý Tổng thống về An ninh lương thực - Francis Pangilinan giải thích thêm rằng, nước này tăng cường việc gia tăng nhập khẩu gạo là do tỷ lệ rút gạo từ các kho của Chính phủ tăng cao. Ông cho biết thêm, Chính phủ Phillipines sẽ dùng 400.000 tấn gạo làm “hàng đệm” và để ngăn chặn khả năng giá gạo tăng.

Trong khi đó, ông Arthur Juan - cán bộ quản lý cao cấp của NFA, cho biết tổng gạo dự trữ hiện đủ dùng cho 80 ngày. Ông khẳng định rằng 400.000 tấn gạo nhập khẩu mới từ Việt Nam sẽ giúp kho gạo nước này đủ dùng trong khoảng 90 ngày.

 

Philippines sẽ nhập thêm gạo để tăng dự trữ sau bão, tạo cơ hội cho thị trường gạo Việt Nam phát triển mạnh tại sân chơi Đông Nam Á

Philippines sẽ nhập thêm gạo để tăng dự trữ sau bão, tạo cơ hội cho thị trường gạo Việt Nam phát triển mạnh tại sân chơi Đông Nam Á. Ảnh minh họa

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo chủ chốt của Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2014, tổng khối lượng gạo của Việt Nam xuất sang Philippines đạt 493.000 tấn. Với lượng gạo mới này, tổng số gạo nhập của Philippines trong năm 2014 sẽ là 1,2 triệu tấn. Ông Francis Pangilinan cũng cho biết sẽ có cuộc họp với Hội đồng NFA ngày 22/7 để hoàn tất kế hoạch nhập khẩu. Sau khi được phê duyệt, hoạt động nhập khẩu mới sẽ được triển khai vào đầu tháng 9.

Theo GS Võ Tòng Xuân, đây tiếp tục là cơ hội cho gạo Việt Nam, tuy nhiên vấn đề còn lại là việc cạnh tranh thế nào bởi hiện giá gạo Việt Nam được cho là có giá xuất khẩu rẻ nhất thế giới

Với những tín hiệu đáng vui mừng trên thì tính đến 17/7, nước ta đã xuất khẩu được 3,26 triệu tấn gạo sang các nước khác, đặc biệt là các nước nằm trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), từ ngày 1/7 đến ngày 17/7 cả nước đã xuất khẩu được 259.400 tấn gạo, trị giá FOB 112,687 triệu USD, trị giá CIF 119,597 triệu USD. Như vậy giá gạo xuất khẩu bình quân trong thời gian này đạt 434,4 USD/tấn, cao hơn so với mức giá xuất khẩu bình quân của tháng 6 là 423,5 USD/tấn.

 

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang các nước tăng giúp Việt Nam có cơ hội dấn mạnh vào các thị trường khác, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang các nước tăng giúp Việt Nam có cơ hội dấn mạnh vào các thị trường khác, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa

Chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là gạo 15-20% tấm với 106.436 tấn (chiếm tỷ trọng 41%); kế đó là gạo 3-10% tấm với 70.743 tấn (chiếm 27,27%).

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 17/7, xuất khẩu gạo đạt 3,260 triệu tấn, trị giá FOB 1,408 tỷ USD, trị giá CIF 1,485 tỷ USD.

Cũng theo VFA, trong tuần đến 17/7, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL tiếp tục nhích nhẹ. Cụ thể, giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 5.550 - 5.650 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với tuần trước đó, lúa dài khoảng 5.750 – 5.850 đồng/kg, cũng tăng 100 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.150 – 7.250 đồng/kg tùy từng địa phương, tăng 150 đồng/kg; tuy nhiên gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.900 – 7.000 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương, không thay đổi so với tuần trước đó.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.600 – 8.700 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg), gạo 15% tấm 8.100 – 8.200 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg) và gạo 25% tấm khoảng 7.650 – 7.750 đồng/kg (tăng 150 đồng/kg) tùy chất lượng và địa phương.

Với tình hình tốt đẹp hiện nay, thị trường gạo Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, có cơ hội tiến sâu mạnh hơn vào các thị trường khác không chỉ giới hạn trong khu vực Đông Nam Á mà con vươn tầm ra các châu lục khác.

Nguyễn Dung (Tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang