Ai tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn mác Việt?

author 09:19 05/08/2014

(VietQ.vn) - Kẽ hở chính sách, lòng tham của con buôn…thậm chí là cả ý thức người tiêu dùng cũng đang là nhân tố tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại, gắn mác “made in Việt Nam” vào hàng Trung Quốc

Ông Đỗ Thanh Lam (ảnh), Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với Chất lượng Việt Nam về thực trạng gian lận thương mại.


Hàng Trung Quốc bị gắn mác made in Việt Nam đã được phản ánh từ lâu, mới đây nhất, ngay tại quầy bán hàng của sân bay Nội Bài, vụ Hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt cũng đã được phát hiện. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Lâu nay, không chỉ có nông sản, hoa quả mà rất nhiều mặt hàng khác như mỹ phẩm, quần áo...của Trung Quốc cũng đội lốt hàng Việt hay các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Hành vi gian lận thương mại này ngày càng phát triển, diễn biến phức tạp do đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi phương thức, gây khó khăn rất nhiều cho công tác quản lý.

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân  nhưng trước hết phải kể tới ý thức của giới doanh nhân. Do lợi nhuận lớn, một số bộ phận thương nhân, doanh nghiệp trong nước đã tiếp tay cho đổi tượng khi tuồn hàng vào Việt Nam.

Ngoài ra, hành vi gian lận thương mại cũng đánh trúng vào tâm lý của người tiêu dùng thích dùng hàng xịn, những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Rõ ràng, cả người dân và doanh nghiệp vẫn chưa ý thức bảo vệ  hàng hóa trong nước lại tiếp tay cho các đối tượng nước ngoài phá hủy thương hiệu “made in Viet Nam” . Đây chính là vấn đề  đáng phải suy nghĩ…

Vậy là ông khẳng định có chuyện doanh nghiệp Việt móc ngoặc với thương nhân Trung Quốc?

Trước đây, chúng tôi đều phát hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp, cá nhân trong nước tiếp tay hoặc trực tiếp gắn mác “made in Việt Nam” vào hàng Trung Quốc rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay thì chưa phát hiện đối tượng người Việt nào.

Phải chăng, để xảy ra tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt cũng là hệ quả của khâu quản lý nhập khẩu còn lỏng lẻo?

Cũng phải khẳng định, hàng lậu, hàng giả nhiều là do hệ thống cơ chế chính sách của chúng ta tuy đã  được bổ sung, rà soát nhưng vẫn còn kẽ hở để cho các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng. Là cơ qua thực thi, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh yêu cầu sửa đổi những bất cập về chính sách quản lý.

Hành vi gian lận thương mại sẽ bị xử lý như thế nào, thời gian qua đã có bao nhiêu vụ việc bị phát hiện?

Rất nhiều văn bản pháp luật quy định xử lý hành vi gian lận thương mại như:  Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định xử lý hành vi làm giả xuất xứ, nhãn mác….

Từ đầu năm tới nay chúng tôi đã xử lý 56000 vụ gian lận thương mại, có hành vi giả xuất xứ, nhãn mác.

Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận cơ quan chức năng hiện rất khó để phát hiện các vụ gian lận thương mại. Chính vì vậy trước mắt cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân không tiếp tay cho đối tượng vi phạm. Mặt khác, chúng tôi cũng rất mong có sự hợp tác của cơ quan báo chí, người dân nhằm phát hiện tố cáo ki phát hiện vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

Tổng rà soát hoa quả Trung Quốc bán tại sân bay Nội Bài
Cảng vụ hàng không miền Bắc yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành rà soát, kiểm tra chất lượng và nguồn gốc các mặt hàng bán tại sân bay sau vụ hoa quả Trung Quốc trà trộn vào Nội Bài

Trước đó, qua quá trình xác minh của một số cơ quan báo chí, nhiều loại hoa quả đã được cơ sở kinh doanh tại Nội Bài mua từ chợ đầu mối Long Biên có nguồn gốc từ Trung Quốc và được đóng gói, dán nhãn mác là đặc sản Việt Nam. Các sản phẩm này sau đó được cung cấp cho các hộ kinh doanh bán tại sân bay.

 

Hoàng Vũ (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang