Ăn Tết ta theo Tết dương: Sao phải theo Tây?

author 09:52 04/01/2014

(Vietq.vn) - Sau Tết ta, lại phải mất hơn 1 tuần, thậm chí là lâu hơn, nhiều nơi mới thực sự quay lại guồng làm việc…Nhà nước vẫn phải trả lương cho 1 nhịp độ chơi cũng không hẳn mà làm cũng không hẳn…


Trong khi nhận được nhiều y kiến đồng tình từ các nhà kinh tế thì quan điểm  gộp kỳ nghỉ Tết ta với Tết dương, hiện vẫn vướng vào rào cản phong tục tập quán…

Sao phải duy trì ăn tết theo lịch Trung Quốc?

Quan điểm gộp kỳ nghỉ tết ta với tết dương lịch được GS-TS Võ Tòng Xuân đưa ra , bởi lý do: chấm dứt lãng phí về thời gian và tiền bạc; vừa giữ được các tập quán , vừa ít bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, giao thương với nước ngoài…

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, đã đến lúc chúng ta định nghĩa lại "bản sắc dân tộc" của sự ăn Tết theo lịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thế giới. “Dứt khoát chúng ta không nỡ hưởng thụ đến 3 - 4 tuần lễ Tết dương lịch và âm lịch gộp lại trong khi các nước đang dành thời giờ đua làm giàu. Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết âm lịch sang các ngày dương lịch, và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê.”, ông Xuân lý giải.

Nhấn mạnh yếu tố cạnh tranh  trên thương trường quốc tế, chỉ hơn thua nhau vài phút là có thể giật lấy hoặc bỏ rơi cơ hội, ông Xuân bày tỏ: “Trong khi chúng ta vui Tết bên dưa hành và bánh chưng, bánh tét, bên chén tạc chén thù đến nhức cả đầu thì những đối tác của ta lại đang làm việc bình thường, và các dịp may trong thương trường quốc tế không thể chờ ta ăn Tết xong, mà chúng sẽ lọt vào tay những ai đáp ứng trước”. Mặc dù thừa nhận việc thay đổi tập quán rất khó, nhưng theo ông Xuân,  người Việt Nam vẫn có thể cử hành các tập quán ăn tết truyền thống trong ngày tết dương lịch.

" Trong khi chúng ta vui Tết, chén tạc chén thù đến nhức cả đầu thì những đối tác của ta lại đang làm việc bình thường"

Mới đây, Chuyên gia Phạm Chi Lan, một lần nữa lại lên tiếng ủng hộ quan điểm trên. Nữ chuyên gia này phân tích: Thực tế, sau kỳ Noel tết Tây, gần như tháng 1 Tây nhiều người không làm việc được bao nhiêu bởi các nơi tổng kết sơ kết rồi chuẩn bị cho Tết ta. Sau Tết ta, lại phải mất hơn 1 tuần, thậm chí là lâu hơn, tức là qua Rằm tháng Giêng thì nhiều nơi mới thực sự quay lại guồng làm việc.

“ Một nước còn nghèo, năng suất lao động còn rất thấp như Việt Nam mà lại nghỉ nhiều hoặc làm việc với một nhịp độ thấp như vậy thì rất khó cho việc phát triển. Như ở các nước, họ chơi ra chơi làm ra làm, trong khi ở ta, không chơi hẳn, cũng không làm hẳn trong dịp nghỉ hẳn. Xét dưới góc độ kinh tế thì nhà nước lại vẫn phải trả lương cho 1 nhịp độ làm thấp hơn đáng kể so với bình thường”, bà Lan nói.

Tuy nhiên, bà Lan cũng thừa nhận: Ăn Tết theo lịch Âm là tập quán của người dân Việt nên trong trường hợp các cơ quan quản lý muốn thay đổi để hòa nhập với cái chung, vì lợi ích chung của nền kinh tế nước nhà song cũng sẽ khó trong việc thuyết phục ngay người dân.

Chính vì vậy, bà Phạm Chi Lan đưa ra đề xuất: nên sớm đưa ra lộ trình gộp hai dịp Tết. “Trước tiên, điều cần làm ngay là có thể thông báo hoặc đưa ra thăm dò ý kiến dư luận về việc trong vòng mấy năm tới sẽ thực hiện gộp hai dịp nghỉ Tết để người dân làm quen dần với sự thay đổi và trong thời gian đó tiến hành vận động thuyết phục”, bà Lan phân tích.

Không phải cái gì theo Tây cũng tốt!

Quan điểm gộp tết ta và kỳ nghỉ tết dương lịch hầu hết đều bị giới nhà xã hội học phản đối.  GS-TS Hà Đình Đức cho rằng, người đưa ra ý tưởng trên chẳng khác gì coi cả nước ta như một thương trường, chính vì thế nó không thể thuyết phục.

Cụ thể, GS Đức phân tích:  Tập quán cổ truyền từ ngàn xưa được cả dân tộc lưu giữ, còn cơ hội kinh doanh và giao thương với nước ngoài chỉ là của các doanh nghiệp, công ty chứ đâu phải của mọi người dân Việt Nam.

Từ đây, vị GS đặt câu hỏi: “Noel và Tết Dương lịch các nước thường nghỉ một tuần, Têt Âm lịch nước ta nghỉ bốn ngày. Ngày nghỉ của họ theo tập quán của họ, còn ngày nghỉ của ta theo tập quán của ta. Tại sao lại bắt ta phải theo họ?”.

Các nhà xã hội học cho rằng: Tết nguyên đán vốn là nét văn hóa cổ truyền đặc sắc không thể bỏ được

Tương tự PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cũng cho rằng không  nên gộp hai cái Tết lại thành một. Ông nêu lập luận: Thứ nhất, tiết trời của chúng ta, không gian xã hội của Việt Nam khác hoàn toàn với trời Âu. Người ta vẫn nói: Tháng giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà. Có thể thấy từ lâu người Việt đã quan niệm tháng giêng là tháng hội hè, ăn chơi.

“Tôi đồng ý, thích gộp thì gộp, nhưng sau đó người dân người ta lại vẫn xin nghỉ phép để hưởng cái tiết xuân đó thì có gộp cũng vô ích. Tôi nghĩ đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau và nó gắn liền với văn hóa của dân tộc. Chúng ta đừng có nghĩ quá cực đoan, theo Tây tất cả mọi cái sẽ chẳng ra đâu vào đâu cả.”, TS Bình phân tích.

Thứ hai, theo TS Trịnh Hòa Bình, tết cổ truyền vốn là nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Đặc trưng tính cách con người Việt Nam cũng khác với người phương Tây. Thế nên, bỏ là bỏ thế nào được?!

“Dịp tết cổ truyền ở Việt Nam có nhiều phong tục tập quán, phần lớn là mỹ tục, không phải những hủ tục, tục lệ dở ẹc. Mà đã là mỹ tục chúng ta phải bảo lưu, phát triển thậm chí khôi phục. Những cái đó đang hay ho thì có gì phải dập bỏ? Và cuối cùng, nhà xã hội học khẳng định: “ Không phải cái gì học theo Tây cũng tốt!”

Cho đến nay chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam còn hưởng thụ 3- 4 tuần Tết âm lịch và dương lịch gộp lại. Các nước khác ở châu Á đã chuyển ngày nghỉ Tết theo dương lịch từ lâu. Điển hình nhất là Nhật Bản-quốc gia Á châu giàu nhất thế giới. Đưa ra lý do này, vị Giáo sư cho rằng, một trong những lý do chính khiến Nhật Bản trở nên giàu có là nhờ sớm biết giao thương với Âu Mỹ, theo đúng phương pháp và tập quán Âu Mỹ.


Hoàng Vũ (tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang