Ba dự án giao thông công cộng đang được mong đợi tại Hà Nội

author 21:35 16/10/2014

(VietQ.vn) - Bộ Giao thông vận tải Hà Nội đang gấp rút triển khai ba dự án xây dựng các công trình giao thông công cộng đáng được mong đợi nhất trong năm 2014.

Tuyến xe buýt nhanh 49 triệu USD

Tuyến xe buýt nhanh Hà Nội

Tuyến xe buýt nhanh Hà Nội (Ảnh minh họa)

Được đầu tư số tiền tương đương hơn 1.000 tỷ đồng, tuyến buýt nhanh đầu tiên ở thủ đô sắp được đưa vào hoạt động với kỳ vọng rút ngắn một nửa thời gian so với tuyến buýt hiện tại và hành khách được sử dụng thẻ từ thay vì vé giấy.

Để người dân làm quen với loại hình xe buýt nhanh, Hà Nội đang lên phương án chuẩn bị cho chạy thử một tuyến trong quý IV và dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2015.

Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.

Xe buýt nhanh sẽ chạy với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h. Các xe đều có hệ thống GPS, kết nối với Trung tâm điều hành để giải quyết các sự cố có thể phát sinh. Tại nút giao thông cũng có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.

Dự án tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông

Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông

Tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch được điều chỉnh giữa năm 2013, bắt đầu từ ngày 1/3/2015, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sẽ được đưa vào vận hành chạy thử. Sau đó, sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại từ 1/6/2015. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ xử lý nhanh các vướng mắc để hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đúng tiến độ.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị số 3 Cát Linh-Hà Đông, có chiều dài toàn tuyến khoảng 13,5km, đi hoàn toàn trên cao. Tuyến đường được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8. Đoàn tàu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở  từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Thời gian khai thác hàng ngày từ 5 -23 giờ, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến...

Dự án đường vành đai hai đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy

Đường vành đai 2 Nhật Tân - Cầu GiấyĐường vành đai 2 Nhật Tân - Cầu Giấy (Ảnh minh họa)

Đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy là hợp phần quan trọng của dự án xây dựng đường vành 2 theo tiêu chuẩn đô thị loại một. Đường sau khi xây dựng có bề rộng từ 58-64 m, dài 6,4 km với tổng mức đầu tư 304,7 triệu USD (tương đương 6,4 nghìn tỷ đồng). Đoạn đường Nhật Tân – Xuân La – Bưởi – Cầu Giấy được bố trí mỗi bên hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, hai làn xe hỗn hợp, vỉa hè mỗi bên rộng  8 m và dải phân cách giữa từ 3-9 m.

Hiện nay gói thầu 1A xây dựng đường từ Nhật Tân đến Xuân La dài 1,718 m cơ bản đã hoàn thành. Gói thầu hợp phần 2 đoạn từ đầu đường Hoàng Quốc Việt - Bưởi bắt đầu thi công những hạng mục đầu tiên. Bắt đầu từ nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Viêt, đoạn đường vành đai 2 chạy uốn lượn dọc bờ sông Tô Lịch qua địa phận phường Nghĩa Đô, Quan Hoa (Cầu Giấy), phường Vĩnh Phúc, Cống Vị (quận Ba Đình) đến điểm cuối là ngã tư Cầu Giấy.

Thùy Linh (Tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang