Bác sĩ chỉ ra tiến trình rượu bia ăn mòn cơ thể đáng sợ thế nào?

author 06:23 03/02/2022

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, từ máu rượu đi đến các cơ quan, đặc biệt những cơ quan có lưu lượng máu lớn như gan và não. Rượu làm tăng chất ức chế thần kinh, chất dẫn truyền thần kinh GABA...

Rượu bia tàn phá cơ thể ra sao?

Rượu, bia là những thức uống thường có trong các buổi liên hoan, sinh nhật, họp mặt... Nhất là những ngày Tết Nguyên đán, nhà nào cũng dự trữ sẵn thức ăn, rượu, bia để tiếp khách. Tuy nhiên để biết rượu tàn phá cơ thể ra sao thì không ai biết rõ. 

Cụ thể, theo bác sĩ Phạm Ánh Ngân- Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM Cơ sở 3, khoảng 10% rượu được hấp thu ở dạ dày, còn lại chủ yếu hấp thu ở ruột. Khi ăn no, cơ thắt môn vị sẽ đóng lại, ngăn cản một phần rượu và thức ăn xuống ruột. Vì vậy, uống rượu khi đói sẽ hấp thu nhanh; còn uống rượu cùng lúc ăn sẽ hấp thu chậm hơn. Độ cồn (alcohol) là chất kích ứng với niêm mạc dạ dày, làm cho cán cân giữa yếu tố bảo vệ (prostagladin) và yếu tố gây hại (thức ăn, acid...) mất cân bằng, khiến cho bệnh lý dạ dày thêm trầm trọng.

 Rượu bia tàn phá cơ thể bằng nhiều con đường khác nhau. Ảnh minh họa

Từ máu, rượu đi đến các cơ quan, đặc biệt những cơ quan có lưu lượng máu lớn như gan và não. Rượu đến gan trước, các enzyme trong gan phá vỡ phân tử rượu, enzyme ADH biến rượu thành một chất độc gọi là acetaldehyde và enzyme ALDH biến acetaldehyde thành acetate không độc. Cùng với sự lưu thông máu, gan đào thải rượu liên tục. Lần đào thải rượu đầu tiên quyết định lượng rượu sẽ đến não và cơ quan khác.

Rượu làm tăng chất ức chế thần kinh, chất dẫn truyền thần kinh GABA, giảm chất kích thích, chất dẫn truyền thần kinh glutamate, làm giảm sự giao tiếp của các tế bào thần kinh. Lượng rượu vừa phải giúp thư giãn, lượng lớn hơn sẽ gây ngủ, quá liều có thể cản trở hoạt động của não điều khiển cho sự sống.

Rượu bia còn là nguyên nhân chính gây nên viêm tụy cấp, mặc dù quá trình này tích lũy nhiều năm ở người nghiện rượu, khi rượu làm tắc nghẽn các ống tụy nhỏ, tăng tiết enzym tiêu hóa và lysosom ở tế bào acinar (tế bào hạt của tụy giúp tiết enzym).

Vào dịp lễ tết, số lượng rượu bia được tiêu thụ tăng vọt ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Liên tục sử dụng rượu bia sẽ khiến cơ thể bị áp lực, không có thời gian đào thải hoàn toàn lượng acetaldehyde. Tích lũy nồng độ chất này sẽ gây độc lên gan, não và các cơ quan khác.

Các dấu hiệu ngộ độc rượu cần lưu ý bao gồm nôn mửa nhiều lần không giảm, có thể kèm đau quặn bụng; rối loạn ý thức, hành vi; hạ thân nhiệt (da lạnh, ẩm). Biểu hiện của ức chế hô hấp (khó thở, đọng đàm dãi nhiều, lơ mơ). Khi quan sát người uống rượu có những dấu hiệu trên, cần được đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời. Chú ý trong quá trình di chuyển tránh để người bệnh bị hít sặc do nôn mửa, cần giữ ấm cơ thể để tránh tình trạng hạ thân nhiệt gây ảnh hưởng nặng hơn.

Còn theo bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi - Bệnh viện Đại học Y dược, cơ sở 3 TP.HCM, có 3 con đường chuyển hóa rượu ở trong cơ thể người là tại gan, qua tuyến mồ hôi trên da, và thông qua hệ hô hấp. Trong đó, khoảng 90% là chuyển hóa thông qua hệ thống men của gan. Khi uống rượu quá nhiều, quá nhanh vượt khả năng phân hủy của men hay thiếu hụt một phần hay hoàn toàn men chuyển hóa sẽ rơi vào tình trạng say rượu.

"Thuốc giải rượu" thực chất là để tăng cường chức năng hoạt động của hệ thống men gan, từ đó tăng phân hủy rượu, giúp mau tỉnh táo, loại bỏ cảm giác nôn nao kéo dài sau khi uống rượu. Song khả năng của gan có hạn, nó chỉ sản sinh lượng enzyme nhất định mỗi giờ, ứng với lượng cồn nhất định được chuyển hóa, vì vậy nếu uống quá nhiều gan sẽ không kịp sản xuất.

Một người có say hay không say phụ thuộc vào nồng độ ethanol trong máu. Khi nồng độ ethanol trong máu từ 0,05 - 0,1% thì bắt đầu xỉn nhẹ, khi đạt 0,3% sẽ có dáng đi loạng choạng, nói năng không kiểm soát (trạng thái say rượu), và khi đạt trên 0,5% thì nguy cơ cao sẽ chết. Khả năng dung nạp ethanol ở mỗi người cũng không giống nhau.

Cách giải rượu an toàn

Một số dược liệu an toàn có thể hỗ trợ việc giải rượu như sau: Hãy sử dụng sắn dây. Đây là một loại thuốc được ứng dụng nhiều nhất để giải rượu. Sắn dây có thể cải thiện các rối loạn chuyển hóa, trao đổi chất do rượu gây ra. Sau khi say rượu có thể sử dụng 10 - 20g sắn dây để giải rượu.

Đậu xanh + cam thảo cũng có khả năng giải rượu rất tốt. Trước hết hãy nấu 50g đậu xanh, 10g cam thảo, bỏ lượng đường, nước vừa đủ. Tác dụng giảm nôn, bảo vệ gan, làm cho mau tỉnh sau say rượu. Cũng có thể dùng chỉ nước sắc đậu xanh cũng đạt được hiệu quả tương tự.

Ngoài ra nước mật ong cũng có khả năng giải rượu. Bởi thành phần chủ yếu là đường fructose, có khả năng thúc đẩy phân hủy và hạn chế hấp thu cồn hiệu quả, từ đó làm giảm nồng độ cồn trong máu, giúp tinh thần nhanh tỉnh táo, loại bỏ đau đầu, chóng mặt, cảm giác nôn nao sau khi uống rượu.

Nên uống 10 - 15g nước ép vỏ dưa hấu sau khi uống rượu làm giảm nôn nao, chóng mặt, đau đầu, nôn ra nước chua sau uống, lợi tiểu tiện, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang