Bác sĩ lưu ý khi dùng cây cỏ hôi hỗ trợ điều trị nhiều bệnh để đảm bảo an toàn

author 15:19 28/11/2024

(VietQ.vn) - Cây cỏ hôi (cây cứt lợn) được biết đến là một loại dược liệu giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý tuy nhiên theo các bác sĩ cần lưu ý khi dùng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bác sĩ Quách Tuấn Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Đông y Hà Nội cho biết, cây cỏ hôi (cây cứt lợn - Ageratum conyzoides), hay còn gọi là ngũ sắc, mọc hoang dại ở nhiều nơi, là loại thảo dược được sử dụng rộng rãi trong dân gian để điều trị nhiều bệnh lý nhờ vào các tác dụng chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn, kháng nấm.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy các thành phần hóa học của cây cứt lợn có ý nghĩa quan trọng trong việc bào chế dược liệu: tinh dầu; saponin; caryophllen; ancoloid; demetoxygeratocromen; cadinne; acid fumaric; phenol; quercetin; cumarins; resins; tanins; kaempferol; charomones; acid cafeic...

Cây cỏ hôi có công dụng chữa bệnh cả trong y học cổ truyền và y học hiện đại. Theo y học cổ truyền, cỏ hôi tính mát, vị cay, đắng nhẹ, tác dụng giải nhiệt, giải độc, chống chảy máu, sưng nề, được dùng trong điều trị các chứng bệnh mụn nhọt; viêm họng; rong kinh; băng huyết sau sinh; sỏi tiết niệu; viêm mũi xoang; đau nhức xương khớp; phong thấp.

Cỏ hôi được sử dụng rộng rãi trong dân gian để điều trị các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm xoang và viêm mũi dị ứng. Các hợp chất chống viêm và chống dị ứng trong cây giúp làm giảm sưng, đau và thông thoáng đường mũi. Cỏ hôi có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm tốt, đặc biệt với bệnh ngoài da do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm như viêm da, nấm móng, nấm da chân.

Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cỏ hôi có khả năng kháng nhiều loại vi khuẩn và nấm gây bệnh, đặc biệt là các chủng Staphylococcus aureus (tụ cầu) và Candida albicans (nấm). Nghiên cứu tại Brazil cho thấy chiết xuất từ cây cỏ hôi có hiệu quả trong việc giảm đau và chống viêm trên các mô hình động vật bị viêm khớp.

Cây cỏ hôi có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau nhưng cần lưu ý khi dùng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên theo bác sĩ Quách Tuấn Vinh, mặc dù cây cỏ hôi có nhiều tác dụng chữa bệnh, cần lưu ý một số điểm để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng.

Nên sử dụng trong thời gian ngắn vì cây cỏ hôi có thể gây tích lũy một số chất độc nếu dùng kéo dài. Chỉ nên dùng trong khoảng 1-2 tuần cho đến khi triệu chứng giảm và không sử dụng liên tục trong thời gian dài.

Không dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú vì vhưa có đủ nghiên cứu về độ an toàn của cây này với phụ nữ mang thai và cho con bú, do đó tốt nhất nên tránh sử dụng để đảm bảo an toàn. Trẻ em có cơ địa nhạy cảm, do đó nên hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng cây cỏ hôi cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Nếu đang dùng thuốc, đặc biệt là thuốc chống viêm và giảm đau, hãy thận trọng khi sử dụng cây cỏ hôi vì có thể xảy ra tương tác thuốc, làm tăng hoặc giảm hiệu quả của thuốc tây. Một số người có thể bị dị ứng với cây cỏ hôi, gây ngứa ngáy, nổi mẩn hoặc khó thở. Nếu có dấu hiệu dị ứng, ngưng sử dụng ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, tránh nhầm lẫn giữa cây cỏ khô với cỏ lào hoặc cây ngũ sắc bởi chúng có tên gọi gần giống nhau. Liều lượng đảm bảo an toàn nhất khi dùng theo đường uống từ 15 - 30g cỏ khô (tương đương 30 - 60g tươi). Có thể sắc uống bằng cách giã nát lọc lấy nước cốt uống hoặc bôi ngoài da. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y học cổ truyền khi sử dụng cho các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai và trẻ em.

Thông tư số 19/2019/TT-BYT quy định thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên

Thông tư này do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định việc ban hành, công bố áp dụng và đánh giá việc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên; lộ trình áp dụng đối với các cơ sở nuôi trồng, thu hái dược liệu và cơ sở khai thác dược liệu tự nhiên. Thông tư này áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng, thu hái, khai thác dược liệu (sau đây gọi chung là cơ sở) và các tổ chức liên quan đến hoạt động quản lý nuôi trồng, thu hái, khai thác dược liệu.

Thông tư yêu cầu về công tác chọn giống để trồng phải là các loài được quy định trong Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển các nước và trong các tài liệu về dược liệu được phép xuất bản khác.

Trường hợp các dược liệu mới được du nhập, thì phải lập hồ sơ cụ thể (thành hồ sơ nguồn) như mô tả trong các tài liệu của nước xuất xứ. Lai lịch giống cây đang trồng cần được xác minh ở các đơn vị theo quy định và lưu hồ sơ. Các nguyên liệu nhân giống cần được nêu cụ thể, bao gồm các thông tin: nhà cung cấp hạt giống và các vật liệu nhân giống; tất cả các thông tin cần thiết liên quan đến lai lịch, chất lượng và tính năng sản phẩm, cũng như lịch sử phát triển sản phẩm (nếu có thể).

Nguyên tắc tiêu chuẩn khai thác dược liệu, trước khi đi thu hái, cần xác định sự phân bố địa lý và mật độ quần thể của loài dược liệu cần thu hái. Cần phải xét đến các yếu tố như khoảng cách từ cơ sở đến nơi thu hái và chất lượng hiện có của các dược liệu cần thu hái. Khi đã xác định được địa điểm thu hái, cần phải xin giấy phép thu hái của địa phương theo quy định hiện hành.

Cần thu nhập các thông tin cần thiết về dược liệu cần thu hái (như phân loại, phân bố, sinh khí hậu học, tính đa dạng di truyền, sinh học sinh sản, và thực vật dân tộc học) và các dữ liệu về điều kiện môi trường, bao gồm địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu và thực bì tại địa điểm dự định thu hái cũng.

Cần có các thông tin về ảnh sao chụp. Cần phải sắp xếp trước các phương tiện vận chuyển để nhanh chóng vận chuyển các dược liệu đã thu hái, công nhân thu hái, thiết bị về khu vực tập kết một cách an toàn và hiệu quả. Cần có kế hoạch để định kỳ cập nhật kiến thức, kỹ thuật thu hái, vận chuyển và xử lý thiết bị. Phải làm thế nào bảo đảm được sự ổn định các môi trường sống tự nhiên và duy trì được những quần thể bền vững của loài được thu hái trong (các) khu vực thu hái.

 Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang