Bản tin tiêu dùng 4/10: Dự báo giá xăng có thể tăng mạnh vào ngày mai

authorPhương Nam 18:25 04/10/2016

(VietQ.vn) - Bản tin tiêu dùng nổi bật ngày hôm nay là thông tin dự báo giá xăng có thể tiếp tục tăng mạnh vào ngày mai 5/10.

Sự kiện: Giá xăng dầu

Ngày mai 5/10: Giá xăng tiếp tục tăng mạnh?

Theo dự báo mà Vietnamnet đưa ra sáng nay, có thể ngày mai 5/10 giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Vietnamnet cho biết, nếu giá nhập khẩu xăng dầu trên thị trường Singapore tiếp tục tăng theo đà tăng của giá xăng dầu thế giới thì rất có thể lần điều chỉnh giá lần này, mặt hàng xăng dầu sẽ tiếp tục tăng.

Theo đó, đúng lịch trình, ngày mai, 5/10, sẽ đến chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước. Liên Bộ Tài chính - Công thương sẽ dựa vào những số liệu tính toán tại thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Singapore để điều chỉnh giá bán lẻ trong nước cho phù hợp.

Theo bảng giá nhập khẩu của Singapore được đăng tải trên trang thông tin điện tử Bộ Công Thương thì tính từ ngày 20/9, ngày điều hành giá gần nhất đến hết ngày 30/9, giá bình quân của các mặt hàng xăng A92, dầu hỏa, dầu diesel đều đã tăng mạnh so với 15 ngày trước đó.

Cụ thể, giá cơ sở của xăng RON 92 tại Singapore là 57,12 USD/thùng. Chu kỳ lần này, giá xăng RON 92 tại Singapore đạt mức đỉnh là hôm 29/9 là 57,45 USD/thùng. Giá dầu hỏa là 57,39 USD/thùng, dầu diesel là 57,41 USD/thùng, dầu mazut là 263,29 USD/tấn. Trong đó, giá RON92 bình quân của 9 phiên có giá là 55,91 USD/thùng, tăng hơn 1,2 USD/thùng so với giai đoạn từ 5/9 - 20/9. Còn giá dầu hỏa ở mức 55,29 USD/thùng và diesel là 54,95 USD/thùng.

Khi giá nhập khẩu từ thị trường Singapore tiếp tục theo đà tăng của giá thế giới như thế này thì có nhiều khả năng đợt điều chỉnh sắp tới, giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh tăng thêm.

Ban-tin-tieu-dung

Theo dự báo, có thể ngày mai xăng sẽ tăng giá trong chu kì điều chỉnh của liên bộ Công thương - Tài chính - Ảnh Vietnamnet 

 Cần có chính sách tiêu thụ rau an toàn

Theo thông tin trên báo Công an nhân dân, để người tiêu dùng được tiếp cận sử dụng rau an toàn thì Chính phủ cần có cơ chế đặc thù với Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển cửa hàng bán lẻ, điểm kinh doanh rau an toàn. Đồng thời, Bộ Công Thương cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường.

Theo Chi cục BVTV thì nhu cầu tiêu thụ rau của người Hà Nội là 1 triệu tấn/năm. Cả thành phố có 12.000ha diện tích canh tác rau, chủng loại phong phú với trên 40 loại, sản lượng đạt gần 60.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác.

Để công tác quản lý sản xuất và tiêu thụ RAT của thành phố đáp ứng nhu cầu RAT của người tiêu dùng Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt “Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT TP Hà Nội giai đoạn 2009-2016”.

Thực hiện đề án này, đến hết năm 2015, Hà Nội đã cấp chứng nhận sản xuất RAT cho 5.100ha, trong đó lớn nhất là HTX Văn Đức, Vân Nội…

Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, sản lượng RAT mỗi năm đạt 400.000 tấn nhưng chỉ có 20.000 tấn (chiếm 2/1000) có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 HTX cung cấp các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị.

Số còn lại chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng trên 370 nghìn tấn/năm (chiếm 92,5% sản lượng RAT, 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng). Trong khi nhu cầu sử dụng RAT của người tiêu dùng rất cao, nhưng họ lại khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị, trong khi có rất ít doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ. Đặc biệt HTX hầu như không có vai trò tiêu thụ RAT cho nông dân? Nghịch lý này tồn tại nhiều năm nay.

Ban-tin-tieu-dung

Cần có chính sách tiêu thụ rau an toàn - Ảnh công an nhân dân 

 Rõ ràng, Hà Nội đang vô cùng thiếu điểm bán lẻ, cửa hàng bán RAT và tình trạng này dẫn tới người tiêu dùng phải tự mày mò tìm mua trên mạng và các cửa hàng bán thực phẩm sạch. Do khó khăn trong việc tiêu thụ RAT nên không kích thích được người nông dân phát triển sản xuất.

Để giải bài toán này, theo ông Hồng thì Hà Nội hiện chưa có chính sách xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh RAT như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng.

“Nếu cứ để thế này thì Hà Nội còn rất lâu mới có cửa hàng RAT. Phải có chính sách tiêu thụ, nhất là hệ thống bán lẻ thì người tiêu dùng mới có cơ hội tiếp cận RAT” - ông Hồng nhận định.

Phương Nam (t/h).

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang