Thị trường bánh Trung thu: Kinh doanh ảm đạm, sức mua giảm mạnh

author 16:58 04/09/2021

(VietQ.vn) - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường bánh Trung thu sản xuất công nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất bánh Trung thu handmade năm nay gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao.

Sự kiện: Tết trung thu

Tết Trung thu không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà đây còn là dịp để chúng ta bày tỏ sự báo hiếu, biết ơn với ông bà, cha mẹ. Tết Trung thu là tết của tình thân, của đoàn tụ gia đình và bánh Trung thu là một nét đặc trưng trong dịp lễ này. Chính vì lý do đó mà mỗi khi Tết Trung thu đến thì cũng là lúc thị trường bánh Trung thu trở nên nhộn nhịp.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện nay nhiều tỉnh, thành; trong đó có TP. Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên vắng bóng các cửa hàng bán bánh Trung thu truyền thống trên các tuyến phố, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu handmade cũng không còn quá nhộn nhịp như mọi năm. 

Bánh Trung thu truyền thống giảm sản lượng

Là một trong số ít doanh nghiệp còn tiếp tục sản xuất bánh Trung thu năm nay, Công ty TNHH Thực phẩm Đại Phát cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, áp lực do giãn cách nhưng đơn vị vẫn nỗ lực để sản xuất, mang đến những chiếc bánh Trung thu chất lượng. “Đây không chỉ là món quà truyền thống mỗi mùa trung thu, mà còn là món quà tinh thần đến mọi người như một lời chúc bình an, vững vàng vượt qua mọi khó khăn” – đại diện Công ty Đại Phát cho biết. Mặc dù duy trì sản xuất nhưng Công ty đã giảm chủng loại, từ 40 loại còn 22 loại. Giá có tăng nhẹ tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều.

Thương hiệu bánh Như Lan cho biết, mặc dù đơn vị này vẫn sản xuất đầy đủ các loại bánh nhưng sản lượng bánh Trung thu năm nay sẽ giảm khoảng 50%. Ngoài ra, doanh nghiệp không sản xuất ra thị trường loại bánh có trọng lượng 200gr và 250gr mà chỉ tập trung cho loại bánh 300gr và 400gr.

Một số doanh nghiệp dừng sản xuất bánh Trung thu do ảnh hưởng bởi dịch covid-19. Ảnh Việt Hùng

 Một số doanh nghiệp dừng sản xuất bánh Trung thu do ảnh hưởng bởi dịch covid-19. Ảnh Việt Hùng

Trong khi đó, một số thương hiệu khác như ABC Bakery, Kido tạm ngưng sản xuất hoặc giảm mạnh lượng bánh trong mùa trung thu năm nay. “Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhân viên tại xưởng sản xuất thiếu hụt do phải đi cách ly hoặc sống trong khu vực phong tỏa, một số cửa hàng bánh tạm đóng nên công ty tạm ngưng sản xuất sản phẩm bánh theo mùa vụ này trong năm nay” – ông Kao Siêu Lực, chủ hệ thống ABC Bakery cho biết.

Trước tác động của dịch Covid-19, không chỉ ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, mà vấn đề tài chính của người tiêu dùng cũng hạn chế. Thế nên, nhu cầu về bánh Trung thu cũng có những ảnh hưởng nhất định. Chị Lê Thị Liên ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, như mọi năm nhu cầu mua bánh Trung thu của chị tương đối nhiều, chị không chỉ mua cho gia đình, biếu hai bên nội, ngoại mà còn mua biếu, tặng cho bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập cũng kém hơn so với mọi năm. Mặt khác, Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi lại rất hạn chế. Vì vậy, nhu cầu mua bánh cũng sẽ hạn chế đi nhiều. 

Thị trường bánh Trung thu năm nay ảm đạm, sức mua yếu do tác động của dịch bệnh. Ảnh tư liệu

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, các thương hiệu bánh Trung thu đã lựa chọn phương án bán hàng online, đưa hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng; hỗ trợ khách hàng tốt nhất trong việc mua hàng và tiếp cận với sản phẩm. Các kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, và Baemin... đều tham gia nhiệt tình vào thị trường bánh trung thu năm nay. 

Khi mua bánh online trên các sàn thương mại điện tử người mua sẽ được hưởng ưu đãi từ 5 - 10% về giá. Nhiều doanh nghiệp tung ra các combo hộp bánh Trung thu 2021, giá bán dao động khoảng 100.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng. Mức giá bánh của các hãng truyền thống trung bình dao động từ 30.000 - 80.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/ chiếc. Còn đối với hộp, dao động từ 150.000 đến trên 1 triệu đồng/hộp.

Không khó để người tiêu dùng tìm mua nguyên vật liệu làm bánh trung thu trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình

Bánh Trung thu handmade tận dụng kênh bán online

Trong khi các thương hiệu bánh Trung thu truyền thống tận dụng kênh phân phối online, thị trường bánh Trung thu handmade có lợi thế hơn khi vốn hoạt động chủ yếu trên nền tảng trực tuyến. Do đó mà trên thị trường, một số cơ sở kinh doanh bánh Trung thu handmade cho biết vẫn duy trì lượng hàng bán ra tương đối ổn định, chỉ giảm nhẹ so với trước dịch.

Bắt đầu kinh doanh mặt hàng này từ năm 2016, chị Nguyễn Phương Anh - ngụ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - cho biết sau 5 năm, chị đã gây dựng lượng khách hàng quen thuộc. Hiện tại, trung bình cửa hàng chị bán ra khoảng 100 chiếc bánh/ngày. Theo chị Phương Anh, tình trạng đơn hàng sụt giảm là xu hướng chung trong bối cảnh kinh doanh hiện tại. “Ngoài ra, xu hướng tự làm bánh Trung thu tại nhà gia tăng khiến nhu cầu mua bánh sẵn giảm đáng kể”, chị nói.

Chi phí sản xuất, vận chuyển của các cơ sở bánh Trung thu handmade năm nay tăng 1-1,5 lần. Ảnh: Nguyễn Phương Anh

Tuy nhiên, chia sẻ từ một số chủ cơ sở kinh doanh bánh Trung thu handmade, họ đều chịu chi phí nguyên vật liệu tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái. “Do đó, bánh thành phẩm buộc tăng giá nhưng chỉ dám tăng nhẹ để giữ chân khách hàng”, anh Đức Đạt - chủ cửa hàng bánh Trung thu handmade tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ. Ngay cả khâu vận chuyển - bước cuối cùng trong quy trình kinh doanh bánh Trung thu handmade - vẫn tồn tại nhiều khó khăn khi phí giao hàng nội thành tăng 1,5-2 lần so với trước dịch. Một số cơ sở kinh doanh thậm chí phải chịu 50% phí vận chuyển để khách hàng dễ dàng mua sắm. 

“Vì đã chuẩn bị cho mùa bánh Trung thu từ sớm, chúng tôi cần duy trì kinh doanh để không tồn nguồn nguyên liệu”, anh Đạt nói và dự báo lượng khách hàng năm nay sẽ giảm 50% so với năm trước.

Bánh Trung thu handmade thu hút người tiêu dùng bởi hình thức bánh độc đáo, hương vị phong phú. Ảnh: Vivu Cake

Chị Thu Thảo - chủ cửa hàng bánh Trung thu h Vivu trên đường Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết phần lớn khách hàng của chị là các khối doanh nghiệp, tổ chức và trường học. Theo chị, những năm trước, các đơn vị này thường đặt bánh Trung thu handmade từ sớm, cách rằm ít nhất 1,5-2 tháng. Nhưng năm nay, lượng đơn đặt bánh từ nhóm khách hàng này hầu như không còn. Một phần do những khách hàng từng mua bánh Trung thu handmade làm quà biếu giờ không mua hay mua chỉ mua số lượng ít, đủ phục vụ các thành viên trong gia đình.

“Việc các trường học đóng cửa và nhiều công ty chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, buộc phải cắt giảm quỹ quà bánh khiến lượng đơn hàng sụt giảm mạnh”, chị cho hay.

Các loại bánh handmade có ưu điểm là giá thành rẻ, chỉ khoảng 50.000 - 250.000 đồng/bánh, có thể chế biến các loại vỏ bánh, nhân khác nhau tùy theo ý muốn của khách hàng. Do có thời gian bảo quản ngắn, nên các cơ sở sản xuất bánh thường chỉ sản xuất cầm chừng theo đơn của khách đặt.

Những chiếc bánh trung thu handmade đem theo hương vị, màu sắc riêng của người làm bánh. Ảnh: Thiên Lý

Nhìn chung, mức giá bánh Trung thu 2021 khá hợp lý, từ thị trường bánh Trung thu sản xuất công nghiệp đến các cơ sở sản xuất bánh Trung thu handmade đa dạng với nhiều combo cho người tiêu dùng lựa chọn, phù hợp với nhu cầu biếu, tặng cũng như sử dụng trong gia đình.

Theo quyết định số 2169/QĐ-BKHCN ngày 7/8/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 12940:2020 Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F18 Đường, mật ong và sản phẩm tinh bột biên soạn.

Thông qua việc tổng hợp các tài liệu, thông tin truyền thông cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia, quá trình khảo sát sản phẩm thông qua thử nghiệm được Ban kỹ thuật TCVN/TC/F18 định hướng vào các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật.

Về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là các mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Do đó các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật an toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.

Tiêu chuẩn về bánh Trung thu sẽ áp dụng cho các bên liên quan đến sản phẩm này bao gồm các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước (ngành Công Thương, theo phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm); các đơn vị thử nghiệm và đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng sản phẩm.

Cụ thể, đối với bánh nướng và bánh dẻo, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212); bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152); dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.

Đồng thời, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật sử dụng để làm nhân bánh (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, thịt, thủy sản, trứng, mật ong...) phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Quy trình này đã có từ lâu nhưng vì thiếu tiêu chuẩn cụ thể nên bánh Trung thu lại được quản lý theo tiêu chuẩn của các dòng bánh khô (bánh quy). Do đó, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự ra đời của tiêu chuẩn quốc gia đối với bánh Trung thu sẽ giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong hoạt động quản lý, người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng mỗi khi đến dịp Tết Trung thu.

Thu Giang (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang