Mua trôi nổi lượng lớn bánh Trung thu giá rẻ về tiêu thụ

author 11:04 28/08/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên vừa ngăn chặn kịp thời 2 vụ vận chuyển số lượng lớn bánh trung thu, thực phẩm các loại nhập lậu phục vụ Tết Trung thu.

Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT về tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2021, ngay sau khi nhận được nguồn tin báo từ cơ sở, bằng các biện pháp nghiệp vụ thẩm tra xác minh, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện xe ô tô tải BKS: 20C-200.74 đang dừng đỗ xe lên xuống hàng hóa tại Quốc lộ 1B thuộc khu vực tổ 8, phường Chùa Hang, TP.Thái Nguyên.

Quá trình khám phương tiện vận tải, Đoàn kiểm tra khám phát hiện bên trong các thùng cát tông có gần 2.500 gói bánh Trung thu, chả cay các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên có xuất xứ nước ngoài, trên bao bì sản phẩm thể hiện “Made in China”.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Đào Ngọc Duy là lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì liên quan. Ông Duy khai nhận do thấy rẻ nên đã mua trôi nổi tại các chợ đầu mối Lạng Sơn mang về Thái Nguyên bán kiếm lời trong dịp Tết Trung thu.

 Lượng lớn bánh Trung thu nhập lậu bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Ngay sau đó, Đội QLTT số 1 tiếp tục phối hợp với phòng Cảnh sát Môi trường kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải BKS: 26C-070.97 đang dừng đỗ xe lên xuống hàng hóa tại khu vực tổ 8, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên bên trong chứa các loại thực phẩm có xuất xứ nước ngoài, trên vỏ ghi chữ Trung Quốc.

Quá trình khám phương tiện vận tải, Đoàn kiểm tra phát hiện bên trong xe có gần 2.000 sản phẩm thực phẩm các loại gồm: bánh Trung thu nhãn hiệu Xiang Lixian Qin, cổ vịt sốt cay nhãn hiệu Dacheng, kẹo nhãn hiệu Gummy Candy, chân gà sốt cay nhãn hiệu YuYu. Theo ghi nhận ban đầu của lực lượng chức năng, toàn bộ số hàng hóa trên đều do nước ngoài sản xuất. Ông Nguyễn Đức Duy là lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì liên quan.

Ông Duy khai nhận số hàng hóa trên được ông mua trôi nổi tại tỉnh Lào Cai mang về Thái Nguyên bán kiếm lời nhưng chưa bán được sản phẩm nào thì bị kiểm tra phát hiện.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đề xuất Đội trưởng Đội QLTT số 1 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 ông Đào Ngọc Duy và Nguyễn Đức Duy với hành vi: kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Buộc tiêu hủy theo quy định toàn bộ số hàng hóa trên dưới sự chứng kiến của lực lượng chức năng.

Theo lực lượng chức năng, để đảm bảo quyền lợi, sử dụng sản phẩm có chất lượng và an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng được đảm bảo thể hiện qua việc có thương hiệu, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu dinh dưỡng, chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn… Điều kiện bảo quản, bày bán sản phẩm cũng rất quan trọng, sản phẩm xuất xưởng có chất lượng tốt nhưng bày bán trên các hè phố nóng và bụi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bánh và không ai có thể đảm bảo về an toàn thực phẩm trong trường hợp này. Đối với bánh mua bán trực tuyến, người mua càng cần phải cân nhắc lựa chọn.

Theo quyết định số 2169/QĐ-BKHCN ngày 7/8/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 12940:2020 Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F18 Đường, mật ong và sản phẩm tinh bột biên soạn.

Thông qua việc tổng hợp các tài liệu, thông tin truyền thông cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia, quá trình khảo sát sản phẩm thông qua thử nghiệm được Ban kỹ thuật TCVN/TC/F18 định hướng vào các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật.

Về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là các mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Do đó các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật an toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.

Tiêu chuẩn về bánh Trung thu sẽ áp dụng cho các bên liên quan đến sản phẩm này bao gồm các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước (ngành Công Thương, theo phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm); các đơn vị thử nghiệm và đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng sản phẩm.

Cụ thể, đối với bánh nướng và bánh dẻo, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212); bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152); dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.

Đồng thời, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật sử dụng để làm nhân bánh (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, thịt, thủy sản, trứng, mật ong...) phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Quy trình này đã có từ lâu nhưng vì thiếu tiêu chuẩn cụ thể nên bánh Trung thu lại được quản lý theo tiêu chuẩn của các dòng bánh khô (bánh quy). Do đó, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự ra đời của tiêu chuẩn quốc gia đối với bánh Trung thu sẽ giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong hoạt động quản lý, người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng mỗi khi đến dịp Tết Trung thu.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang