Bảo đảm an toàn cho người dân, Ban chỉ đạo tiền phương trực tiếp vào tâm bão số 9 chỉ đạo ứng phó

author 17:20 27/10/2020

(VietQ.vn) - Bão số 9 di chuyển nhanh, cường độ rất mạnh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trong sáng 28/10 với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15. Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 đã trực tiếp vào Đà Nẵng chỉ huy triển khai công tác ứng phó.

Thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, để ứng phó với siêu bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban, cùng các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các phương án ứng phó bão, sơ tán người dân tới nơi an toàn. Ảnh Tổng cục PCTT

Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Thủ tướng quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương, chiều 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và các thành viên Ban chỉ đạo đã bay vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi để trực tiếp chỉ huy ứng phó với siêu bão số 9.

Ban Chỉ đạo tiền phương đã tới kiểm tra khu neo đậu tàu cá tại phường Thọ Quang, TP Đà Nẵng, sau đó tới kiểm tra tại khu sơ tán dân ở Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và khu neo đậu của cảng cá Tịnh Hoà, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Khẩn trương di dời, bảo đảm an toàn cho người dân

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo tiền phương, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19 giờ chiều 27/10. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27-10. 

Hiện tại, một số khu du lịch tập trung đông khách như Nha Trang - Khánh Hòa, Quy Nhơn - Bình Định... đã thông tin cho khách du lịch biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh.

Đối với tàu cá: Đến 11 giờ trưa 27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu với 229.290 ngư dân. Hiện còn 142 tàu với 1.118 ngư dân ở Bình Định còn trong vùng nguy hiểm. Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh.

Đối với tàu vận tải, tàu vãng lai: các tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn neo đậu, rời khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể: Đà Nẵng: 144 tàu (cảng Đà Nẵng: 72; vịnh Đà Nẵng: 44; tại cầu cảng: 28). Quảng Nam: 1 tàu neo tại Cù Lao Chàm. Bình Định: 78 tàu (tàu cập cảng 15; tàu neo phao: 48; tại cảng Vũng Rô: 15).

Cảng cá ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đã kêu gọi tàu thuyền đánh cá về bờ trú ẩn. Ảnh:Tổng cục PCTT  

Đến thời điểm này, các bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN đều đã có công điện chỉ đạo triển khai ứng phó với bão. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng tăng cường lực lượng trực ban; giao ban trực tuyến với trực ban các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa để chia sẻ, cung cấp thông tin, phục vụ tham mưu chỉ đạo điều hành.

Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Kon Tum đã có công điện, văn bản chỉ đạo và triển khai ứng phó với bão như: tổ chức thông báo, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển trú tránh, neo đậu; gia cố, di dời lồng, bè nuôi trồng thủy sản; rà soát, chuẩn bị sơ tán dân khu vực nguy hiểm; sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang