Báo động nạn lạm dụng hóa chất, chất phụ gia độc hại trong thực phẩm

author 15:16 28/05/2017

(VietQ.vn) - Hóa chất, chất phụ gia độc hại đang bị nhiều cơ sở kinh doanh lạm dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Khó kiểm soát phụ gia thực phẩm

Trong những năm gần đây, việc nhiều cơ sở kinh doanh lạm dụng các loại hóa chất, chất phụ gia độc hại trong chế biến, bảo quản thực phẩm diễn ra phổ biến và vô cùng phức tạp.Tình trạng này xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, những nơi tập trung đông dân cư.

Riêng tại khu chợ kinh doanh hóa chất Kim Biên, thuộc quận 5, TPHCM, hàng ngày vẫn có hàng ngàn loại hóa chất, chất phụ gia được bày bán một cách rộng rãi.

Các loại hóa chất công nghiệp như chất tẩy trắng, hàn the… hay các loại hóa chất, phụ gia dùng trong thực phẩm, hương liệu trái cây, bột sữa, đường hóa học, phụ gia tạo màu với tác dụng làm mềm, dẻo hay giòn thức ăn, tăng hương vị, màu sắc cho đồ ăn, thức uống… đều được bán với giá khá rẻ và có nhiều chủng loại tùy người mua chọn lựa.

Ở Hà Nội, các loại hóa chất, phụ gia cho thực phẩm cũng được bày bán nhiều tại một số cửa hàng kinh doanh hóa chất trên phố Hàng Hòm, Hàng Mành, Hàng Buồm, Nguyễn Khoái, Đức Giang... Tại đây, các hóa chất dùng rất phổ biến hầu hết có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và được bán với giá khá rẻ.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều loại hóa chất, phụ gia công nghiệp và hóa chất, phụ gia thực phẩm được bày bán mà không có nhãn mác.

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân – chuyên viên về công nghệ thực phẩm cho hay, các loại phẩm màu bán trên thị trường hiện nay thuộc nhóm phẩm màu tổng hợp nhưng liều lượng cần phải sử dụng theo quy định.

Theo đó, chỉ những sản phẩm phẩm màu ở dạng tinh sạch cao (100%) mới được cấp phép sử dụng. Còn những sản phẩm bán trên thị trường với giá thành rẻ như hiện nay có nguy cơ là các phẩm màu không được cấp phép hoặc pha trộn giữa phẩm màu cấp phép và các phụ gia, hóa chất khác; hoặc có thể là phẩm màu sản xuất theo công nghệ không đạt chuẩn, dẫn đến sản phẩm còn lẫn tạp chất.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân cho rằng những tạp chất lẫn hoặc pha trộn vào phẩm màu có thể là dung môi, hóa chất, kim loại nặng có nguy cơ gây mất an toàn cao. Trong trường hợp phẩm màu nhiễm kim loại nặng, khi ăn vào cơ thể không đào thải hết, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, ảnh hưởng chức năng thận, phá hủy tủy xương...

Phụ gia thực phẩm là một trong những hàng hóa sẽ bị kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu 

Phát hiện nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm lạm dụng phụ gia, hóa chất

Ngày 26/5, phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Văn Rà (tọa lạc khu phố Thạnh Quý, phường An Thạnh, thị xã Thuận An, Bình Dương) chuyên sản xuất mì sợi.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu sản xuất. Đồng thời, khi lấy mẫu thử nhanh, mì sợi được sản xuất tại đây đều dương tính với chất hàn the.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện 20 can nước tro (mỗi can 20 lít) là nước phụ gia dùng để sản xuất mì sợi không nhãn mác và không giấy tờ chứng minh nguồn gốc; 5 bao Neobor Borax (hàn the), mỗi bao nặng 25kg.

Theo khai nhận của ông Rà, người này đã mua số hóa chất trên tại chợ Kim Biên (TP Hồ Chí Minh) về để sản xuất, chế biến mì sợi cho sợi mì dai và ngon hơn. Cơ sở này cũng chuyên cung cấp mì sợi cho chợ Thủ Dầu Một và các quán ăn trên địa bàn tỉnh. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, lấy mẫu, niêm phong toàn bộ số phụ gia trên để tiếp tục điều tra làm rõ.

Ngày 4/3/2017, Công an huyện Bù Gia Mập đã bắt giữ một vụ vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm tại thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Cơ quan chức năng đã bắt quả tang ông Lê Đình Lệ (sinh 1974) và bà Nguyễn Thị Cúc  (sinh 1971) đang thực hiện hành vi trộn các loại tinh bột màu vàng, trắng và đỏ sẫm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các loại tinh bột trên được nấu trong hai chiếc nồi lớn thành một loại dung dịch đặc sệt có màu đen nhạt rồi trộn chung vào đống hạt tiêu lép. Sau đó, đảo đều và đem phơi nắng để biến những đống hạt tiêu lép thành những hạt tiêu chắc, có màu đen hơn.

Tương tự, cách đây khoảng 2 tháng, cũng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, người ta cũng phát hiện tại nhà ông Nguyễn Khắc Quan Nam sản xuất – kinh doanh gần 2.000 lít tương ớt, tương đen bằng hóa chất – chất phụ gia không rõ nguồn gốc.

Tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm đang được cơ quan quản lý chú trọng

Quản lý chất lượng thực phẩm như thế nào?

Nhằm chủ động ngăn chặn các sự cố an toàn thực phẩm, giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra và đảm bảo an toàn tính mạng người tiêu dùng, ngày 28/03/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT về việc tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, đặc biệt là methanol, cồn công nghiệp, hương liệu và phụ gia thực phẩm; chú trọng kiểm tra, phát hiện các hành vi sử dụng cồn công nghiệp, hóa chất, hương liệu, phụ gia không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, pha chế rượu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tiến hành đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở nhập khẩu, sản xuất cồn công nghiệp; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục Hóa chất có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu cồn công nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về nhập khẩu, quản lý, sử dụng cồn công nghiệp trước ngày 30/06/2017…

Bên cạnh đó, theo nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28/6/2010 của Bộ Công Thương, rất nhiều loại hóa chất độc hại nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo khi lưu hành trên thị trường.

Việc mua bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, được lưu giữ tại bên mua và bên bán. Trên phiếu kiểm soát phải thể hiện tên, địa chỉ người bán, người mua, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, thông tin về hóa chất sử dụng và mục đích sử dụng. 

Sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép sẽ bị phạt thế nào?(VietQ.vn) - Hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép có thể bị phạt đến 40.000.000 đồng.

Bảo Bình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang