Bắt giữ lượng lớn gia cầm giống nhập lậu tại Quảng Ninh

author 10:35 04/11/2024

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa bắt giữ 3 xe ô tô chở hơn 13.000 con gia cầm giống nhập lậu.

Cụ thể, tổ công tác đang làm nhiệm vụ tuần tra tại thôn 3, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà phát hiện phương tiện xe ôtô bán tải nhãn hiệu Ford Ranger Wildtrack, màu trắng có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện xe gắn 2 biển kiểm soát khác nhau (biển kiểm soát thứ nhất kẹp bên ngoài biển kiểm soát thứ hai). Trên xe có anh Thôi Văn Xuân (sinh năm 1992, trú tại thôn 4, xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái) điều khiển phương tiện và anh Lê Hữu Đức (sinh năm 1990, trú tại thôn 1, xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái) ngồi ghế phụ.

Bắt giữ số lượng lớn gia cầm nhập lậu tại Quảng Ninh.

Qua kiểm tra phát hiện trong thùng xe chứa 21 lồng nhựa chứa 2.520 con vịt con và 23 lồng nhựa chứa 2.760 con gà con. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số gà con, vịt con nói trên, đồng thời khai nhận đã vận chuyển thuê số hàng này từ bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức đến lối vào cao tốc tại huyện Hải Hà.

Tiếp theo, Công an xã Quảng Thịnh tuần tra trên đoạn đường dọc từ thôn 3, xã Quảng Thịnh, tiếp giáp bản Tài Chi, xã Quảng Sơn, phát hiện dưới vực tại đoạn đường cua, cách đường mòn khoảng hơn 30 mét, có 2 xe ô tô bán tải màu trắng bị hư hỏng. 2 xe bán tải trên đều không có biển kiểm soát, toàn bộ khoang thùng đằng sau đều chứa nhiều lồng nhựa, qua kiểm tra phát hiện tổng số gà, vịt con giống là 7.960 con.

Hiện, Công an huyện Hải Hà đang phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2023 đến đầu năm 2024, tại 13 tỉnh có báo cáo đã phát hiện 131 vụ, bắt giữ 159.979 con gia súc, gia cầm, 43.912 quả trứng, 116.183 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn phát hiện 31 vụ với 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt, 8.532 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ với 39.000 gia cầm giống, 347 gia súc, 16.012 quả trứng giống, 31.351 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Long An với 5 vụ, đã tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò…

Bước sang đầu năm 2024, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cung cấp thêm thông tin cho thấy tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) và Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An), ước tính mỗi tuần có khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại nhập lậu từ biên giới, tương đương 720 tấn/tháng, trong đó nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan.

Còn đại diện Cục Chăn nuôi thông tin, có thời điểm, giá heo giống ở Việt Nam cao hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, chỉ thấp hơn Philippines và Indonesia. Do đó, có hiện tượng nhập lậu heo từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó tìm cách hợp thức hóa bán kiếm lời không ngừng tăng. Những tháng đầu năm 2024, tình trạng nhập lậu con giống gia cầm ngày càng nhiều và số lượng ngày một lớn, nóng nhất là tại tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng trên địa bàn đã phát hiện và bắt giữ nhiều chuyến vận chuyển trứng và con giống gia cầm, số lượng lên tới con số hàng vạn.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam có nhu cầu giống gia cầm trên 1 tỷ con mỗi năm. Giống gia cầm nhập lậu chỉ cần bán bằng với giá trong nước đã cho lãi lớn. Chính vì vậy, nhiều đầu nậu đã bất chấp những hậu quả đưa con giống gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ

Tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nêu rõ nguyên tắc chăn nuôi hữu cơ đó là phải duy trì và tăng cường độ phì của đất tự nhiên, sự ổn định và độ tơi xốp của đất, chống xói mòn đất; Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo và các vật tư, nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc nông nghiệp; Tái chế các chất thải và phụ phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật làm nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi; Có tính đến cân bằng sinh thái tại khu vực sản xuất; Duy trì sức khỏe động vật bằng cách khuyến khích bảo vệ miễn dịch tự nhiên của động vật cũng như lựa chọn giống vật nuôi và phương thức chăn nuôi thích hợp.

Sử dụng phương thức chăn nuôi phù hợp với khu vực chăn nuôi; Đảm bảo quyền động vật theo các nhu cầu cụ thể của từng loài vật nuôi; Khuyến khích sản xuất các sản phẩm từ động vật được nuôi hữu cơ ngay từ khi mới sinh và trong toàn bộ quãng thời gian sống; Lựa chọn giống vật nuôi theo khả năng thích ứng của vật nuôi với điều kiện địa phương, sức sống và khả năng đề kháng với bệnh tật hoặc các vấn đề sức khỏe;

Sử dụng thức ăn chăn nuôi hữu cơ chứa các thành phần thu được từ canh tác hữu cơ, trong trường hợp sử dụng các thành phần không có nguồn gốc nông nghiệp thì thành phần này phải có nguồn gốc thiên nhiên; Áp dụng các biện pháp chăn nuôi, tăng cường hệ thống miễn dịch và tăng cường phòng vệ tự nhiên chống lại bệnh tật, đặc biệt là cho vật nuôi vận động thường xuyên và cho tiếp cận các khu vực ngoài trời và đồng cỏ, khi thích hợp.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang