Bộ KH&CN đề xuất đưa mũ bảo hiểm ra khỏi danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện

author 09:01 05/06/2018

(VietQ.vn) - Với sự chủ động trong đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ bỏ mũ bảo hiểm khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, Bộ KH&CN đã rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực KH&CN, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, bảo đảm nguyên tắc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ điều kiện đầu tư, kinh doanh phải thực chất, quy định rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp thực hiện.

Mũ bảo hiểm đang được Bộ KH&CN đề xuất loại bỏ ra khỏi mặt hàng kinh doanh có điều kiện 

Trong đó, tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng diễn ra mới đây, Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ xem xét sớm sửa đổi Luật Đầu tư để loại bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Linh, qua rà soát 8 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực KH&CN, tổng số có 121 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Bộ KH&CN đã xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa 62 điều kiện đầu tư, kinh doanh, đạt tỉ lệ 51%.

"Riêng đối với mặt hàng mũ bảo hiểm, chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ xem xét, đề xuất sớm sửa đổi Luật Đầu tư để loại bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện", ông Linh cho biết.

Theo ông Linh, qua thực tiễn kiểm tra, giám sát của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm nghiêm túc chấp hành, người tiêu dùng cũng nhận thức cao hơn trong việc lựa chọn sản phẩm mũ đảm bảo chất lượng. Đến nay tình trạng sản xuất mũ bảo hiểm giả mạo giảm hẳn. “Vì vậy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh sang hậu kiểm là cần thiết”, ông Linh nói.

Mặc dù được Chính phủ đánh giá cao về nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, nhưng theo ông Linh, công cuộc đổi mới của Bộ KH&CN sẽ không dừng lại ở những kết quả trên, Bộ sẽ vẫn tiếp tục triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 75, Nghị quyết 19 của Chính phủ trong việc thống nhất, rà soát điều kiện kinh doanh. Đồng thời, phấn đấu trình Chính phủ Nghị định sửa nhiều Nghị định để cắt giảm tiếp các điều kiện kinh doanh sớm hơn thời gian dự kiến theo tinh thần của Nghị quyết 19.

Hiện nay, điều kiện kinh doanh được quy định ở nhiều lĩnh vực khác nhau của Bộ như an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, đánh giá thẩm định công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Bộ đã có phương án và lộ trình cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực KH&CN. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa hậu kiểm, đánh giá, xem xét sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với các nhóm hàng hóa chuyên ngành. Qua đó, có đánh giá, đề xuất cụ thể trong việc cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới.

Bộ KH&CN triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm”

Với việc chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm, trước đây, có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Sau khi triển khai áp dụng đã giúp Bộ cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý phải kiểm tra trước thông quan. Đồng thời, giảm 67% thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu để thông quan hàng hóa, giảm từ 3 ngày xuống còn 1 ngày.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã thực hiện xã hội hóa 100% hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, chứng nhận…), một tổ chức có thể thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau… giúp doanh nghiệp có thể lựa chọn tổ chức có năng lực, uy tín, có thể thực hiện được hoạt động đánh giá sự phù hợp trong nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ cho hoạt động của mình, kể cả doanh nghiệp tư nhân để thực hiện hoạt động thử nghiệm, chứng nhận phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

 

Bộ KH&CN đẩy mạnh cắt giảm điều kiện kinh doanh, đổi mới kiểm tra chuyên ngành(VietQ.vn) - Cùng với việc cắt giảm 24 nhóm sản phẩm hàng hóa xuống còn 2 nhóm sản phẩm hàng hóa, chuyển 93% sản phẩm hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Bộ KH&CN đã đi tiên phong trong công tác đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Thanh Uyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang