Bộ KH&CN và Bộ Công Thương đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 19

author 15:58 25/10/2017

(VietQ.vn) - Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng, Bộ KH&CN có quyết tâm rất cao, có thể nói là mẫu mực trong việc thực hiện cải cách theo yêu cầu của Chính phủ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Ngày 6/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đã đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. 

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành và địa phương trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện các giải pháp cải thiện từng chỉ số cụ thể về đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được giao làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo.

Với việc triển khai nhều biện pháp, hiện nay Bộ KH&CN không có nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao quá hạn chưa thực hiện. Tính đến ngày 10/10/2017, Bộ KH&CN được giao 403 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 245 nhiệm vụ; đang thực hiện 158 nhiệm vụ (đều trong hạn).

Về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ KH&CN đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu như: Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đẩy mạnh sang hậu kiểm, chỉ đạo tăng cường việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp, đánh giá tại cơ sở sản xuất nước ngoài đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN. Các giải pháp nêu trên đã thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp như: Giảm thời gian thông quan (trong thời gian 1 ngày hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan), giảm chi phí lưu kho, bãi, giảm thời gian chờ đợi kết quả đánh giá sự phù hợp.

Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng Bộ KH&CN có quyết tâm rất cao, có thể nói là mẫu mực trong việc thực hiện cải cách theo yêu cầu của Chính phủ

Cụ thể, Bộ KH&CN đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng. Việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg đã giúp giảm 114 loại sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 với tinh thần làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm (kiểm tra trước thông quan), đặc biệt là biện pháp hậu kiểm (kiểm tra sau thông quan) để tạo khung pháp lý chung cho các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng những biện pháp quản lý cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ, ngành phụ trách. Đặc biệt làm rõ phương thức hậu kiểm, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số nhóm sản phẩm hàng hóa có nguy cơ rủi ro thấp.

Bộ KH&CN cũng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm (cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa, chiếm 100% nhóm sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) phải kiểm tra, chiếm 9%). Ước tính, khi áp dụng Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sẽ giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan.

Cùng với đó, bổ sung quy định về miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN đã quy định đối với hàng hóa nhập khẩu là thép, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện và điện tử nếu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp trong 6 tháng, có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 1 năm.

Đặc biệt, Bộ KH&CN đã cùng các Bộ, ngành tổ chức việc rà soát sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật An toàn thực phẩm; chủ động tổ chức việc tham gia rà soát độc lập của cộng đồng doanh nghiệp (VCCI, các Hiệp hội, các chuyên gia nghiên cứu độc lập).

Theo Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ KH&CN có quyết tâm rất cao, có thể nói là mẫu mực trong việc thực hiện cải cách theo yêu cầu của Chính phủ. Nhiều nơi còn tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp, kiểm nghiệm, nhưng Bộ KH&CN không vấp phải điều này, mà xã hội hóa rất mạnh, có thể nói là ưu việt nhất.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (phải) tại một sự kiện diễn ra đầu năm 2017

Cùng với Bộ KH&CN, Bộ Công Thương cũng đã có những đột phá quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trong cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Bộ Công Thương sau khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Ngày 8/9, Bộ Công Thương cũng đã quyết định xóa bỏ 420 mặt hàng trong danh mục 720 mặt hàng cần phải kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan. Với thay đổi này, mỗi năm sẽ có hàng chục nghìn lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, những quyết định nói trên từ hai Bộ đã tạo đột phá mới trong việc cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng. Điều này cũng chứng tỏ rằng việc cải cách toàn diện tuy không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể làm được.

Lê Huy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang