Bộ NN&PTNT đề xuất loại hơn 60 % nhóm hàng ra khỏi danh sách phải kiểm tra chuyên ngành

author 05:51 28/07/2018

(VietQ.vn) - Sau rà soát, Bộ NN&PTNT đề xuất loại hơn 60 % nhóm hàng nông nghiệp ra khỏi danh sách phải kiểm tra chuyên ngành.

Theo yêu cầu tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần cắt giảm 125 nhóm sản phẩm hàng hóa. Theo Bộ NN&PTNT, sau khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, hiện nhóm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ còn 118 nhóm sản phẩm hàng hóa.

Thông tin từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, Bộ NN&PTNT có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, bao gồm: Hàng hóa thuộc diện kiểm dịch 53 nhóm sản phẩm; Hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng 104 nhóm sản phẩm; Hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm 94 nhóm sản phẩm.

Sau khi Bộ NN&PTNT tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, hiện nhóm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ còn 118 nhóm sản phẩm hàng hóa. Để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT đề xuất loại 152 nhóm hàng hóa, sản phẩm khỏi Danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, số lượng này tương đương với 60,6% tổng số nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành hiện nay.

Bộ NN&PTNT kiến nghị bỏ hơn 60% nhóm hàng ra khỏi danh sách phải kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: báo Hải quan 

Trong đó, nhóm kiểm dịch, lược bỏ 37/53 nhóm; nhóm kiểm tra chất lượng, lược bỏ (bỏ không kiểm tra hoặc gộp vào nhóm hàng khác) 87/104 nhóm; nhóm kiểm tra an toàn thực phẩm, lược bỏ (chủ yếu là gộp vào nhóm mặt hàng khác hoặc trùng mặt hàng kiểm tra) 44/94 nhóm.

Về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, Bộ NN&PTNT cho hay, Bộ hiện có 64 thủ tục hành chính liên quan tới kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, lĩnh vực kiểm dịch có 23 thủ tục; kiểm tra chất lượng hàng hóa có 30 thủ tục; kiểm tra an toàn thực phẩm có 11 thủ tục.

Các thủ tục hành chính được Bộ đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tập trung vào đơn giản hóa, lược bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu thực hiện; đơn giản hóa trình tự thực hiện; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện gộp một số thủ tục hành chính có liên quan chặt chẽ trong chuỗi trình tự thực hiện của cơ quan nhà nước nhằm giảm thời gian thực hiện; thực hiện quản lý hàng hóa theo phương thức quản lý rủi ro; giảm tần suất lấy mẫu lô hàng...

Để cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cải cách toàn diện quy định về quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên ngành của lĩnh vực NN&PTNT.

Trong đó, tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ 50% số điều kiện kinh doanh đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện trên cơ sở quản lý rủi ro; dựa trên mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; tăng cường việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp; đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; điện tử hoá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành…

Bảo Lâm

Thủ tướng: Không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa(VietQ.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan liên quan không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa. Đồng thời, phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang