C2 nhiễm chì vẫn bán tại Phú Yên: Có thể phạt tiếp nhà sản xuất URC

authorDương Phương Ngọc 15:15 22/07/2016

(VietQ.vn) - Để C2 nhiễm chì vẫn bán tại Phú Yên, URC đã vi phạm về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật, có thể bị xử phạt từ 10 tới 50 triệu đồng tùy mức độ.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Không thu hồi được C2 nhiễm chì: URC phải chịu trách nhiệm!

Mặc dù đã bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt  gần 6 tỷ đồng, buộc yêu cầu thu hồi hàng loạt lô C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng nhưng theo phản ánh của báo chí, hiện nay ở Phú Yên, nhiều cửa hàng tạp hóa vẫn bán các lô C2 này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương không nắm được các lô nào bị nhiễm chì, cần thu hồi. Còn lực lượng quản lý thị trường thì không nắm được thông tin…

Cụ thể, ngày 5/7, một số cửa hàng ở phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vẫn bày bán lô C2 có hàm lượng chì vượt ngưỡng. Đó là lô Trà xanh hương chanh C2 (NSX 4/2/2016, HSD 4/2/2017).

Sự thật về tin đồn 'ông chủ thực sự của BigC là người Trung Quốc’(VietQ.vn) - LS. Lê Việt Hùng - Hãng luật Minh Mẫn nói: Thông tin ông chủ thực sự của BigC là những nhà đầu tư đến từ Trung Quốc không đầy đủ và chưa chính xác.

Theo lời bà chủ cửa hàng tạp hóa Nhật Kỳ (khu phố 5, phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa), thì đây là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng vì giá rẻ (5 nghìn đồng/chai) và vị chủ quán không hề biết nó nằm trong diện thu hồi cũng như không thấy ai đến thu hồi hay khuyến cáo điều gì nên… vẫn bán.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: Việc không thu hồi hết các sản phẩm C2 khuyết tật trên thị trường thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất, cụ thể là Công ty URC Việt Nam.

Ông Tuấn nói: “Sản phẩm khi đưa ra thị trường có thể tới nhiều nhà phân phối khác nhau. Những cửa hàng trong hệ thống phân phối của URC, họ có thể kiểm soát được nhưng những cửa hàng ngoài hệ thống thì khả năng thu hồi C2, Rồng đỏ nhiễm chì là khó. Bản thân người kinh doanh nhỏ lẻ đôi khi cũng không biết sản phẩm đó bị thu hồi.

Tuy nhiên, qua sự việc này cho thấy, trách nhiệm của nhà sản xuất tiến hành việc thu hồi chưa triệt để”.

 Việc C2 nhiễm chì vẫn bày bán tại Phú Yên, trách nhiệm thuộc về công ty URC.

Với vai trò của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Tuấn khuyến cáo: Người dùng hãy cảnh giác khi uống nước giải khát C2, Rồng đỏ, kể cả những nhà phân phối nhỏ lẻ phải tìm hiểu kỹ thông tin, nếu gặp phải lô sản phẩm trong diện thu hồi phải trả lại cho nhà sản xuất.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhắc nhở: Bản thân nhà sản xuất – công ty URC phải có “cơ chế” quyết liệt hơn trong việc thu hồi để có thể giảm nhẹ thiệt hại cho người dùng. Còn các cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý nhanh chóng, cứng rắn để ảnh hưởng tới mức thấp nhất cho cộng đồng.

“Với số lượng không thu hồi hoặc tiêu thụ trên thị trường (tổng trị giá hàng hóa vi phạm không thu hồi được gần 3,9 tỉ đồng –pv) đã làm tổn hại rất lớn tới sự an toàn của người tiêu dùng. Với mỗi người, tác hại có thể rất nhỏ nhưng tổng thể lại rất lớn. Tôi nghĩ trách nhiệm doanh nghiệp vẫn phải đền bù theo một phương thức nào đó cho người tiêu dùng” – ông Tuấn lưu ý.

Liên quan tới việc bày bán công khai sản phẩm C2 “nhiễm độc” ở Phú Yên, trả lời Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ ra rằng: Hoạt động thu hồi thuộc trách nhiệm của công ty còn đoàn thanh tra đang làm báo cáo và ra kết luận về các sai phạm của URC sau khi thanh tra toàn diện công ty này suốt thời gian qua.

“Kết luận thanh tra đang được dự thảo và sẽ được công khai sau khi được phê duyệt” – ông Nhiên nhấn mạnh.

C2 nhiễm chì vẫn bán công khai ở Phú Yên: Mức phạt nào cho URC?

Trước thông tin báo chí phản ánh về việc công ty URC Việt Nam vẫn “vô tư” để cho các sản phẩm C2 có hàm lượng chì vượt mức quy định lưu thông trên thị trường, luật sư Trần Thị Hiền (Công ty Luật Thiên Thanh) nhận xét: Nếu đúng như vậy thì rõ ràng URC đã và đang có những động thái không tích cực trong việc chấp hành Quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật sư Hiền cho biết: Căn cứ theo Quyết định xử phạt, ngoài mức phạt tiền mà URC phải có trách nhiệm nộp phạt còn có hình phạt bổ sung đó là buộc thu hồi toàn bộ 2 lô sản phẩm thực phẩm trà xanh hương tranh C2 và nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố.

Trong trường  hợp trên, thị trường hiện vẫn còn lưu thông các sản phẩm nói trên, rõ ràng trách nhiệm không thu hồi hết hàng khuyết tật đầu tiên thuộc về nhà sản xuất, cụ thể ở đây là Công ty URC Việt Nam.

Đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật, URC có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 76 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có khuyết tật có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không tiến hành biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;

b) Không thực hiện đúng việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật theo nội dung đã thông báo công khai hoặc không thanh toán các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với thương nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có khuyết tật có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo công khai về hàng hóa khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó theo quy định;

b) Không báo cáo kết quả thu hồi hàng hóa có khuyết tật cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Thêm vào đó, luật sư Hiền cho rằng: Cũng cần phải đặt ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm thuộc 2 lô sản phẩm thực phẩm trà xanh hương tranh C2 và nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố của công ty URC vẫn lưu thông trên thị trường.

Trường hợp chứng minh được tổ chức, cá nhân kinh doanh cố tình kinh doanh các sản phẩm khuyết tật nói trên để thu lợi thì căn cứ Điều 18 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa bị áp dụng biện pháp khẩn cấp như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng.

...

b) Kinh doanh loại hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi hoặc tạm ngừng lưu thông.

Và tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm sẽ áp dụng mức xử phạt khác nhau theo quy định tại Điều 18 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Đồng thời còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tịch thu tang vật và biện pháp khắc phụ hậu quả đó là buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người hoặc buộc thu hồi hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang