C2, Rồng đỏ nhiễm chì: 'Các đại lý, bạn hàng có thể dễ dàng kiện URC'

authorDương Phương Ngọc 06:43 25/05/2016

(VietQ.vn) - Trong khi người dùng rất khó để kiện URC thì theo luật sư Phạm Công Út, các thương nhân lại là người khởi kiện xác đáng nhất khi C2, Rồng đỏ nhiễm chì.

Các đối tác, đại lý bán C2, Rồng đỏ có thể kiện URC

Mới đây, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định thu hồi và tạm dừng lưu thông đối với 5 lô sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ của công ty URC Việt Nam vì kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Chuyên gia truyền thông, marketing Phạm Hùng Thắng đã từng nói: “Xin lỗi, đền bù, cam kết vẫn là 3 bước vô cùng quan trọng trong tất cả các cuộc xử lý khủng hoảng lớn hay nhỏ khi chúng ta là người mắc lỗi với khách hàng”. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhà sản xuất URC Việt Nam vẫn chưa chính thức lên tiếng xin lỗi, đền bù đối với khách hàng.

Nếu 'đút lót' 1 tỷ đồng làm sai lệch kết quả C2, Rồng Đỏ, người liên quan sẽ bị phạt tù(VietQ.vn) -Quanh "nghi án" URC VN "hối lộ" 1 tỷ đồng để làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm, luật sư cho biết, những người liên quan sẽ bị phạt tù từ 20 năm

Theo các luật sư, một trong những quyền của người tiêu dùng được quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng là: “Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.

Việc công ty URC Việt Nam đưa ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, chứa hàm lượng chì độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng là vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Khoản 6 điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định: Người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.

Theo đó, người tiêu dùng có thể lựa chọn một trong các phương thức: Thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án để giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, theo cựu Thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp.HCM): Nếu muốn đòi bồi thường, người tiêu dùng phải chứng minh thiệt hại của mình là có cơ sở nhưng thiệt hại ở đây chưa xảy ra, vì chì có trong C2, Rồng đỏ tích tụ trong cơ thể con người có thể trở thành những chất gây ung thư… nhưng đó là trong tương lai.

 Theo LS Út: Các đại lý, bạn hàng của URC, các đơn vị bán C2, Rồng Đỏ có thể kiện công ty này.

“Người dùng phải chứng minh: tôi đã mua sản phẩm này và đã uống sản phẩm này nhưng trên thực tế, người dùng làm sao có thể chứng minh được điều này?! Vì vậy, người dùng rất khó kiện URC về mặt dân sự. Mặc dù có thể sự thật là: các khách hàng đã sử dụng, đã trực tiếp uống sản phẩm trong lô C2, Rồng đỏ nhiễm độc nhưng tòa án căn cứ vào chứng cứ, khi không có chứng cứ, người dân sẽ bị bác bỏ” – LS Út nói.

Trong khi người tiêu dùng rất khó để kiện URC thì theo LS Út,  các thương nhân lại người khởi kiện xác đáng nhất trong vụ việc lần này.

Các đối tác thương nhân, các doanh nghiệp, các đại lý, các bạn hàng tiêu thụ của Rồng đỏ, C2 rất dễ kiện URC bởi họ sẽ có những phiếu hóa đơn nhập hàng, xuất hàng hoặc hóa đơn thanh toán tiền. Như vậy, họ sẽ chứng minh được việc sản xuất của URC làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ và doanh thu của họ từ những tháng liền kề sau khi sản phẩm lỗi (thuộc dạng độc hại) bị sa sút và kéo dài bao lâu. Và với hậu quả như vậy, URC cần phải bồi thường.

“Thương nhân kiện thì dễ hơn người tiêu dùng, vì lô hàng nhận vào ngày nào sẽ có hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Thứ nhất, các đại lý, bạn hàng của URC chỉ cần chứng minh họ đã mua, thứ 2 đã được bán ra thị trường, thứ 3 kết quả cho biết có chất độc hại. Thứ 4, doanh thu bị giảm sút, người tiêu dùng mất niềm tin, cửa hàng, đại lý mất uy tín đó là thiệt hại về kinh tế đối với đại lý của họ” – LS Út phân tích.

Ngoài ra, trong vụ việc này, LS Út nhấn mạnh: Những người có thẩm quyền cần xem xét ở góc độ hình sự chứ không chỉ dừng ở dấu hiệu dân sự hay chuyện  bồi thường đơn thuần, bởi “URC không thể viện vào kết quả này hay kết quả khác để rồi cuối cùng người tiêu dùng lãnh đủ vì vi phạm của họ nguy hiểm tới sức khỏe người dùng không phải ngày một, ngày hai mà lâu dài mới bị ảnh hưởng”.

Trong khi đó, Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, chứ chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (có hiệu lực đến 01/7/2016). Vì vậy, trong trường hợp này, dù URC bị phát hiện sản xuất sản phẩm không an toàn nhưng họ cũng không bị khởi tố, chỉ có thể xem xét, xử lý trách nhiệm hành chính đối với URC nếu URC vi phạm.

Siêu thị Lotte ‘cấm cửa' C2, Rồng đỏ đồng loạt trên toàn quốc(VietQ.vn) - Siêu thị Lotte đã tháo hàng C2, Rồng đỏ của công ty URC xuống khỏi kệ với dòng chữ "Hàng đang có vấn đề về chất lượng, chúng tôi tạm ngưng nhận hàng”.

Đối với những người có chức vụ quyền hạn trong quá trình kiểm nghiệm, làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm, gây nguy hiểm cho xã hội, theo LS Út sẽ được xem xét dựa vào hành vi, tính chất, mức độ hậu quả để xử lý theo quy định của pháp luật. 

LS Út nêu rõ: Điều 285, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có nêu rõ: “Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Mức án nào cho URC khi “đầu độc” người dùng?

Nói về trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp khi đầu độc người dùng, Ls Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Trường hợp Công ty URC có hành vi sử dụng chì trong sản xuất nước uống thì có thể xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:

“Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 Mức án nào cho công ty sản xuất C2, Rồng đỏ khi đầu độc người dùng Việt? Ảnh: P.Ngọc

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Ngày 20/5/2015, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định tạm dừng lưu thông và thu hồi 3 lô hàng của URC gồm:

Lô Trà xanh hương chanh C2, NSX 04/02/2016 - HSD 04/02/2017. Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,085 mg/L; Mức công bố là: Nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L.

Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, NSX 19/02/2016 - HSD 19/11/2016 có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,053 mg/L; Nhà sản xuất công bố hàm lượng chì nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L.

Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, NSX 10/11/2015 - HSD 10/08/2016; Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là 0,068 mg/L; Nhà sản xuất công bố nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l.

Ngày 23/5/2016, Công ty URC tiếp tục đã ra thông báo tạm dừng lưu hành thêm 02 lô sản phẩm bao gồm: Trà xanh hương chanh C2: Ngày sản xuất: 11/01/2016; Hạn sử dụng: 11/01/2017 và Nước tăng lực hương dâu hiệu rồng đỏ: Ngày sản xuất: 14/01/2016; Hạn sử dụng: 14/10/2016 với lý do 2 lô này có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang