Cần chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng thị trường và sử dụng năng lượng tái tạo

author 15:25 12/10/2023

(VietQ.vn) - Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính. Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng, cần có chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng thị trường và sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. 

Sáng 12/10/2023, Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" đã diễn ra tại Hà Nội với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVCFCo).

Tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo 

Theo đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức cao. Trong 10 năm vừa qua, nhịp tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam đạt trung bình ở mức 10%/năm và được dự báo vẫn duy trì mức tăng trưởng cao trong 10 năm tới, trung bình khoảng 8.5%/năm. 

Để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng cao hàng năm, Việt Nam cần đầu tư mới với quy mô lớn nguồn điện để tăng công suất. Mức tăng công suất lắp đặt mới trung bình dự kiến khoảng 8,8 GW mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030 và khoảng từ 17 GW mỗi năm đến 21 GW mỗi năm trong giai đoạn 20 năm tiếp theo tính từ 2031 đến năm 2050.  

 Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" ngày 12/10/2023 tại Hà Nội.

Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có gồm điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than. 

Trong khi đó, với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, độ sâu mực nước nông và tốc độ gió cao, ổn định, Việt Nam hội tụ đầy đủ tiền đề quan trọng, cần thiết để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đáng tin cậy và có chi phí hợp lý. Theo đánh giá của Chương trình hỗ trợ quản lý ngành năng lượng/Ngân hàng Thế giới, tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt khoảng 475 GW. 

Đáng chú ý, giá thành sản xuất điện của điện gió ngoài khơi có xu hướng tiếp tục giảm. Với những tiến bộ gần đây về công nghệ đã giúp giảm chi phí đầu tư, lắp đặt đưa đến chi phí quy dẫn (LCOE) của điện gió ngoài khơi trở nên cạnh tranh hơn với các nguồn điện truyền thống, điện gió ngoài khơi đã ghi nhận mức giảm gần 70% chi phí. 

Theo đại diện Tập đoàn T&T, việc cam kết đạt mục tiêu khử các bon hoàn toàn vào giữa thế kỷ này khiến cho Việt Nam này trở thành điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Hơn thế nữa, điện gió ngoài khơi được coi là nguồn năng lượng không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, do vậy điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. 

Gỡ nút thắt cho ngành năng lượng 

Tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ- Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam. Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay. 

Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính. Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP26 đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn. 

Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng. Việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.

Đặc biệt, cần phải có chính sách hỗ trợ thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia vào việc sử dụng năng lượng sạch. Việc này đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ phía chính quyền để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. 

Đại diện Tập đoàn T&T cho biết, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ công cụ pháp lý đủ mạnh, chẳng hạn như Luật hoặc thấp hơn là Nghị định về phát triển năng lượng tái tạo. Phần lớn các văn bản về thể chế và chính sách đã ban hành trong thời gian qua hoặc được lồng ghép vào các Quyết định, hoặc Chiến lược... 

Chính vì thiếu công cụ pháp lý mạnh nên dẫn đến một số hạn chế trong việc khai thác tài nguyên ổn định và bền vững (chẳng hạn như Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy).

Đối với dự án điện gió ngoài khơi, hiện chưa thấy có tiêu chí hoặc thuật ngữ định nghĩa thế nào là một dự án điện gió ngoài khơi? Do vậy, cần phân định cụ thể trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII ranh giới giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi. Nếu không làm rõ được vấn đề này sẽ gây ra vướng mắc cho cả nhà đầu tư lẫn các địa phương và các bộ ngành. 

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, để tận dụng hết tiềm năng vốn có nước ta rất cần có những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. 

Với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot