Cần khởi tố điều tra người bao che Dương Chí Dũng

author 10:59 06/09/2012

(VietQ.vn) - Đó là ý kiến của ông Lê Cao, chuyên gia tư vấn pháp lý Công ty luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) xung quanh câu chuyện truy tìm những người đã bao che cho nguyên Cục trưởng Cục hàng hải bỏ trốn trước khi bị cảnh sát truy bắt.

Ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải bị truy nã, nay bị bắt giữ liệu có phải là một tình tiết tăng nặng khi xem xét hình phạt để xử lý không thưa ông?

Theo thông tin từ Bộ Công an và truyền thông thì ông Dương Chí Dũng mới bị khởi tố, bắt để điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự.
 
Ở tội danh này cũng như các tội khác của Bộ luật hình sự, việc bỏ trốn, bị truy nã trong giai đoạn điều tra không phải là một tình tiết định khung hình phạt, cũng không phải là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự. 

Trong trường hợp nào thì việc bỏ trốn phải chịu chế tài hình sự thưa ông? 
 
Trường hợp bị can hoặc bị cáo đang bị giam giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn thì phạm tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử theo Điều 311 Bộ luật hình sự và phải chịu chế tài hình sự. 
Ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng cục hàng hải
Ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng cục hàng hải
 
Đối với trường hợp ông Dương Chí Dũng thì ông ấy trốn đi trước ngày bị bắt, trốn trước khi bị giam giữ, dẫn giải nên không phạm thêm tội danh này. 
 
Dư luận cho rằng không dễ gì để ông Dũng biết mà trốn khỏi nơi cư trú ngay trước thời điểm thực hiện lệnh bắt ông ấy, ông có nghĩ là có dấu hiệu che dấu tội phạm?
 
Tôi cũng đồng tình với quan điểm một người vào vị thế ông Dũng thì rất khó che dấu thân phận mình, bởi ông ấy nắm giữ vị trí quan trọng trong một cơ quan nhà nước lớn, lại là người mà nhiều người có thể nhận ra ngay.
 
Việc ông Dũng trốn có thể được sự giúp đỡ của ai đó, hoặc ông ấy phải có khả năng rất đặc biệt để qua mặt cơ quan điều tra cũng như qua mặt nhân dân trong quá trình bỏ trốn.
 
Nếu điều tra, xác minh ra người giúp, tạo điều kiện cho ông Dũng bỏ trốn thì xử lý như thế nào? 
 
Hiện chưa có kết luận cuối cùng nhưng ông Dũng có dấu phải chịu khung hình phạt từ khoản 2 trở lên đối với tội danh quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.
 
Do đó kéo theo những người nào nếu che dấu ông Dũng, giúp ông Dũng bỏ trốn thì có dấu hiệu phạm tội che dấu tội phạm theo Điều 313 Bộ luật hình sự và có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Hoặc nếu phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
 
Ông có đánh giá gì liên quan đến hàng loạt các can phạm có chức vụ, gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế bị phát giác thời gian qua?
 
Đây thực sự là một hậu quả lớn lao mà người dân phải gánh chịu từ sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Việc sai phạm để xảy ra kéo dài, rồi vẫn hạ cánh an toàn từ vị trí này sang vị trí khác, thậm chí có thể gọi là cất cánh an toàn như trường hợp của ông Dũng đã mô tả rõ sự yếu kém trong việc kiểm soát hoạt động của những người có quyền lực trong các tập đoàn kinh tế nhà nước.
 
Thiệt hại xảy ra không chỉ số tiền bị mất một cách thực tế có thể xác định được, mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế ở tầm vĩ mô, tác động xấu đến thị trường kinh doanh lành mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, môi trường đầu tư của nước ta. 

Trong suốt quá trình xảy ra sai phạm, nếu những cá nhân có trách nhiệm biết được hành vi sai phạm của ông Dũng nhưng vẫn để mặc thì có bị xử lý hay không?
 
Nếu làm rành rẽ, thực chất thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự những hành vi bao che cho các sai phạm của các bị can như ông Dũng. Họ hoặc là đồng phạm với người phạm tội với vai trò giúp sức, tạo điều kiện cho nhau phạm tội, hoặc có dấu hiệu phạm tội không tố giác tội phạm theo Điều 314 Bộ luật hình sự. 
 
Theo tôi, từ những vụ án như thế này cần phải khởi tố cả những người để mặc, bao che, không tố giác tội phạm, che dấu tội phạm thì mới có tính răn đe. Nếu không, rồi lại có thêm những vụ bắt bở liên quan đến tội phạm kinh tế, mà hậu quả của nó thì chúng ta khó đếm được. 
Điều 165. Bộ luật Hình sự quy định về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
A) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
B) Có tổ chức;
C) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
D) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi

Trần Lê  
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang