Cần lưu ý gì để không gặp nạn khi leo đỉnh Fansipan?

author 14:06 10/06/2016

(VietQ.vn) - Không đi xé lẻ, không đi một mình là một trong những điều cần lưu ý để không bị gặp nạn khi leo đỉnh Fansipan.

Vụ việc du khách người Anh Aiden Shaw Webb, 23 tuổi vừa bị tử nạn khi chinh phục đỉnh Fansipan một lần nữa làm cộng đồng những người thích du lịch mạo hiểm không khỏi đau xót.

Đỉnh Fansipan là một trong những mục tiêu chinh phục hấp dẫn của những người đam mê du lịch mạo hiểm 

Đáng chú ý, đây không phải là vụ việc đầu tiên, trước đây cũng đã từng xảy ra trường hợp một du khách nước ngoài mất tích khi leo đỉnh Fansipan, kết quả xấu xảy khi khi mãi 2 năm sau đó, người dân địa phương mới phát hiện được phần xương còn lại của du khách trong rừng.

Vậy, làm thế nào để không bị gặp nạn khi leo đỉnh Fansipan, nơi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương và chứa đựng nhiều mạo hiểm, rủi ro với những người mê du lịch mạo hiểm?

Nằm giáp ranh giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu ở phía Tây Bắc Việt Nam, Fansipan với độ cao 3.143m là ngọn núi cao nhất Việt Nam và cũng cao nhất Đông Dương nên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”. Những năm gần đây, việc chinh phục Fansipan ngày càng thu hút những du khách thích trải nghiệm, khám phá.

Không chỉ chinh phục địa hình núi non hiểm trở, núi cao vực sâu, khí hậu khắc nghiệt, chinh phục Fansipan còn là sự chinh phục ý chí, sự nỗ lực đạt được đỉnh cao. Điều đó khiến hành trình khám phá đỉnh Fansipan trở nên vô cùng hấp dẫn. Chinh phục Fansipan còn là một hành trình đẹp như mơ bởi những cung đường mây phủ, những rừng tre trùng điệp, núi non trập trùng.

Tìm thấy chàng trai người Anh đã tử vong ở Fansipan(VietQ.vn) - Thi thể của du khách người Anh vừa được tìm thấy sau khi mất tích ở đỉnh Fansipan nhiều ngày trước.

Tuy vậy, việc chinh phục Fansipan không hề đơn giản. Để có một chuyến đi hoàn hảo, người leo núi cần phải chuẩn bị nhiều thứ trước khi lên đường.

Các “phượt thủ” đã chia sẻ một số kinh nghiệm xương máu sau đây để tránh những rủi ro khi chinh phục Fansipan.

Không đi một mình khi chinh phục đỉnh Fansipan

Khi leo Fansipan, điều tối kỵ là đi một mình hoặc tách đoàn. Các phượt thủ cần tuyệt đối tuân thủ quy tắc đi theo đoàn và người hướng dẫn, không được xé lẻ. Tùy thể lực mỗi người trong đoàn mà leo nhanh chậm khác nhau nhưng lúc nào trong một nhóm nhỏ cũng nên có ít nhất 2 người đi cùng nhau. Tránh trường hợp để một người đơn độc giữa núi rừng.

Một người có nhiều kinh nghiệm và là người leo núi chuyên nghiệp như Aiden Shaw Webb cũng đã không tránh khỏi rủi ro khi đi một mình. Do đó, để phòng trường hợp không may vị rơi vào hoàn cảnh bị tách đoàn hay một mình, mỗi người cần mang theo dây ruy băng để đánh dấu.

Tuân thủ các quy tắc xử lý khi bị lạc đường

Theo lời của những phượt thủ từng leo Fansipan, trong quá trình chinh phục đỉnh Fansipan, có thể gặp rất nhiều đường mòn do người dân địa phương mở để đi, nằm ở đoạn lưng chừng núi hoặc ở dưới thấp và những con đường này không dẫn lên đỉnh hay xuống núi. Vì thế rất có thể bạn sẽ đi nhầm đường nếu không có người chỉ dẫn, đặc biệt là khi xuống với tâm lý chủ quan là đã nhớ đường rồi. Khi đi được một đoạn mà thấy đường lạ, khó đi thì nên quay lại ngay. Nếu không xác định được phương hướng thì tốt nhất là không nên đi tiếp mà chờ người tới tìm. Một mặt để tránh việc tiêu hao năng lượng, tai nạn xảy ra, mặt khác để đội cứu hộ dễ khoanh vùng mất tích của bạn hơn. Quan trọng là phải hết sức bình tĩnh và tập trung thì mới có khả năng tìm về đoàn được.

Không được coi thường những đoạn đường nguy hiểm đã được cảnh báo

Theo cảnh báo của những người đã từng chinh phục đỉnh Fansipan, từ đỉnh Fansipan cao 3.143 m xuống trạm dừng chân 2.800 m, có một vài đoạn dài khoảng 5 - 10m là chỗ nguy hiểm nhất vì phải ôm sát men theo triền núi đứng để vòng qua với điểm tựa chỉ đặt vừa đủ một bàn chân mà thôi. Ở những chỗ này, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể bị trượt chân ngã xuống vực thẳm. Vì thế, việc trang bị những kỹ năng leo núi trước khi chinh phục Fansipan là điều rất cần thiết.

Trong trường hợp gặp dốc đứng, nên men theo triền để tiến lên theo hình chữ Z, sử dụng thêm cả hai tay để hỗ trợ bằng cách bám vào đá, thân, rễ cây... Nhưng nhớ ướm thử độ chắc chắn của những vật mà bạn dùng làm điểm tựa.

Lưu ý cách xuống núi

Khi xuống Fansipan, cần cẩn thận, không nên đi quá nhanh vì rất dễ bị vấp ngã, lăn xuống dưới. Khi xuống dốc, hãy khom người và chùn đầu gối lại, giữ cho ba lô ổn định và cân đối trên lưng. Nếu đi thẳng người, trọng tâm ba lô sẽ nằm phía sau, khiến bạn dễ bị trượt ngã. Nếu dốc khá đứng, bạn xoay người lại đối diện với vách núi, sử dụng luôn cả hai tay để bám mà leo xuống.

Không được quên những đồ dùng cần thiết và đồ để báo hiệu vị trí

Khi chinh phục Fansipan, những đồ dùng bất ly thân luôn phải để trong ba lô là đèn pin, thiết bị định vị GPS, điện thoại di động và một chút đồ ăn nhẹ để đề phòng khi tình huống xấu xảy ra, vẫn có thể tìm cách xoay sở hoặc gọi người đến giúp. Những món đồ này đều gọn nhẹ, người leo núi hoàn toàn có thể tự mang. Không nên chủ quan quên bất cứ một đồ nào trong số những đồ trên.

Rèn luyện sức khỏe trước khi chinh phục đỉnh Fansipan

Những người đã từng chinh phục đỉnh Fansipan cho rằng, một trong những điều tối quan trọng để không bị gặp nạn chính là thể lực của người leo núi.

Để có đủ sức khỏe chinh phục thử thách mà không bị bỏ cuộc giữa chừng hay bị gặp nạn, yêu cầu đầu tiên cần phải có chính là thể lực. Nên tập thể lực 1 - 2 tháng trước khi thực hiện chuyến leo đỉnh Fansipan. Đầu tiên là khởi động kỹ các khớp, để tránh gây ra chấn thương khớp háng, đầu gối, mắt cá chân... Bước tiếp theo kết hợp đi bộ, leo cầu thang hoặc chạy trong thời gian ít nhất 1 giờ, tập khoác ba lô nặng khoảng 5 kg trên đường dốc... Các bài tập này nhằm đánh giá khả năng đi bộ và giúp bạn quen với việc vận động hơn.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang