Cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật Quảng cáo

author 06:48 27/06/2022

(VietQ.vn) - Qua 10 năm thực thi Luật Quảng cáo, bên cạnh kết quả tích cực đã xuất hiện những bất cập, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và phát triển hoạt động quảng cáo. Do đó, cần phải có phương án sửa đổi.

Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về quảng cáo ở nước ta, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành quảng cáo nói riêng, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua 10 năm thực thi Luật Quảng cáo, các quy định liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của ngành quảng cáo; cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội… Một số hành vi vi phạm liên quan quảng cáo đã bị các cơ quan chức năng xử lý, như: Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ năm 2013 đến nay đã xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan quảng cáo trong lĩnh vực y tế với số tiền 1 tỷ 338 triệu đồng; Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từ năm 2013 đến nay đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 628 hành vi vi phạm liên quan quảng cáo với số tiền hơn 17 tỷ đồng...

Song, bên cạnh kết quả tích cực, quá trình thực hiện Luật Quảng cáo đã xuất hiện những bất cập, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và phát triển hoạt động quảng cáo như: nội dung quảng cáo thiết kế nghèo nàn, đơn điệu, không thu hút người dùng, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Xuất hiện nhiều quảng cáo dù không vi phạm pháp luật, nhưng rất phản cảm, gây tranh cãi, bất ổn trong xã hội; quảng cáo không phản ánh đúng sự thật, đưa ra các bằng chứng không được kiểm chứng, khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng... Sự sụt giảm mạnh doanh thu của phương tiện quảng cáo truyền thống như truyền hình, báo chí, quảng cáo ngoài trời do các quy định của pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, nhất là sự tác động của dịch Covid-19 kéo dài.

Ảnh minh hoạ

Sự xuất hiện của các loại hình quảng cáo mới trên internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng đang là xu hướng quảng cáo mới, có hiệu quả cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất cập trong việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…

Vẫn còn một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng về thủ tục hành chính đối với một số sản phẩm quảng cáo gây khó khăn trong việc thực hiện. Nhiều doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà bỏ quên truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục. Sự thích ứng của doanh nghiệp quảng cáo trong nước trước những xu thế mới trên thế giới còn hạn chế.

Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hiện quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội chiếm tới 70% thị phần quảng cáo mà phần lớn doanh số rơi vào tay các nền tảng xuyên biên giới của nước ngoài, nhưng chúng ta vẫn chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn chồng chéo, nhiều lực lượng tham gia nhưng thiếu chế tài đối với đối tượng vi phạm nên kết quả xử lý còn hạn chế, tình trạng quảng cáo không phép, sai phép còn phổ biến ở nhiều địa phương. Quảng cáo là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động, vì vậy cần đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi số trong quản lý hoạt động quảng cáo.

Luật Quảng cáo hiện hành và các văn bản quy định chi tiết đã bộc lộ những bất cập, không phù hợp sự phát triển của công nghệ và truyền thông hiện đại, chưa theo kịp thực tiễn mới.

Để giải quyết những bất cập hiện tại của Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đề xuất một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung như: Các quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam; các quy định đối với hoạt động đầu tư, hợp tác của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài; quy định về cơ chế hoạt động của hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, hiệu lực pháp lý của kết quả thẩm định, yêu cầu của việc xây dựng và thực thi quy tắc ứng xử nghề nghiệp; quy định về thời lượng quảng cáo cho phép trên chương trình phim truyện; quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải; một số nội dung về thủ tục hành chính…

Hoạt động quảng cáo có tính đa ngành, chịu chi phối của nhiều luật khác, vì thế, nội dung đề xuất sửa đổi trong Luật Quảng cáo cần được nghiên cứu tổng thể để các quy định về hoạt động quảng cáo mang tính thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng cáo phát triển thuận lợi, cạnh tranh công bằng, minh bạch...

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang