Cảnh báo chiêu trò lừa đảo dịp Tết: Mua hàng giá rẻ, nhận quà hấp dẫn
Chiêu trò lừa đảo trên iPhone: ‘Bốc hơi’ cả triệu đồng chỉ trong vài phút
Lừa đảo mua sắm online dịp cuối năm: Không đặt hàng vẫn nhận ‘cú lừa thế kỷ’
Các ngân hàng đồng loạt cảnh báo chiêu trò lừa đảo dịp Tết
Muôn kiểu lừa đảo biến tướng
Đến hẹn lại lên, tình trạng lừa đảo vé máy bay giá rẻ dịp Tết khiến không ít người mất sạch tiền do trót tin lời rao bán vé rẻ hơn so với hãng bay. Mới đây, hàng chục lao động Việt Nam ở Nhật Bản đã làm đơn tố cáo đối tượng lừa đảo hàng tỉ đồng bằng phương thức giả danh là giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội đứng ra gom tiền hứa hẹn mua được vé máy bay Tết giá rẻ hơn nhiều các đại lý khác.
Với cam kết trả hoa hồng 7,5-10%, đối tượng này đã tạo được mạng lưới khách hàng đông đảo tại Nhật, thậm chí một số lao động còn đứng ra thu gom danh sách mua vé với tổng trị giá tiền lên đến cả tỉ đồng.
Ghi nhận của các thành viên trên các diễn đàn của các hội bán vé máy bay trên Facebook dễ dàng nhận thấy nhiều người tung chiêu mua được vé máy bay giá rẻ dịp Tết.
Tình trạng lừa đảo vé máy bay giá rẻ dịp Tết khiến không ít người mất sạch tiền do trót tin lời rao bán vé rẻ hơn so với hãng bay. Ảnh minh họa
Ngoài ra, việc nhượng vé máy bay cũng diễn ra thường xuyên, nhiều trường hợp khi ra đến sân bay mới biết vé bị hủy khi mua qua các đại lý "ảo" trên Facebook, Zalo.
Không chỉ mua vé may bay giá rẻ mà còn nhiều hình thức lừa đảo biến tướng khác người dùng cần cảnh giác trong dịp Tết. Các chiến dịch tấn công lừa đảo này chủ yếu nhắm vào người sử dụng thuê bao di động, mạng Internet tại Việt Nam, đặc biệt là những người dùng mạng xã hội Facebook.
Điển hình như chiêu trò lừa đảo “nhắn tin trúng thưởng”. Cụ thể, người dùng thuê bao di động sẽ được các số điện thoại lạ hướng dẫn cách soạn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để có cơ hội trúng điện thoại iPhone, ôtô, xe máy, máy nghe nhạc... nhưng không niêm yết một mức giá cước rõ ràng.
Khi soạn tin nhắn theo cú pháp được hướng dẫn, tài khoản của chủ thuê bao sẽ bị trừ một số tiền nhất định. Mức này thường cao gấp nhiều lần so với giá cước tin nhắn thông thường của các nhà mạng. Tuy nhiên, thực tế, không ai trúng thưởng trò chơi trên, hoặc có người trúng nhưng không được thông báo.
Cũng với hình thức soạn tin theo cú pháp, gần đây, tin nhắn lừa đảo còn biến tướng sang kiểu đề nghị người sử dụng dịch vụ tham gia đấu giá một sản phẩm bất kỳ, để có cơ hội nhận tặng phẩm có giá trị cao.
"Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để tham gia chương trình đấu giá điện thoại Samsung note 5, có cơ hội trúng xe máy Airblade nếu giá đoán là thấp nhất và duy nhất. Nhiều người cả tin tham gia, sau đó mới vỡ lẽ, tiền của mình đã "không cánh mà bay" và việc trúng được điện thoại hay xe máy chỉ là trò lừa đảo.
Hay việc lập ra hàng loạt trang web giả mạo các mạng xã hội, ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ lớn, các chương trình trúng thưởng để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng… của người sử dụng và sau khi người dùng thực hiện các thao tác đăng nhập vào các web giả mạo này sẽ bị “bốc hơi” tiền trong tài khoản hoặc các tài khoản cá nhân như Facebook, Instagram,...
Ngoài ra còn thủ đoạn thông tin có người thân làm việc tại công ty xổ số cho trúng lô đề. Các đối tượng đánh vào tâm lý muốn trúng thưởng của bị hại, tự xưng có người nhà làm ở công ty xổ số muốn kết hợp làm ăn với bị hại. Đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, chuyển thẻ cào điện thoại rồi cung cấp số trúng thưởng để đánh lô đề, sau đó chiếm đoạt tiền và thẻ cào hoặc cung cấp số không trúng thưởng.
Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 Công an TP.Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán chính là thời điểm các đối tượng lừa đảo trên mạng tung ra các chiêu trò lừa đảo nhằm bẫy người sử dụng. Phổ biến nhất vẫn là thủ đoạn thông báo chương trình khuyến mại nạp thẻ cào điện thoại x10 giá trị thẻ nạp; thủ đoạn gọi điện thoại, nhắn tin trên mạng xã hội lừa đảo trúng thưởng các phần quà có giá trị, sau đó yêu cầu chuyển tiền, nạp thẻ cào điện thoại rồi chiếm đoạt. Các đối tượng gọi điện thoại giả danh là giám đốc, phó giám đốc hay nhân viên các ngân hàng có uy tín, các nhà mạng... thông báo với bị hại đã trúng thưởng các giải thưởng có giá trị như xe máy SH, sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm triệu đồng... sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền bằng mã thẻ cào để làm thủ tục nhận giải, chi phí vận chuyển.
Làm gì để không sập bẫy?
Nhằm bảo đảm an toàn thông tin và phòng tránh nguy cơ bị tấn công lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến nghị:
Người dùng cần cảnh giác với những tin nhắn với các thông tin khuyến mãi, trúng thưởng, nhận thưởng. Không click vào bất cứ liên kết lạ nào được nhận từ tin nhắn trên facebook, kể cả từ các tài khoản bạn bè và người thân và các kênh tương tự như Zalo, Viber; các trang web lừa đảo được đối tượng tấn công lan truyền và quảng bá đến người dùng thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó kênh được sử dụng nhiều nhất hiện tại là Facebook Messenger. Để gia tăng sự tin tưởng của người dùng, các thông tin lừa đảo khi lan truyền còn được kèm theo các đoạn mã được quảng cáo là mã trúng thưởng.
Cảnh giác với những địa chỉ web lạ, gợi mở về việc nhận thưởng, trao giải. Trong trường hợp cần thiết, xin vui lòng liên hệ với chủ quản của nhãn hiệu đó để xác minh; Cập nhật mật khẩu tài khoản Facebook, sử dụng các mật khẩu mạnh, chưa từng được sử dụng trước đó, bật tính năng xác thực 2 bước do Facebook cung cấp; Không cung cấp tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân hay các thông tin riêng khác trên bất kỳ trang mạng không rõ nguồn gốc.
Lê Hoà