Cảnh báo nguy cơ tai nạn từ sử dụng các loại máy trong sản xuất nông nghiệp

author 16:20 24/03/2021

(VietQ.vn) - Bình quân mỗi năm, trên cả nước xảy ra khoảng 7.000 - 8.000 vụ tai nạn lao động, trong đó có hàng trăm vụ tai nạn trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp

Hiện nay, sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang là nhu cầu cấp thiết. Một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu như: máy cày, máy bừa, máy đập tách hạt, máy bơm nước; gieo mạ khay, máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt... Nhưng cùng với việc gia tăng sử dụng máy móc, các vụ tai nạn lao động trong nông nghiệp cũng gia tăng, để lại những thương tích nặng nề cho người nông dân, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động Thương binh và xã hội), bình quân mỗi năm, trên cả nước xảy ra khoảng 7.000 - 8.000 vụ tai nạn lao động, trong đó có hàng trăm vụ tai nạn trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp.

 Cảnh báo tai nạn trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn lao động (ATLÐ), một trong những nguyên nhân khiến TNLĐ trong sản xuất nông nghiệp có chiều hướng gia tăng là do trình độ nhận thức của người nông dân về ATLĐ còn hạn chế. Nhiều người dân đưa máy móc, thiết bị nông nghiệp vào sử dụng nhưng lại thiếu các bộ phận che chắn an toàn. Người sử dụng chưa hiểu rõ, chưa nắm được nguyên tắc về an toàn trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp mà chủ yếu làm theo thói quen dẫn đến tai nạn.

Bên cạnh đó, vấn đề ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được chính quyền địa phương, ngành chức năng quan tâm đúng mức; chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện ATLĐ cho nông dân, cũng như quy trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền về công tác này. Công tác huấn luyện vệ sinh, ATLĐ chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên…

Ðể người nông dân hạn chế tai nạn, tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức cho người nông dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân quy trình, nguyên tắc vận hành máy móc, thiết bị đúng cách, đúng liều lượng, thời gian quy định.

Mới đây, tại một hội thảo về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định: "Người lái máy cày, máy gặt đập liên hợp ở ta chưa được chuẩn hóa. Trong tương lai, họ cần phải được đào tạo bài bản, có bằng mới được hành nghề. Không chỉ vậy, người điều khiển máy móc nông nghiệp phải được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc để bảo đảm về an toàn lao động".

Trước đó, nhằm giảm rủi ro trong quá trình ứng dụng cơ giới hóa, máy móc thiết bị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM biên soạn sổ tay về an toàn lao động trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa tai nạn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế những tai nạn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khi ứng dụng máy móc cơ giới hóa, để đảm bảo an toàn cần loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong quá trình sản xuất như lưỡi dao trong máy cắt cỏ, lưỡi cưa, bộ phận bánh răng, xích tải,… Người lao động ứng dụng máy móc phải trong điều kiện an toàn, không vận hành khi thiết bị có biểu hiện hư hỏng, đọc kỹ các hướng dẫn sử dụng và cảnh báo. Khi mới sử dụng lần đầu cần có sự hướng dẫn chi tiết, nên vận hành thử trong phạm vi hẹp cho quen. Máy móc trong sản xuất nông nghiệp thường sử dụng trong điều kiện ngoài trời, ẩm, ướt, trơn trượt… nên hết sức chú ý, nhất là đường điện kết nối. Phòng tránh tai nạn lao động, ngăn ngừa rủi ro là bảo vệ tính mạng cho người lao động. Phòng tránh những thiệt hại về người và của cải cơ sở vật chất, cũng là cách góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động. Lao động là động lực chính của sự tiến bộ loài người, do vậy an toàn lao động là nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu trong các dự án, thiết kế, điều hành và triển khai sản xuất.

Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang