Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua ứng dụng Mobile Banking

author 13:27 04/12/2020

(VietQ.vn) - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa phát đi cảnh báo khách hàng trước những thủ đoạn mới nhằm đánh cắp thông tin, tiền... qua trang điện tử giả mạo.

Theo Agribank, bên cạnh thủ đoạn phổ biến như gửi tin nhắn SMS, Zalo, Facebook… gần đây, kẻ gian còn nhắn tin thông báo trúng thưởng, lấy tên chương trình trùng với những chương trình khuyến mại của Agribank kèm đường link yêu cầu khách hàng truy cập, đăng nhập để "lĩnh thưởng".

"Thủ đoạn này tinh vi ở chỗ, các website được kẻ gian gửi tới cho khách hàng có giao diện gần giống với website, ứng dụng Agribank E-Mobile và Internet banking chính thức của Agribank, khiến người dùng rất khó phân biệt" – đại diện Agribank nói.

Đường link giả mạo yêu cầu khách hàng đăng nhập tên, mật khẩu truy cập ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking để nhận được quà. Tuy nhiên, sau khi xác nhận tên mật khẩu đăng nhập và mã OTP, khách hàng không nhận được quà mà còn bị mất tiền trong tài khoản.

Do đó, để tránh mất tiền oan, Agribank khuyến cáo khách hàng không nhập mật khẩu đăng nhập, mã OTP trên các trang mạng hoặc đường link không rõ nguồn gốc; không cung cấp thông tin bảo mật Agribank E-Mobile Baking, Agribank Internet Banking… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng hoặc yêu cầu từ email, SMS, mạng xã hội…

Ngân hàng này cũng khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin, đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch online vì sẽ tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo; không thực hiện giao dịch trên các thiết bị công cộng vì tiềm ẩn rủi ro cao hay lưu thông tin tự động đăng nhập ngân hàng điện tử tại bất kỳ đâu.

Ảnh minh họa 

Trước đó, theo Bộ Công an, những tháng cuối năm luôn là thời điểm “nóng” của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đặc biệt qua điện thoại và mạng xã hội. Các nhà mạng khuyến cáo, khách hàng nên cẩn thận từ những cuộc gọi mạo danh, tránh hậu quả đáng tiếc.

Thủ đoạn các đối tượng phạm tội thường có đặc điểm chung là sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan chức năng để gọi điện cho người bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt... Từ đó, đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng…

Nhiều người dân cả tin, đã bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn. Lý do, bởi đối tượng thường biết trước một số thông tin cá nhân của nạn nhân, như gia thế, bạn bè, thậm chí cả hoạt động gần đây dựa trên những bài đăng trên mạng xã hội. Một số trường hợp khác, đối tượng giả thông báo có quà, bưu kiện gửi tặng, yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền phí mới nhận được quà. Nhiều nạn nhân đã chuyển đi hàng chục, thậm chí trăm triệu đồng mới biết bị lừa.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng đã gửi tin nhắn khuyến cáo người dân cần thận trọng trước những cuộc gọi, tin nhắn bất thường. Nếu gặp tình huống này, cần bình tĩnh, cảnh giác, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ những cuộc gọi trên. Không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, đặc biệt là thông tin số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân. Nếu nhận được cuộc gọi bất thường, khách hàng cần cúp máy và trình báo ngay cơ quan công an để xử lý, hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692.348.560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.Trong trường hợp nhận được tin nhắn từ người thân, bạn bè trên trang mạng xã hội hỏi vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại… khách hàng cẩn trọng, nhanh chóng gọi xác nhận thông tin trực tiếp với người đó.

Thống kê từ Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2020, công an 63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 776 vụ việc người dân trình báo, tố giác, với số tiền bị lừa đảo lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình là thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh công an, Viện kiểm sát nhân dân, thanh tra, tòa án... để chiếm đoạt tài sản chiếm tỷ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang