Cảnh giác thủ đoạn mạo danh sàn thương mại điện tử lừa đảo chiếm đoạt tài sản

author 21:55 19/11/2024

(VietQ.vn) - Đánh vào lòng tham và sự cả tin của người tiêu dùng, các đối tượng xấu đã mạo danh sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi lừa đảo. Dù đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng, không ít người vẫn “sập bẫy” và chịu thiệt hại.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Hiện nay, nhiều đối tượng mạo danh các sàn thương mại điện tử uy tín để bán hàng giá rẻ hoặc kém chất lượng. Theo thông tin từ trang Amazon Global Selling Việt Nam công bố ngày 7/11, đơn vị đã nhận được nhiều báo cáo về các hành vi lừa đảo sử dụng danh nghĩa sàn thương mại điện tử Amazon.

Đại diện Amazon khẳng định công ty không bao giờ yêu cầu đối tác chuyển tiền hay giao dịch với mục đích đầu tư, đồng thời khuyến cáo người dân không phản hồi những yêu cầu nghi ngờ mạo danh. Nếu gặp trường hợp này, cần báo cáo ngay cho cơ quan công an.

Amazon cũng cam kết tiếp tục phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam theo hướng bền vững và lâu dài. Trước đó, vào tháng 9/2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cũng đã cảnh báo về tình trạng giả mạo sử dụng logo và tên của Cục và Amazon để lừa đảo.

Các đối tượng lừa đảo thường đăng bán sản phẩm với giá rẻ hơn niêm yết và sử dụng hình thức “giảm giá sốc” để thu hút người tiêu dùng. Khi có người tham gia, chúng sẽ trực tiếp chiết khấu và chuyển tiền vào tài khoản nạn nhân, đồng thời lợi dụng tâm lý nhẹ dạ để lôi kéo thêm người tham gia.

Tình trạng này không chỉ xảy ra với Amazon. Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhiều người dân đã bị lừa đảo qua các chiêu thức tương tự, như mạo danh Điện Máy Xanh, Lazada, Shopee… Các đối tượng còn giả công văn của cơ quan nhà nước, tổ chức sự kiện tri ân khách hàng từ đó dẫn dụ nạn nhân gửi tin nhắn để nhận quà miễn phí.

Khi có người tham gia, các nhóm lừa đảo yêu cầu tải ứng dụng, đưa vào nhóm Telegram. Tại đây, có 4-5 người đóng vai thành viên nhóm, nhận nhiệm vụ từ trưởng nhóm để tạo đơn hàng, chuyển khoản thành công và gửi cho chủ nhóm, sau đó nhận tiền gốc, hoa hồng và rút được tiền về tài khoản của mình. Thông tin chuyển khoản với tên chủ tài khoản khiến nạn nhân rất khó nhận diện như: "Điện Máy Xanh", "ĐMX", "CTY TNHH TMCP DTPT DIEN MAY XANH"... Tất cả giao dịch đều được chụp màn hình điện thoại để tạo niềm tin về việc kiếm tiền online dễ dàng.

Các đối tượng thường xuyên nhắn tin tư vấn để lấy lòng tin.

Nhóm lừa đảo giao "con mồi" chốt đơn hàng giá trị thấp, ngay lập tức nạn nhân nhận tiền gốc và hoa hồng. Khi nạn nhân thực hiện những giao dịch lớn vài chục đến cả trăm triệu thì tiền không về với nhiều lý do. Khi hết sạch tiền, nhóm lừa đảo cắt đứt liên lạc.

Tương tự, ngày 11/5, Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị chức năng đã triệt phá một nhóm đối tượng giả danh sàn thương mại điện tử Shopee để lừa đảo. Đối tượng cầm đầu, Nguyễn Thị Tuyết Dâng (sinh năm 1990), đã chỉ đạo hai nhóm lừa đảo tại Cao Bằng và Thái Nguyên, thực hiện hàng nghìn cuộc gọi lừa đảo mỗi ngày. Lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều máy tính và tài liệu liên quan.

Trước tình trạng này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, có tình trạng nhiều đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.

Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho". Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động. Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Do vậy, chúng sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều shop đã sử dụng chiêu trò mua đơn để tạo lượt bán ảo cho sản phẩm nhằm “mồi” khách. Kèm theo đó là “đặt hàng” nhiều lượt đánh giá ảo với những lời khen ngợi nhằm dụ người tiêu dùng chốt đơn.

Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế...), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định (nghĩa vụ của người tiêu dùng) tại Điều 9, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cụ thể: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Ngoài ra, người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang