CEO Nguyễn Khắc Minh Trí: Startup là cam kết đi đến cùng với khách hàng và với chính mình

author 16:56 17/12/2017

Từ bỏ công việc với mức lương đáng mơ ước ở Cisco, Nguyễn Khắc Minh Trí khởi nghiệp với MimosaTEK, công ty chuyên nghiên cứu và đưa những ứng dụng khoa học vào nông nghiệp.

Trở thành chuyên gia của “Nông nghiệp chính xác”, anh đang tư vấn cho các doanh nghiệp lớn làm nông nghiệp và nhiều trang trại của bà con nông dân tại Đà Lạt, Phan Thiết, Long Khánh… để trả lời cụ thể cho câu hỏi: Trí tuệ nhân tạo có thể giúp gì cho nông dân?

Tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa ngành Viễn thông, trải qua nhiều vị trí trong lĩnh vực mạng của Cisco với mức lương đáng mơ ước, vì sao một người đam mê thuần túy công nghệ như anh lại chuyển sang làm nông nghiệp?

Quê tôi ở Đà Lạt, làm ngành IT hàng ngày đối mặt với máy tính riết thấy mình khô cứng, nông nghiệp giúp mình tiếp xúc với tự nhiên, không bị stress, làm mình vui…

Nhiều lần trở về quê hương, thấy người nông dân cứ loay hoay trong cả đầu vào và đầu ra, đầu nào cũng có vấn đề, tôi thấy bức xúc lắm. Đầu vào nông dân phải bỏ vốn rất nhiều để mua phân bón, giống, trả tiền điện nước, không trả hết thì phải gối đầu, đầu ra thì luôn phải đối diện với điệp khúc “được mùa mất giá”, có mùa thu hoạch xong trả hết nợ cũng sạch tiền.

Sức mình có hạn, tôi chỉ muốn đưa công nghệ vào khâu sản xuất, tập trung vào “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, để giảm bớt gánh nặng đầu tư cho người nông dân, nâng năng suất cho đầu ra, chứ không có tham vọng giải quyết nguyên chuỗi.

Khởi nghiệp năm 2014 với MimosaTEK, lúc ấy, điều cần nhất là có tư duy đột phá, nguồn tài chính, và đội ngũ đồng tâm hiệp lực, đó là ba câu chuyện mà bất cứ startup nào cũng vấp phải, để có thể đưa ra sản phẩm thực sự. Tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm để giải bài toán tài chính, cung cấp những lời khuyên hữu ích nhất… câu hỏi đau đáu nhất với tôi là làm sao tối ưu tài nguyên của nông dân?

Mình là dân công nghệ, khi cảm biến, điện toán đám mây, thiết bị di động phát triển nhiều hơn, tôi quyết định “mix” tất cả lại với nhau để tìm giải pháp cho nông nghiệp.

Hơn một năm nghiên cứu, MimosaTEK đã có sản phẩm đầu tiên, tập trung khâu rất ngách bằng công nghệ IoT để giải quyết vấn đề nước.

Công nghệ IoT áp dụng với nước tưới cho cây là “phẳng” trên thế giới, các bộ cảm biến sẽ liên tục “nói chuyện” được với nhau, giúp tối ưu về nguồn nước và chế độ chăm sóc cây cối.

Những nghiên cứu phần lớn từ nước Úc đã giúp cho tài nguyên trên cánh đồng mẫu lớn khai thác tốt hơn.

Tập trung hơn một năm để kết hợp các thuật toán, rồi gần năm rưỡi đưa thuật toán vào thử nghiệm.

Thầy Hùng, giảng viên đại học Nông Lâm, là người kỳ cựu nhất ở Đà Lạt về phương pháp trồng Organic. Thầy đã cho chúng tôi thử nghiệm trên cánh đồng của mình mà không hề tính phí.

Lứa cà chua đầu tiên áp dụng hệ thống tưới chính xác ở vườn của Thầy Hùng tiết kiệm 30% lượng nước so với bình thường, giữ bộ rễ rất tốt, tăng 25% năng suất so với bình thường.

CEO Nguyễn Khắc Minh Trí 

“Hệ thống tưới chính xác cho các nông hộ nhỏ” từng đoạt nhiều giải thưởng như giải quán quân cuộc thi Viet Nam Venture Cup 2015, Quỹ sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp du lịch vùng Mekong (MBI)… Nhưng để MimosaTEK vinh dự là thương hiệu Việt Nam đầu tiên được chọn để triển khai dự án “Securing Water for food” lại là câu chuyện hoàn toàn khác? Anh hy vọng điều gì từ sức bật của dự án này?

Đây là cuộc thi lớn của Mỹ về bảo vệ nguồn nước, họ kêu gọi tất cả các công ty tiết kiệm được nước trong quá trình sản xuất lương thực trên thế giới tham gia. May mắn Việt Nam lần đầu tiên thắng giải. Qua phỏng vấn trực tiếp trên online, tôi phải trình bày rõ hết thuật toán của mình về kỹ thuật và mô hình kinh doanh. Họ hỏi rất kỹ làm thế nào để dự án ảnh hưởng trực tiếp đến 10 ngàn nông dân?

Tôi khá stress về cách tiếp cận của họ. Mục đích của họ là muốn giúp cho tất cả những hộ nông dân nhỏ tiết kiệm nước trong quá trình canh tác. Sau hai tuần, họ thông báo mình lọt vào vòng chung kết. Giải thưởng được trao ở Nam Phi, nhưng do thời gian gấp quá nên mình không lo visa kịp. Sau đó, ngoài giải thưởng bằng tiền mặt, họ cử cả một đội đến Việt Nam để hỗ trợ mình phát triển kinh doanh.

Dự án này sẽ giúp MimosaTEK liên kết với những công ty thu mua nông sản lớn của nước ngoài tại Việt Nam cùng các công ty cung cấp hạ tầng ống tưới, công ty cung cấp phân bón dưỡng chất… tạo thành một liên minh để kiểm soát được sâu hơn với các hộ dân. Đây là chương trình đang xây dựng, các bên cùng tham gia để cung cấp cho nông dân hệ thống tưới khác biệt. Tiền giải thưởng sẽ được dùng để hỗ trợ cho nông dân về công nghệ, hạ tầng tưới thông minh, giúp nông dân đầu tư chỉ bằng một nửa so với chi phí.

Về công nghệ, hệ thống tưới chính xác có ưu thế phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Trước mỗi vụ người ta cần thông số bao nhiêu nước cho một vụ, tuy nhiên nhu cầu nước ngày nóng, ngày gió thì khác nhau, với hệ thống cảm biến này, dữ liệu được báo 30 giây/1 lần, có thể cho ra kết quả trong ngày chính xác nhất cần bao nhiêu nước cho người nông dân biết, theo sự phát triển của cây trồng, cộng với thuật toán cho biết phải chia ra bao nhiêu lần tưới trong một ngày.

Để đi đến hôm nay, trái đắng nào anh từng phải nếm trải?

Giai đoạn đầu cũng loay hoay lắm, chưa biết làm sao xác định ý tưởng của mình.

Năm 2012 tôi chạy dự án đầu tiên, dựng trang trại trồng dâu tây ở Đà Lạt. Thời điểm đó giống dâu tây bị thoái hóa nhiều, một nhà đầu tư Nhật Bản đã cung cấp giống dâu Organic mang từ Nhật qua cho tôi để trồng thử nghiệm.

Khi dấn thân mới biết, mỗi nông dân có kinh nghiệm và cách chăm sóc khác nhau, làm mình vô cùng lúng túng. Trong khi đó mình vẫn ở Sài Gòn, nhà đầu tư cũng ở xa, bạn bè thì đều coi đó là chuyện phụ thôi, chưa thực sự gắn bó.

Quản lý một cái vườn nhưng không nắm được cụ thể làm thế nào đo độ ẩm, người vận hành lại chỉ dựa vào kinh nghiệm, kết quả sau một năm…thất bại!

Chính thất bại này đã thôi thúc tôi làm sao số hóa quy trình sản xuất, để truyền đạt cho thế hệ sau nhanh hơn. Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm để làm nông thì lâu lắm người trẻ mới theo được nghề của ông cha mình.

Anh nghĩ gì về câu chuyện nước trong tương lai, nhất là khi biến đổi khí hậu, hạn hán ở ĐBSCL đang là một thách thức vô cùng lớn?

Chúng tôi đang làm việc cụ thể với các nông hộ, nhưng câu chuyện về nước phải là cấp chính phủ. Một HTX ở Tây Nguyên phải lấy chung nguồn nước từ cái ao, cái sông nào đó, nếu các nông hộ không suy nghĩ tiết kiệm nước thì nguồn nước sẽ cạn kiệt.

Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô hạn thì câu chuyện nước vô cùng khó khăn.

Để chống ngập, mặn, chống xâm hại của biến đổi khí hậu… MimosaTEK đang kết hợp với Ngân hàng thế giới làm dự án tưới nước cho lúa bằng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ. Viện lúa thế giới đã nghiên cứu với việc tưới này năng suất sẽ tăng, giảm khí thải nhà kính, giảm lượng nước.

Mình trở thành đối tác cung cấp công nghệ cho World Bank để kiểm soát mực nước bằng cảm biến, kiểm soát mức nước cho từng loại giống lúa khác nhau, để khô tự nhiên, rớt 15% xuống dưới đất, rồi mới tưới tiếp.

Dự án sẽ thí điểm ba năm với đại học Trà Vinh, cùng 90 nông hộ của ba tỉnh Trà Vinh, An Giang và Cần Thơ để nghiên cứu, giám sát mực nước hàng ngày, điều khiển bơm hoàn toàn tự động hết.

Là công ty đang tư vấn cho các tập đoàn lớn như TTC, TH Truemilk, VinEco… về hệ thống tưới chính xác, anh đánh giá thế nào về sự quyết liệt của họ trong việc áp dụng công nghệ?

Với những tập đoàn lớn làm nông nghiệp, diện tích từ vài trăm đến vài ngàn hecta, chuyện nước vô cùng quan trọng, là nguồn tài nguyên rất lớn. TTC, TH Truemilk đang trong giai đoạn thí điểm nhiều hơn.

Riêng VinEco là câu chuyện hoàn toàn khác, họ quyết liệt theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao. TH Truemilk trồng bắp nuôi bò, trước đó họ dùng công nghệ Israel đo độ ẩm của đất, nhưng sau đó họ đã dùng công nghệ của MimosaTEK để tưới cho cây bắp lớn nhanh hơn.

Một khách hàng của tôi trồng thanh long ở Bình Thuận, phải tưới rất nhiều nước, lúc cao điểm 300-500ha tốn 5 triệu tiền điện/ngày, khi có hệ thống tưới thông minh, mỗi ngày tiết kiệm từ hai đến ba triệu đồng, chưa kể năng suất cây tốt hơn. Rất dễ chứng minh hiệu quả đầu tư.

Nhưng Việt Nam đa số nông hộ nhỏ, thị trường này rất lớn. Theo tính toán của MimosaTEK, trong số 13,95 tỷ USD của kim ngạch xuất khẩu nông sản, có đến 70% là từ các nông trại quy mô sản xuất vừa và lớn, đây chính là khách hàng tiềm năng của MimosaTEK.

Tuy nhiên, các chủ nông trại có xu hướng sử dụng công nghệ nước ngoài, và rất dè chừng với công nghệ trong nước. MimosaTEK đã áp dụng hình thức thuê bao hàng tháng, thay vì đầu tư một lần, giảm chi phí ban đầu cho doanh nghiệp. Mọi kết quả đều được đánh giá trên thực tế, đa phần khách hàng sau thời gian dùng thử đều chuyển sang dịch vụ thuê bao hàng tháng.

Trong tương lai, nông hộ nhỏ sẽ không còn thị trường nữa, mà sẽ tiến vào những trang trại lớn. Nếu người nông dân vẫn canh tác theo kiểu cũ thì mức cạnh tranh rất thấp. Các doanh nghiệp sẽ thuê nông dân canh tác trên mảnh đất của họ, cung cấp giống, cây trồng, chỉ khi đó năng suất mới đồng đều, trở thành nguồn tài nguyên cho đất nước.

Để thay đổi nhận thức người nông dân, vai trò của doanh nghiệp rất lớn. Cách vận hành nông nghiệp đã khác đi, chính phủ đã bỏ chính sách hạn điền, cánh đồng mẫu lớn cũng phát triển. Các công ty lớn có xu hướng đầu tư nông nghiệp, rau củ quả xuất khẩu hiện nay đã lớn hơn dầu thô, chuyển đầu tư vào nông nghiệp là hợp lý, bền vững. Chính làn sóng đó sẽ giúp cho nông dân thay đổi.

Đó là lý do vì sao mình phải dùng nhiều nguồn tiền và cơ chế khác nhau để hỗ trợ nông dân áp dụng hệ thống này, đến lúc nào đó chính họ sẽ bỏ tiền để tự mua hệ thống này. Với tôi, năm 2018 tình hình chắc chắn sáng sủa hơn, trước đây tiếp cận thị trường rất khó, vì mình mang vào thị trường cái họ chưa thấy, chưa có. Bây giờ mọi thứ khác đi, mọi người tìm đến mình nhiều hơn để số hóa nguồn tài nguyên.

Theo anh, những xu hướng công nghệ nào sẽ tác động trực tiếp đến nông nghiệp?

Điện toán đám mây và di động, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn là 4 xu hướng công nghệ đang từng bước chuyển hóa nông nghiệp. Dữ liệu đến từ rất nhiều nguồn khác nhau, phải đào nó giống như đào vàng vậy, để khai phá ra cái gì mới hơn.

Điện toán đám mây và di động là sự tích hợp của nhiều công nghệ giúp chúng ta truy cập mọi lúc, mọi nơi, sử dụng bất kỳ dịch vụ nào, điều này mang lại lợi ích rất lớn cho nông nghiệp. Người nông dân có thể gửi dữ liệu lên đám mây từ thiết bị đầu cuối mà không phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ công tin, tạo ra những ứng dụng cực kỳ phát triển.

Internet vạn vật (IoT) ra đời chính là lý do khiến tôi tạo ra MimozaTEK. Vậy giá để đo độ ẩm trong đất có quá đắt không? Theo tôi giá không quá đắt.

Trí tuệ nhân tạo ứng dụng nhiều nhất vào nông nghiệp là phân tích bằng hình ảnh, bằng mắt thường, chúng ta thấy lá cây màu xanh, nhưng bằng máy, lá cây gồm màu đỏ và màu xanh dương, lý thuyết này dẫn đến tiền đề về dãy màu phản xạ hoàn toàn trên lá, để trí tuệ nhân tạo nhận diện ra xem luồng cây nào đang bị stress vì thiếu nước, thiếu phân hay bị sâu bệnh, từ đó ra quyết định.

Tuy nhiên camera cảm biến hồng ngoại rất đắt tiền, từ 15-20 ngàn USD. Còn máy bay không người lái sẽ bay trên cánh đồng mẫu lớn, soi vào từng cái lá để phát hiện ra cái lá này khác với cái kia như thế nào? Lấy cái khác thường đó so với hàng loạt các lá bệnh khác để biết cây đang bị loại bệnh gì? Nhưng quan trọng là phải áp dụng trên một diện tích lớn.

Về phân tích bằng âm thanh, Tập đoàn Việt Úc đang thử áp dụng phân loại tôm bằng âm thanh. Mỗi lần con tôm ăn thường chép miệng, sóng siêu âm có thể nghe được, để phân tích khả năng ăn của con tôm thế nào. Thức ăn cho tôm đắt, nếu rải nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến môi trường, phải làm sao rải đúng lúc, nên cho ăn tiếp hay nên ngừng, đó là công nghệ siêu âm nghe tiếng ăn của tôm trong ngành thủy sản. Công nghệ này mới chỉ hỗ trợ cho ra quyết định, chứ chưa thể thay thế dần lao động chân tay.

Tuy nhiên, khó khăn nhất với Việt Nam là làm sao có được nguồn dữ liệu lớn. Big Data khác Data thông thường về độ lớn, tốc độ, sự đa dạng, trung thực. Muốn có Big Data, phải số hóa toàn bộ dữ liệu. Chúng ta đang đi sau, không biết có theo kịp các nước không.

Tôi có dịp học từ các startup ở Tokyo, từ Pháp về chuyện tưới. Họ dạy cho máy ở mảnh đất này dữ liệu của 13 năm trước thế nào, cộng với dữ liệu hiện tại để đưa ra cách tưới cho tương lai. Nhưng ở Việt Nam, làm sao có thể tìm ra dữ liệu của 13 năm trước?

Chúng ta giỏi về trí tuệ nhân tạo, nhưng chỉ giỏi một phương thức nào đó thôi, mà thiếu hạ tầng thông tin. Nếu chúng ta không lo số hóa mà cứ chạy theo 4.0 thì vô ích thôi.

Với một công ty sáng tạo, câu chuyện tìm người tài và giữ người tài trong giai đoạn ban đầu thiếu hụt đủ thứ luôn là trở lực lớn nhất, làm thế nào để giải bài toán con người và kinh doanh?

Thành bại của một công ty đều do con người. Thách thức lớn nhất với tôi là làm sao những người tài cùng nhau xây dựng công ty không chỉ giỏi về kỹ thuật, mà giỏi cả vận hành kinh doanh.

CEO Lan Anh từng được học bổng NUS, làm công ty kiểm toán hàng đầu, từ Singapore về với mong ước làm được điều gì đó cho nông nghiệp, hay những bạn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi mới ra trường như Thành Danh, trưởng nhóm nghiên cứu, đã bỏ công ty lớn với mức lương tốt hơn để mang giải pháp thực sự cho nông dân. Anh em có chung tầm nhìn, đến với công ty trong thời điểm cực kỳ khó khăn, vẫn cam kết cùng xây với nhau cái gì lâu dài hơn.

Với người dẫn đầu, tầm nhìn phải thật rõ, bên cạnh đó là bảo đảm công bằng, tạo cơ chế làm việc sao cho thật hưng phấn, đòi hỏi mình phải nghĩ hàng ngày, học hàng ngày…

Mình không phải công ty mua đi bán lại, luôn là câu chuyện sản phẩm, phải tìm ra điểm cân bằng giữa nghiên cứu và kinh doanh, một dự án nghiên cứu chắc chắn không thành công 100%, làm sao vẫn tạo sản phẩm tối ưu, mà vẫn đảm bảo nguồn tiền? Phải vừa chiến đấu, vừa xây dựng, đề nguồn tiền tiếp tục quay về.

Cố gắng làm từng dự án, tìm điểm cân bằng, phải có sự đồng thuận của cả đội. Có lúc chỉ lao vào bán hàng, nhìn lại công ty không có giá trị thực sự. Vì công nghệ thay đổi rất nhanh, ai cũng thông minh cả. Phải luôn làm cho sản phẩm khác biệt đi…

Nhưng nếu chỉ đổ vào R&D thì nguồn tiền sẽ bị chặn lại. Hai nguồn chi lớn nhất là cho lương và R&D, không có lợi tức cho nhà đầu tư trong những năm đầu. R&D lớn hơn cả bán hàng hiện tại.

Đến với nông nghiệp, anh cảm thấy cái “được” lớn nhất với mình là gì?

Hài hòa giữa trái tim và khối óc. Thường dân công nghệ khá khô khan, khó gần, cái tôi rất lớn, nhưng đã bước vào nông nghiệp rồi thì tâm hồn rất dạt dào, dễ gần. Nghiên cứu tốn khá nhiều công sức, nếu khô cứng chỉ làm 1 dự án rồi thôi, nhưng khi mình thả hồn vào nông nghiệp thì mỗi năm có thể làm nhiều dự án lớn. Tôi luôn tự đặt ra mục tiêu với chính mình để không bị lạc hậu.

Khi mình bỏ hết toàn bộ tài sản, thời gian, cách suy nghĩ của mình vào nhiệm vụ này rồi thì kiểu nào cũng phải đi đến cuối, cho dù thất bại. Nếu mình không làm thì những gì mình được học, được gặp gỡ nhiều người ở những nước khác nhau, được thừa hưởng từ các thành quả khoa học thế giới. sẽ vô cùng lãng phí.

Để làm đến cùng thì quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm. Ban đầu đến với nhau là niềm vui, nhưng niềm vui rồi sẽ qua, có những thời điểm đội ngũ lãnh đạo không đủ tiền để trả cho chính mình.

Phải là cam kết của toàn đội ngũ đi đến cùng, để làm được điều gì khác biệt. Startup một công ty là cam kết đi đến cùng với khách hàng và với chính mình.

Anh chia sẻ điều gì với những bạn đang vất vả một nắng hai sương khởi nghiệp nông nghiệp?

Nông nghiệp là ngành đầu tư lâu dài, không thể ăn xổi ở thì, kiên nhẫn, kiên định vô cùng quan trọng. Làm những gì chưa từng có, chưa ai biết thì đầu tiên phải tin vào trực giác chính mình, tin là nó đúng, dù không phải nó hoàn hảo ngay từ đầu, mà phải ngày càng hoàn thiện nó thì cơ hội thành công mới đến được.

Gặp gỡ các bạn trẻ trong Phiên chợ xanh tử tế, hay xuống Đồng bằng sông Cửu Long tiếp xúc với các bạn đang ngày đêm lặn lội trên những cánh đồng, tôi đều cảm thấy có động lực, không bị mệt, không bị chán, mong muốn lại bùng lên, lại có động lực để tự tin hơn trên con đường dài.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo DĐĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang