CEO nước ngoài nói về kinh tế Việt Nam năm 2013

author 07:57 21/12/2012

(VietQ.vn) - Trong một buổi trao đổi cởi mở trước thềm năm mới 2013 cùng chúng tôi, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital nhìn nhận, Chính phủ đã làm được một việc không hề dễ dàng là duy trì sự ổn định của nền kinh tế trong suốt 18 tháng qua và bây giờ là thời điểm để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại.

 Thưa ông Andy Ho, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012 và những tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Trong năm 2012, kinh tế Việt Nam khá ổn định. Từ đầu năm đến nay, các chỉ báo kinh tế quan trọng như lạm phát ở mức một con số, cán cân thương mại thặng dư và tỷ giá diễn biến ổn định khi VNĐ tăng nhẹ so với USD.

Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với lạm phát, GDP năm 2012 nhiều khả năng tăng trưởng chậm hơn với tốc độ ở vào khoảng 5%. 2012 là năm phục hồi nhưng cũng là một khoản thời gian đầy thách thức đối với lĩnh vực bất động sản và các ngành liên quan.

Trong bối cảnh nền kinh tế đã ổn định hơn nhưng tăng trưởng lại giảm tốc, đà bứt phá của TTCK cũng bị rút ngắn đáng kể. Tại thời điểm tháng 5/2012, VN-Index tăng mạnh 38% và đạt đỉnh 487.6 điểm. Tuy nhiên, từ đó đến nay VN-Index dần suy yếu và hiện chỉ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước.

Ông dự báo như thế nào về nền kinh tế Việt Nam năm 2013?

Chúng tôi không đưa ra dự báo nào về năm 2013… nhưng hy vọng thị trường sẽ khởi sắc khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Vậy ông mong chờ gì từ chính sách vĩ mô trong năm tới và kỳ vọng các chính sách này sẽ tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam?

Cũng là một nhà đầu tư trên TTCK, chúng tôi hy vọng các chính sách sẽ thay đổi và góp phần cải thiện giá cổ phiếu cũng như chỉ số VN-Index. Trên bình diện vĩ mô, chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ giảm để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay và mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời người dân sẽ giảm gửi tiền vào ngân hàng và chuyển sang đầu tư nhiều hơn vào thị trường vốn và bất động sản. Lãi suất có thể giảm khi lạm phát giảm.

Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có phương án hợp lý và rõ ràng để giải quyết nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng, từ đó tạo điều kiện để các nhà băng có thể cho vay bình thường trở lại. Ngoài ra, thị trường bất động sản sẽ chứng kiến giao dịch sôi động hơn và thanh khoản tăng cao.

TS Alan Pham, Kinh tế trưởng của tập đoàn VinaCapital đã đưa ra một số khuyến nghị về việc giải quyết nợ xấu và cải thiện thanh khoản cho hàng tồn kho của các dự án bất động sản đã hoàn thành. Đó cũng là giải pháp xử lý nợ xấu và “rã băng” thị trường bất động sản của VinaCapital trong một báo cáo nghiên cứu mới đây.

 

Ông có thể cho biết về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay? Liệu trong năm 2013 chúng ta có thể kỳ vọng gì với dòng tiền ngoại đổ vào TTCK Việt Nam không?

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lạc quan về Việt Nam trong dài hạn. Tuy nhiên, trước mắt, các nhà đầu tư này tiếp tục chú trọng vào tính ổn định của nền kinh tế. Họ đặc biệt quan tâm đến các giải pháp xử lý nợ xấu của ngân hàng và các biện pháp mà Việt Nam sẽ sử dụng để tiến hành tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang trông chờ vào các giải pháp của Chính phủ để đem lại cho nền kinh tế tốc độ tăng trưởng như trong 10 năm qua mà không khiến lạm phát leo thang và làm mất đi sự ổn định của tiền đồng.

Theo tôi, Chính phủ đã làm được một việc không hề dễ dàng là duy trì sự ổn định của nền kinh tế trong suốt 18 tháng qua và bây giờ là thời điểm để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng trông chờ vào các biện pháp hiệu quả để người dân và doanh nghiệp không còn phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao và tiền đồng mất giá.

Quỹ mở mang lại nhiều lợi ích lớn cho thị trường cổ phiếu và trái phiếu

Quỹ đầu tư Bảo Thịnh VinaWealth do Công ty Quản lý quỹ VinaWealth quản lý (một công ty thuộc VinaCapital) là một trong hai quỹ mở đầu tiên của Việt Nam đã ra đời. Theo ông thì quỹ mở sẽ tác động đến TTCK ở mức nào? Và nó sẽ mang lại cơ hội gì cho nhà đầu tư?

Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều đã hình thành cả hai loại hình quỹ đóng niêm yết và quỹ mở. Việt Nam cũng đã đưa ra thị trường một số quỹ đóng niêm yết và phải ra mắt được các quỹ mở trong thời gian tới. Việc thành lập các quỹ mở tại Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian và cũng nằm trong lộ trình phát triển thị trường vốn của đất nước.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc thành lập quỹ mở và tin rằng động thái này sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu. VinaCapital sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hỗ trợ phát triển quỹ mở thông qua khoản đầu tư vào VinaWealth.

Một trong những nhân tố quan trọng để phát triển thành công thị trường quỹ hưu trí cho người dân Việt Nam là phát triển thành công các quỹ mở. Hầu hết Chính phủ của các nước, trong đó có Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc đảm bảo các khoản trợ cấp hưu trí dành cho những người sắp về hưu vì tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng trong khi lượng tiền mà Chính phủ tiết kiệm và đầu tư lại không đủ. Do đó, các quỹ hưu trí tư nhân buộc phải hỗ trợ cho nhân viên khoản thu nhập bị thiếu hụt này khi họ về hưu.

Một nhân tố khác không kém phần quan trọng đối với việc phát triển thành công các quỹ hưu trí là cơ chế thuế. Cơ chế thuế nên khuyến khích được các hoạt động tiết kiệm và đầu tư cho tương lai.

Bên cạnh quỹ mở, vừa rồi UBCK cũng đưa ra Thông tư Hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và dự kiến sẽ ra đời vào năm 2013. Theo ông, ETF ra đời trong giai đoạn này có phù hợp không? Liệu có tạo được tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư hay góp phần thay đổi cục diện TTCK hiện tại hay không?

Sớm hay muộn thì quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tại Việt Nam cũng sẽ ra đời như một phần tất yếu trong quá trình phát triển thị trường vốn. Các sản phẩm này được tung ra càng sớm thì thị trường sẽ càng được hưởng lợi.

Dù chưa rõ liệu quỹ mở và quỹ ETF có thu hút được nhiều nhà đầu tư hay không nhưng chắc chắn một điều là các sản phẩm này sẽ giúp họ chọn lựa được hình thức tiết kiệm và đầu tư.

Theo quan điểm của tôi, quỹ mở sẽ giúp các Tập đoàn và Chính phủ huy động thêm vốn từ những nhà đầu tư cá nhân dưới dạng các sản phẩm thu nhập cố định và sẽ là một kênh huy động vốn hiệu quả.

Tiềm năng lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và nông nghiệp

Riêng với VinaCapital, ông có thể chia sẻ về những hoạt động của công ty trong năm qua cũng như kế hoạch trong năm 2013 không, thưa ông? Có hay không những quỹ mới của VinaCapital sẽ ra đời trong thời gian tới?

2012 là một năm đầy thách thức đối với chúng tôi. Dù vậy, chúng tôi cũng đã thu được nhiều thành quả thông qua việc thoái vốn khỏi các khoản đầu tư và hy vọng sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược này trong tương lai.

VinaCapital cũng muốn đầu tư thêm vào các doanh nghiệp tại Việt Nam. Hiện chúng tôi đang xem xét tiềm năng đầu tư tại hai doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống cùng với một vài cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu trên TTCK.

Tôi kỳ vọng sẽ có một vài quỹ mới, có thể là của VinaCapital hay bất kỳ công ty quản lý quỹ nào khác, ra đời trong năm 2013. Cho dù ai là người tạo lập nên quỹ mới thì Việt Nam cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ việc này.

Xin cám ơn ông!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang