Chất lượng không khí miền Bắc kém, nguy cơ gây hại cho sức khỏe

author 16:55 06/11/2020

(VietQ.vn) - Theo số liệu quan trắc, không khí nhiều nơi ở khu vực phía Bắc đang trong tình trạng ô nhiễm nặng, thậm chí nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.

Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Trang Thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), sáng 6/11, không khí nhiều nơi ở khu vực phía Bắc ô nhiễm nặng, xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe, thậm chí có 8 điểm màu nâu - mức nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới sức khỏe của người dân.

Đến 7h30 ngày 6/11, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường ghi nhận 2 điểm quan trắc tại Bắc Ninh ở mức màu tím (có chỉ số AQI ở mức 221-243) là UBND phường Đồng Nguyên (Từ Sơn), UBND xã Xuân Lâm (Thuận Thành).

Theo AirVisual, tất cả các điểm quan trắc ở Hà Nội và các vùng lân cận đều ở mức màu đỏ (có hại cho sức khỏe) và có 3 điểm quan trắc có màu tím (rất có hại cho sức khỏe), trong đó có 1 ở Ngọc Thụy, 1 điểm ở Tô Ngọc Vân (Hà Nội) và UBND xã Xuân Lâm (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Ảnh minh họa 

PAMAir ghi nhận chỉ số AQI ở hầu khắp Hà Nội và các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng có mức đỏ, tím, thậm chí có 8 điểm quan trắc ở mức nâu (có chỉ số AQI ở mức 301-390), gồm điểm Ngọc Thụy (Hà Nội), Đồng Phúc, Châu Khê (Bắc Ninh), Tam Nông, Giã Cầu (Hưng Yên), An Bài và Trường Tiểu học Thụy An (Thái Bình), Xuân Ninh và Thư viện huyện Hải Hậu (Nam Định).

Theo Tổng cục Môi trường, miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm. Đêm và sáng sương mù dày khiến các chất ô nhiễm không khuyếch tán lên cao, lơ lửng ở tầng thấp. Người dân nên cập nhật thường xuyên chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao nên thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bắc Giang, các hạt bụi (có trong không khí ô nhiễm) có kích thước trung bình có thể bị giữ lại thảm nhầy nhung mao trên bề mặt phế quản, sẽ bị đẩy ra ngoài theo phản xạ ho. Còn các hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micromet với đủ các thành phần hóa học có thể vào sâu trong phổi, phế nang. Theo thời gian tích lũy dần dần, khi đủ lượng sẽ gây các bệnh mạn tính.

Với người lớn, khi tích lũy lâu dài các bụi hữu cơ, bụi hóa chất có thể gây ra bệnh hô hấp như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khói bụi kết hợp với môi trường ẩm là yếu tố khởi phát hen phế quản.

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM cho biết, ô nhiễm không khí có tác động rất rõ ràng và nguy hiểm đến sức khỏe, song ít người để ý đến điều này. Đối với các bệnh lý tim mạch, chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu, độc tố ngấm trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim…

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang