Chọn nhà thầu 'tai tiếng' làm đường ống: Nhà máy nước sông Đuống có đang mạo hiểm?

author 11:38 25/10/2019

(VietQ.vn) - Việc Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống chọn một nhà thầu từng có "tai tiếng" để cung cấp đường ống dẫn nước khiến dư luận không khỏi hoài nghi về độ an toàn, chất lượng của công trình. Liệu doanh nghiệp này có đang đi một nước cờ mạo hiểm?

Từ chỗ bị dư luận phản đối kịch liệt…

Xung quanh câu chuyện Nhà máy nước mặt sông Đuống (thuộc Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống) chưa đủ điều kiện nghiệm thu theo yêu cầu của Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng đã đưa vào khai thác, sử dụng, dư luận hiện cũng đang quan tâm đến thông tin Nhà máy này có sử dụng đường ống gang thép của một doanh nghiệp Trung Quốc từng bị dư luận phản đối kịch liệt vào những năm 2016 khi Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) dự định sử dụng đối với đường ống Sông Đà số 2.

Nói về ống gang dẻo, đây là loại ống được sử dụng rộng rãi cho hoạt động cấp thoát nước và khí trên thế giới, bởi có độ bền, độ cứng chịu đựng được cường độ cao và khả năng kéo giãn, chống ăn mòn tương đối tốt, chống lại tác động và dịch chuyển của đất, nền đất yếu, quanh co, dốc đứng. Bên ngoài đường ống phủ một lớp kẽm, sau cùng là nhựa đường, tùy theo yêu cầu của khách hàng mà lớp lót bên trong là xi măng hoặc được phủ sơn epoxy, polyurethane…

Để đưa vào lắp đặt và sử dụng, sản phẩm ống gang dẻo sẽ trải qua nhiều quy trình kiểm định ngặt nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế và của quốc gia nhập khẩu. Khi đó, các đơn vị nhập khẩu sẽ tiến hành tổ chức kiểm tra, kiểm định, nghiệm thu sản phẩm (từ khâu xem xét các quá trình, kiểm soát cho đến phân loại cấp áp suất, đường kính, chiều dày đường ống để đối chiếu với các yêu cầu về kỹ thuật đều được đánh giá tỉ mỉ, kỹ càng cho từng ống), qua đó sản phẩm sẽ được đánh giá có đáp ứng chất lượng như cam kết thì mới thực hiện lắp đặt.

Hiện nay, trong nước chưa có đơn vị nào sản xuất ống gang dẻo phục vụ cho ngành nước, đặc biệt là loại có đường kính và kích thước lớn, do đó, nếu lựa chọn ống gang dẻo thì phải nhập khẩu từ thị trường bên ngoài. Trên thực tế, với giá thành ống nước của nhà thầu Trung Quốc thường rẻ hơn từ 10-30% so với sản phẩm cùng loại của một số quốc gia khác nên thường thắng thầu trong nhiều gói thầu mua sắm thiết bị.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những tranh cãi, nghi hoặc về chất lượng của các loại đường ống do doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp bắt đầu xuất hiện, thậm chí, lên tới đỉnh điểm như khi Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) dự định sử dụng đường ống dẫn nước do Xinxing (Trung Quốc cung cấp) cho đường ống Sông Đà số 2.

Xe container sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm) vào tháng 6/2019. Ảnh: Dân Việt

 

Sự việc bắt đầu tư tháng 6/2016 khi ông Trương Văn Hải, nguyên cán bộ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) gửi đơn lên Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM.

Theo nội dung trong đơn, Sawaco sẽ đầu tư phát triển hơn 260 km mạng đường ống cấp 1,2 để tiếp nhận các nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, SAWACO cũng sẽ lắp đặt hơn 1.000 km đường ống cấp 3 để phủ kín các tuyến đường chính và khu dân cư tập trung trên địa bàn TP.

Trong đơn, ông Hải dẫn nguồn tin cho rằng ống gang dẻo Trung Quốc được đúc từ những phế phẩm của PLA (vật liệu phân hủy sinh học), các sản phẩm bom mìn hay những vũ khí hết hạn sử dụng. Do vậy, ống gang dẻo Xinxing được chào bán ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm khác và có thể bán với mọi giá.

Ông Hải còn dẫn nguồn tin của TS Đoàn Đình Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho rằng bên trong ống gang dẻo thường được phủ bằng lớp vữa xi măng hoặc lớp epoxy dày đến 5 mm, đường ống lớn có thể dày 8-9 mm. Nếu có nguy hại sức khỏe cho người sử dụng thì chính là từ lớp phủ bên trong ống gang dẻo nếu không được làm bằng những vật liệu đảm bảo chất lượng.

Nhưng với nhà thầu Trung Quốc, trong một số dự án tại Việt Nam, họ thường không giữ uy tín hợp đồng, cam kết chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cần có cơ quan kiểm định độc lập của Việt Nam để kiểm tra ống gang dẻo của Trung Quốc.

Cũng trong đơn, ông Hải trình bày: “Liệu chăng có bao nhiêu ống gang dẻo Trung Quốc nói chung và ống gang dẻo Xinxing sẽ được sử dụng trong các dự án. Vậy gần 10 triệu dân TP.HCM sẽ tiếp tục sử dụng nước nhưng không biết rõ hằng ngày có bị đầu độc hay không”.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn của dư luận, ngày 25/3/2016, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) chỉ đạo UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án.

Sau rà soát, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Viwasupco tạm dừng việc ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo và phụ kiện. Ngoài ra, UBND TP.Hà Nội cũng kiến nghị thuê đơn vị tư vấn quốc tế có đủ năng lực thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng toàn diện của đoạn đường ống mẫu do nhà thầu cung cấp. Trong trường hợp kết quả không đạt yêu cầu về kỹ thuật, chủ đầu tư phải hủy kết quả đấu thầu. 

Hội đồng quản trị Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) sau đó đã thông qua nghị quyết hủy thầu và không ký kết hợp đồng với Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) cho dự án đường ống nước sông Đà 2.

…đến khi được Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống lựa chọn?

Trong văn bản được bà Lê Thùy Mai, đại diện truyền thông Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống gửi tới tòa soạn Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), vị này xác nhận dự án Nhà máy nước sông Đuống có sử dụng đường ống của Công ty Xinxing (Trung Quốc).

Bà Lê Thùy Mai cho biết, trong quá trình lựa chọn vật liệu, công ty đã tổ chức đoàn chuyên gia tổ chức lựa chọn đánh giá các nhà cung cấp (Ống Gang, Ống Thép, Ống HDPE, Bê Tông lòng thép) trên cơ sở các tiêu chí về kỹ thuật (đường kính lớn, độ bền, khả năng chịu tác dụng của lực, khả năng thi công cũng như mức sẵn sàng của hàng hóa khi thực hiện tiến độ dự án trong thời gian ngắn) và tìm ra nhà cung cấp đáp ứng đủ các yêu cầu đưa ra.

"Tiêu chí lựa chọn dựa vào sự phù hợp giữa kỹ thuật và kinh tế. Hệ thống tuyến ống truyền dẫn của nhà máy nước mặt Sông Đuống sử dụng rất nhiều loại vật liệu khác nhau tùy thuộc vào địa hình và địa chất cụ thể nơi tuyến ống đi qua.

Cụ thể vật liệu ống gồm ống thép, ống HDPE, ống gang dẻo được sản xuất ở Đức, Pháp, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Việc kiểm định chất lượng tất cả các loại vật liệu cho tuyến ống chúng tôi được thực hiện bởi đơn vị kiểm định độc lập của Pháp và Ban quản lý dự án của Công ty cùng giám sát chặt chẽ công tác thi công xây dựng mạng lưới đường ống đảm bảo chất lượng theo quy định", đại diện Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống nêu.

Cũng theo doanh nghiệp này, Xinxing là nhà thầu thiết bị được hầu hết các công ty cấp nước tại Việt Nam cũng như trên thế giới tin dùng trong lĩnh vực cấp nước, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam đối với các điều kiện kỹ thuật, vệ sinh, an toàn thực phẩm và được Nhà máy nước mặt sông Đuống lựa chọn sử dụng cho một số tuyến ống dẫn phù hợp địa hình địa chất. Đây cũng là sản phẩm đã và đang được sử dụng tại 120 nước trên thế giới tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á như Đức, Pháp, Áo...

Lý giải cho câu chuyện sử dụng đường ống Xinxing từng bị dư luận phản đối, chủ đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống cho rằng: Về thông tin liên hệ tới việc đường ống Xinxing tại 1 số dự án nhà máy nước khác dễ bị bục vỡ, thì nguyên liệu của các đường ống đó không phải ống gang dẻo.

"Tại dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống, chúng tôi sử dụng ống gang dẻo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp thiết kế nên không có khả năng gây các sự cố tương tự...", đơn vị này đề cập.

Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống có đang mạo hiểm khi chọn một nhà thầu đường ống từng dính tai tiếng?. Ảnh: VTC 

Chọn một nhà thầu “tai tiếng” có phải là bước đi mạo hiểm?

Mặc dù Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống khẳng định ống gang thép của Xinxing dùng cho dự án Nhà máy nước sông Đuống là an toàn, chất lượng, tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại những diễn biến trên thực tế, dư luận hẳn sẽ còn “giật mình” với những “lùm xùm” xảy ra với đường ống mà nhà thầu Xinxing cung cấp.

Chẳng nói đâu xa, vào ngày 3/6/2019, xe container mang biển kiểm soát 15C - 044.77 xảy ra sự cố sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của Nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội). Trước đó, Thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm cho biết vị trí này đã bị sụt lún, với diện tích khoảng 20m2. Do sự cố này mà  một số khu vực thuộc 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa chịu ảnh hưởng nước yếu trong vài ngày.

Sự cố sụt lún dẫn tới xe hạng nặng sập hố gây vỡ ống nước của nhà máy nước mặt sông Đuống đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng ống và chất lượng thi công của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Và không ai dám chắc rằng, những sự cố tương tự có liên quan tới đường ống của Nhà máy sông Đuống sẽ không tiếp tục xảy ra trong lai.

Không dừng lại ở đó, gần đây, việc Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) có văn bản chỉ rõ một số tồn tại của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống trước thời điểm dự án này được khánh thành lại một lần nữa dấy lên những nghi ngại về chất lượng công trình nói chung và chất lượng đường ống tại Nhà máy nước sông Đuống nói riêng.

Bởi lẽ theo công văn số 447/GĐ-GĐ3 của Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng gửi UBND TP.Hà Nội đã chỉ rõ một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.

Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32 Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.

Lật lại những “lùm xùm” về nhà thầu Xinxing, dư luận chắc không khỏi thắc mắc về việc tại sao dự án nước sạch sông Đà bị phản đối còn Nhà máy nước mặt Sông Đuống lại được sử dụng đường ống Trung Quốc? Liệu Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống có đang mạo hiểm khi giao một công trình có ảnh hưởng tới sức khỏe hàng nghìn người dân vào tay một nhà thầu mà đến nay sản phẩm của họ vẫn còn bị dư luận đặt nhiều dấu hỏi về chất lượng?

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang