Chốt đề xuất trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6%
Hyundai Accent tiếp tục là mẫu xe có số lượng bán hàng tốt nhất tháng 3/2022
Sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động tiêu chuẩn, chất lượng
Nâng cao chất lượng gạo Việt nhằm đẩy mạnh xuất khẩu
Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng dầu nhờn trên thị trường
Ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ 2 trong năm 2022 để thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp. Tại phiên họp này, đại diện phía người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, với mức tăng từ 270.000-330.000 đồng, bình quân tăng 8,16% so với năm 2020-2021.
Phương án 2: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, với mức tăng từ 230.000-300.000 đồng, bình quân tăng 7,25% so với năm 2020-2021.
Chốt đề xuất trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6%.
Còn đại diện các Hiệp hội thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa nhiều phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 3-6% và tăng từ 1/1/2023. Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương đưa ra phương án tăng từ 5-6,18%.
Sau khi thảo luận, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn 1 phương án thống nhất tăng 6% từ 1/7/2022, tùy thuộc từng vùng. Cụ thể:
Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng.
Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng.
Vùng 3 tăng 240.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng.
Vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, sau 2 năm không tăng lương, đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn. Hơn lúc nào hết, lúc này cần tăng lương giúp lao động ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp sản xuất.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 2 năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động.
Chia sẻ về lý do đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022 thay vì 1/1/2023, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, lương tối thiểu vùng dựa trên sự thương lượng của lao động, doanh nghiệp và sự khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Tiếp đó, trong quý I/2022, tình hình kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ. Tăng lương thời điểm này vừa là để hỗ trợ người lao động, nhưng đồng thời cũng để hỗ trợ người sử dụng lao động. Bởi lẽ, tăng lương tạo động lực tăng năng suất lao động, giữ chân người lao động ở lại với doanh nghiệp.
Đại diện phía doanh nghiệp, VCCI cho rằng, dù còn rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp sẽ cố gắng cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tích lũy để tạo nguồn tăng lương cho người lao động.
Sớm trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng
Tổng kết phiên thảo luận, ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, mức tăng lương tối thiểu vùng 6% phần nào đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy mức tăng chưa cao nhưng nó dung hòa được mong muốn của người lao động và người sử dụng lao động.
Ông Lê Văn Thanh cũng cho biết, Hội đồng Tiền lương sẽ sớm trình Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu vùng để Chính phủ quyết định, thực hiện sớm nhất có thể.
Nam Dương