Sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động tiêu chuẩn, chất lượng

author 13:44 12/04/2022

(VietQ.vn) - Sau khoảng 15 năm từ khi ra đời và triển khai thực hiện, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã phát sinh một số vấn đề cần hoàn thiện cho phù hợp với thực tế hơn. Phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Văn Diện – Phó chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa ông, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban hành vào năm 2006, 2007. Sau khoảng 15 năm từ khi ra đời và triển khai thực hiện, hai Luật trên đã phát sinh một số vấn đề cần hoàn thiện cho phù hợp với thực tế hơn, xin ông hãy chia sẻ yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi hai Luật như thế nào?

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến vai trò và ý nghĩa của việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Khi đó, đầu những năm 2000, trước thềm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hoạt động TCĐLCL đứng trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, nhằm thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có yêu cầu hài hòa với các quy định quốc tế về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại;…

Kế thừa thực tiễn công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng trong nước, tham khảo kinh nghiệm các nước và khuyến nghị quốc tế, chúng ta đã xây dựng được hai Luật trên với những thay đổi hết sức cơ bản, làm cơ sở cho hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ có hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh, thương mại trong suốt 15 năm qua.

TS. Vũ Văn Diện – Phó chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam. 

Trong quá trình xây dựng hai Luật trên, quan điểm chỉ đạo cơ bản là phải bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động tiêu chuẩn, chất lượng, đồng thời tiệm cận gần nhất có thể với các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO/TBT) và các hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, khu vực về tiêu chuẩn hóa trên cơ sở đảm bảo được lợi ích, an ninh quốc gia; cũng như đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng;…

Theo các Luật trên, hệ thống văn bản (tài liệu chuẩn) phục vụ quản lý kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, thương mại có thay đổi cơ bản. Ngoài dạng văn bản là tiêu chuẩn như trước đó đã bổ sung mới dạng văn bản quy chuẩn kỹ thuật, trong đó tiêu chuẩn được công bố để tự nguyện áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành bắt buộc áp dụng. Hệ thống tiêu chuẩn lược giản chỉ còn 2 cấp là tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) thay cho hệ thống tiêu chuẩn 3 cấp là tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn ngành (TCN) và tiêu chuẩn cơ sở (TC) theo Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa trước đó.

Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật lần đầu tiên xuất hiện gồm 2 cấp là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP). Quá trình xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia; quá trình xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; thủ tục đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có nhiều điểm phù hợp với hướng dẫn và thông lệ quốc tế...

Việc quản lý chất lượng được quy định rõ là dựa trên tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra còn quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa; các nội dung quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và quá trình sử dụng. Đặc biệt lần đầu tiên bổ sung mới ngạch công chức kiểm soát viên chất lượng. Nhiều nội dung khác được điều chỉnh, đổi mới hoặc cụ thể hóa so với Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa trước đó.

Trong quá trình xây dựng hai Luật, quan điểm chỉ đạo cơ bản là phải bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động tiêu chuẩn, chất lượng. 

Nhìn chung hai Luật và các văn bản hướng dẫn hiện nay về cơ bản phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (WTO/TBT), cũng như các hướng dẫn của các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, chất lượng, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.  

Tuy nhiên, thời gian kể từ khi ban hành hai Luật đến nay đã hơn 15 năm. Đất nước ta giờ đây đã phát triển mạnh mẽ với thế và lực ở một tầm cao mới. Hợp tác quốc tế, trao đổi thương mại ngày càng mở rộng, có vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Chúng ta là thành viên của nhiều thỏa thuận thương mại tự do đa phương và song phương, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Những thay đổi đó đòi hỏi chúng ta cần phải xem xét, nghiên cứu sửa đổi hai Luật trên cho phù hợp hơn với tình hình, điều kiện và khả năng hiện nay, để cùng với Luật Đo lường 2011, chúng ta có một cơ sở pháp luật vững chắc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong giai đoạn phát triển tới.

Theo ông, việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tới đây cần chú trọng vào những vấn đề gì?

Để xác định được những vấn đề cụ thể cần tập trung xem xét khi sửa đổi hai Luật một cách đầy đủ, chính xác, trước hết cần có đánh giá kết quả, hiệu lực, hiệu quả của việc áp dụng hai Luật. Việc này các bộ, ngành, địa phương và nếu được, cả các tổ chức, doanh nghiệp cùng phải vào cuộc một cách tích cực và nghiêm túc.

Chúng ta cũng cần rà soát các yêu cầu, khuyến nghị, thực hành tốt về tiêu chuẩn hóa, lập quy của các tổ chức quốc tế, cũng như các điều khoản về tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá sự phù hợp (thường là chương TBT) trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gần đây mà Việt Nam là một bên tham gia.

Trước đây, khi xây dựng hai Luật này chúng ta cũng đã làm những việc tương tự, nhưng hơn 15 năm qua chắc chắn yêu cầu, khuyến nghị, thực hành tốt đó cũng đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiên rồi. Chắc chắn chúng ta phải bước thêm một bước mới xích lại gần hơn với khuyến nghị và thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn, chất lượng trên vị thế Việt Nam có tiềm lực và trách nhiệm cao hơn so với 15 năm trước.

Chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm hoạt động gần đây của các nước khác trong lĩnh vực này. Quan điểm tiếp cận trong quá trình sửa đổi hai Luật, theo tôi, về cơ bản vẫn có thể áp dụng như khi xây dựng hai Luật này trước đây, nhưng ở mức tiếp cận cao hơn, tích cực hơn, cập nhật hơn, phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong thời gian tới.

Một điều có thể nhận thấy là hai Luật trên đã phát huy tác dụng tích cực khi được áp dụng vào thực tiễn thời gian qua và phần lớn các nội dung cốt yếu đã trải qua thực tiễn áp dụng trên 15 năm vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề cơ bản hiện nay là cần điều chỉnh theo hướng cụ thể hóa, nâng cấp, cập nhật, bổ sung để hoàn thiện, đảm bảo khả thi hơn. Theo tôi, chúng ta có thể xem xét nghiên cứu để giải quyết tốt hơn một số vấn đề sau.

Ảnh minh họa

Thứ nhất, về xây dựng, công bố/ ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cần xem xét quy định sao cho khả thi về xây dựng quy hoạch, kế hoạch 5 năm. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố/ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật cần rà soát, cập nhật cho phù hợp hơn.

Đồng thời cần lôi cuốn các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Luật hiện nay có quy định quyền và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp. Việc áp dụng thì tương đối rõ hơn, nhất là đối với quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng. Song việc tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, đặc biệt là tiêu chuẩn quốc tế và các quy chuẩn kỹ thuật thì chưa làm rõ được trách nhiệm của các doanh nghiệp, người chịu trách nhiệm áp dụng chính sau này. Nhìn chung cần có những quy định sao cho thúc đẩy được hoạt động tiêu chuẩn hóa tại cơ sở.

Bản thân hoạt động tiêu chuẩn hóa ban đầu phát sinh từ doanh nghiệp, để rồi sau này phát triền ngày một mở rộng, đến cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Thông thường ở các nước phát triển, các doanh nghiệp chủ động tham gia tích cực vào các dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và cả quốc tế. Họ coi đó là quyền lợi và mong muốn được chủ trì, tham gia soạn thảo tiêu chuẩn. Thực tế ở nước ta trước đây, Nhà nước đã ban hành những quy định rất chi tiết về hoạt động tiêu chuẩn hóa tại các xí nghiệp, trong đó nêu rất rõ nội dung và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Vấn đề hiện nay là nên quy định như thế nào cho phù hợp với cơ chế quản lý hiện hành. Về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật cần hoàn thiện theo hướng tinh gọn về số lượng. Ưu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh theo nhóm các đối tượng tương đồng về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý. Những quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng cần xem xét gộp lại theo nhóm sản phẩm tương đồng về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý. 

Thứ hai, về hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng cần xem xét theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo môi trường phát triển lành mạnh, thống nhất. Xem xét mở rộng đối tượng công nhận (chuyên gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng). Tăng cường năng lực các tổ chức đánh giá sự phù hợp, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước. Nên có quy định về việc xây dựng và thực hiện quy hoạch/ kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo hướng tinh gọn, có năng lực, đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý và nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thúc đẩy thương mại cho từng thời kỳ.

Thứ ba, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng trong sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Làm rõ việc phân công, phân cấp, phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng giữa các bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo, tạo môi trường lành mạnh, thống nhất. Xem xét kiện toàn tổ chức hoạt động của đội ngũ kiểm soát viên chất lượng.

Thứ tư, về đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế, cần quan tâm đẩy mạnh đào tạo nhận thức, kiến thức về tiêu chuẩn, chất lượng. Đưa bộ môn/ học phần tiêu chuẩn, chất lượng vào các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Xem xét việc thành lập trường đào tạo chuyên sâu về tiêu chuẩn, chất lượng để hình thành đội ngũ chuyên gia có trình độ cao về tiêu chuẩn, chất lượng.

Về hợp tác quốc tế, cần mở rộng hợp tác quốc tế trong các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng. Cần có phân công trách nhiệm rõ ràng trên cơ sở quản lý thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc tham gia các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng chuyên ngành.

Ngoài ra còn nhiều nội dung khác nên được xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn.

Trên đây chỉ là một số ý kiến sơ lược của tôi, trong phạm vi phỏng vấn này chắc chắn không thể thể hiện hết được những vấn đề cần quan tâm khi sửa đổi hai Luật trên.

Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng sản phẩm hàng hóa còn diễn biến phức tạp, vậy theo ông trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo cần nâng cao chế tài xử lý vi phạm này như thế nào?

Vấn đề ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng sản phẩm, hàng hóa không chỉ là thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Cần phải có cách tiếp cận toàn diện.

Việc sửa đổi hai Luật phải dẫn đến củng cố, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hạ tầng chất lượng quốc gia Việt Nam. Một hạ tầng chất lượng quốc gia có hiệu lực, hiệu quả sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, đồng thời hạn chế các vi phạm pháp luật.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam đạt mức độ hài hòa với thế giới 60%, theo ông cơ quan soạn thảo cần lưu ý vấn đề gì để hoạt động tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và hội nhập sâu rộng với khu vực, thế giới?

Vấn đề hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được chú trọng từ lâu và ở mọi quốc gia/ vùng lãnh thổ. Đó là một trong các nguyên tắc của Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đó cũng là một nguyên tắc được đề cập trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Hiện nay tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%. Sắp tới chúng ta cần tiếp tục duy trì tốt nguyên tắc này.

Theo Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021– 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 8 năm 2020, thì tỷ lệ này tương ứng là khoảng 65% trong giai đoạn 2021 – 2025 và 70 - 75% trong giai đoạn 2026 – 2030.

Chúng ta cần tiếp tục duy trì nguyên tắc hài hòa này, tức là phải sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, trừ trường hợp các tiêu chuẩn đó không phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam hoặc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Việc chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, khu vực thành tiêu chuẩn quốc gia là việc làm đúng và phải làm, đó là nguyên tắc, như đã nêu ở trên. Nước nào cũng làm và phải làm như vậy theo đúng cam kết quốc tế và lợi ích mang lại cho quốc gia.

Để thực hiện tốt nguyên tắc hài hòa này, ngoài việc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực như đã nói ở trên, chúng ta cần tham gia tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, trước mắt là tham gia tích cực và nhiều hơn vào các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm, từng bước tiến tới đăng ký chủ trì dự thảo các tiêu chuẩn quốc tế cho các đối tượng Việt Nam có thế mạnh, như là nông lâm thủy sản chẳng hạn.

Trước đây, vào những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã chủ trì thành công dự thảo hàng chục tiêu chuẩn của Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (ST SEV) như chè, cà phê, cao su thiên nhiên, xe đạp làm cơ sở tốt cho việc trao đổi hàng hóa giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Những năm đầu của thế kỷ 21, Việt Nam cũng chủ trì xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn Codex về nước nắm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CAC).

Khi xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, mặc dù phải qua thủ tục lấy ý kiến rộng rãi, những buổi họp thảo luận minh bạch, khoa học, nhưng các nước chủ biên thường có lợi thế dễ dàng đưa được những quy định, yêu cầu phù hợp hơn, mang lại lợi ích cho quốc gia mình. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu, đảm nhận chủ biên các dự thảo tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm, hàng hóa mà Việt nam có thế mạnh như đã nêu trên.

Một việc khác cần hết sức lưu ý, cần nâng cao trách nhiệm tham gia vào góp ý dự thảo tiêu chuẩn quốc tế và đặc biệt là góp ý dự thảo các quy chuẩn kỹ thuật có khả năng gây cản trở cho thương mại quốc tế của các quốc gia khác, có khả năng gây khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi được thông báo qua các điểm thông báo và hỏi đáp ở các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia sớm vào quá trình này, tránh tình trạng sau khi ban hành sẽ gây khó khăn cho các hàng hóa xuất khẩu của mình vào các thị trường đó.

Ngoài nguyên tắc hài hòa trên, để đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, chúng ta cần duy trì các nguyên tắc của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các nguyên tắc quy định trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, như đảm bảo công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử, không gây trở ngại không cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại; bảo đảm sự tham gia và đồng thuận của các bên có liên quan; ưu tiên quy định các yêu cầu về tính năng sử dụng sản phẩm, hàng hóa…

Một trong những vấn đề rất quan trọng được giới chuyên gia nhắc đến nhiều thời gian qua là chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia giúp hoạt động tiêu chuẩn hóa phát triển đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Vậy ông có thể cho biết quan điểm về sự cần thiết phải xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia trong thời gian tới?

Để đảm bảo hoạt động thành công có tính chất dài hạn, các tổ chức thường xây dựng chiến lược hoạt động của mình. Đó là việc xác định các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, các cách thức, con đường đi đến các mục tiêu đó. Trong hoạt động tiêu chuẩn hóa cũng vậy. Nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực đã ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa của mình, thường cho giai đoạn 10 năm, sau đó lại rà soát sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn sau.

Ví dụ, chiến lược tiêu chuẩn hóa của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) giai đoạn 2021-2030 đề ra tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và các ưu tiên hoạt động cho thập niên 2021-2030. Ủy ban Tiêu chuẩn hóa châu Âu (CEN) và Ủy ban Tiêu chuẩn hóa kỹ thuật điện châu Âu (CENELEC) cũng ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa 2030. Nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia cũng quan tâm ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa của mình.

Ở Việt Nam trước đây chúng ta cũng có lúc đề cập đến việc ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên, lĩnh vực tiêu chuẩn hóa nằm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nên trong các Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ cho các giai đoạn thường có đề cập đến nội dung liên quan đến tiêu chuẩn hóa. Vì nằm chung trong lĩnh vực khoa học và công nghệ rộng lớn nên các nội dung, giải pháp thực hiện chưa cụ thể, chưa sát với tính đặc thù của lĩnh vực tiêu chuẩn hóa.

Nay nếu chúng ta xây dựng được chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia của Việt Nam cho giai đoạn tới thì quá tốt. Nó sẽ làm cơ sở rất cho việc thúc đẩy phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa ở nước ta, giúp hoạt động tiêu chuẩn hóa đóng góp tích cực hơn vào phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Vân (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang