Chủ động mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản

author 06:00 27/11/2020

(VietQ.vn) - Chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành kinh tế sụt giảm, một số ngành xuất khẩu tăng trưởng âm, nhưng ngành chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn duy trì ổn đinh sản xuất, tranh thủ cơ hội mở rộng thị trường, đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao.

Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 10,46 tỷ USD, tăng 15% so với cùng ký năm 2019, chiếm gần 30% giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng tốt đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và của đất nước 

Các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, Hoa Kỳ đạt trên 6 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi Hiệp định đối tác tự nguyện và thực thi Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, tiếp đó là các hiệp định EVFTA, CPTPP, và hiệp định RCEPT, đã mở ra cơ hội cho ngành chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Mặc dù đạt được kết quả khả quan, song theo Bộ NN&PTNT, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để đảm bảo phát triển bền vững.

Điển hình là hiện còn thiếu các khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung và thiếu sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ. Tình trạng khai thác rừng non diễn ra ở nhiều nơi, nên gỗ rừng trồng chủ yếu là đường kính nhỏ, chất lượng thấp, dẫn đến các doanh nghiệp chế biến gỗ vẫn phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, năm 2020 vẫn phải nhập trên 2,5 tỷ USD gỗ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường nhập khẩu áp dụng các rào cản thương mại quốc tế, bảo hộ sản xuất trong nước, các vụ khởi kiện thương mại gia tăng trong khi năng lực đáp ứng của ngành hàng này còn hạn chế.

Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản phấn đấu năm 2021 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 14,5 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020, trong đó sản phẩm gỗ đạt 10 tỷ USD, lâm sản ngoài gỗ đạt 1 tỷ USD. Giai đoạn năm 2025, ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD.

Để đạt những mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT sẽ chú trọng nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng trong nước, đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản; ổn định vùng nguyên liệu 3,5 triệu ha rừng trồng sản xuất tập trung; mở rộng diện tích rừng trồng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 3 triệu ha vào năm 2025. 

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị cần có chính sách ưu đãi thuế để tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, công nghệ chế biến gỗ, lâm sản tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường; kiểm soát  việc thẩm định cấp phép đầu tư đựans dự án FDI đầu tư vào chế biến gỗ, lâm sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với những sản phẩm gỗ có nguy cơ gian lận xuất xứ…

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường phát triển các hình thức liên kết tạo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng và hợp pháp, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang