"Chưa có thay đổi đầy đủ về cơ chế ngăn ngừa tham nhũng"

author 19:00 06/12/2012

(VietQ.vn) - Hôm nay, 6/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đối thoại Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 11 với chủ đề “Công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương – Thực trạng và giải pháp” do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về PCTN phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính Phủ) đánh giá: Kể từ Đối thoại PCTN lần thứ 10 đến nay, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí và nhất là vai trò quan trọng của nhân dân, công tác PCTN ở Việt Nam tiếp tục có những tiến triển tích cực.

Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Quyết tâm chính trị của Việt Nam trong PCTN tiếp tục được khẳng định qua sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có Kết luận về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTN và thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu.
 
Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN và nhiều luật khác có liên quan đến công tác PCTN như Luật phòng, chống rửa tiền, Luật giám định tư pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật luật sư, Luật xuất bản...
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
 
Một thông tin cũng được các đại biểu tham dự buổi đối thoại đặc biệt quan tâm là kết quả điều tra xã hội học về thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh trong công tác PCTN. Cuộc điều tra xã hội học được tiến hành từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2012 và triển khai ở 42 tỉnh và thành phố với 328 đại biểu Hội đồng Nhân dân và 174 đại biểu Mặt trận Tổ quốc, trong đó phỏng vấn sâu 24 đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Mặt trận Tổ quốc.

Theo báo cáo Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương trong 5 năm qua (2007-2012) và một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, trong 5 năm, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp.

“Điều quan trọng nhất là cần phải cải cách thể chế, cần phải có hệ thống tư pháp độc lập cùng với hệ thống báo chí truyền thông phải được tự do hơn trong hoạt động” – Ông Stokes, Đại sứ vương quốc Anh nói. 
Một số tỉnh, thành phố xử lý nhiều người đứng đầu là Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đăk Lăk (38 người), Cao Bằng (31 người)...
 
Cũng trong 5 năm, toàn ngành thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 62.994 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã kết thúc 52.671 cuộc. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.619 tập thể, 11.973 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 464 vụ việc.
 
Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, trong 5 năm, đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo. Qua điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng đã thu hồi về ngân sách nhà nước 1.061,6 tỷ đồng, 218,8 ha đất.
 
Công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam có bước tiến triển tích cực, có sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện như: quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu; Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung; Chính phủ thông qua chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
 
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết, thoả thuận quốc tế về chống tham nhũng; mở rộng hợp tác đa phương và song phương, tham dự các diễn đàn quốc tế về chống tham nhũng…
 
Đề cao hướng đối thoại về công tác PCTN ở địa phương – nội dung lần đầu tiên được chọn để thảo luận, Phó Thủ tướng xác nhận, ở Việt Nam, lãnh đạo tỉnh thành có vai trò rất lớn, trực tiếp quản lý đất đai, các nguồn lực để phát triển, quản lý ngân sách, phân bổ đầu tư và quyết định công tác cán bộ, nhân sự ở tỉnh mình. Quyền lực tại địa phương như vậy là rất lớn trong khi vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo nhiều cơ hội phát sinh tham nhũng.
 
Đánh giá cao bài học kinh nghiệm đến từ dự án “thành phố minh bạch” Martin của Slovakia mà các nhà tài trợ mang tới đối thoại lần này, Phó Thủ tướng đề nghị mời Thị trưởng thành phố này tới để chia sẻ thêm cho Việt Nam những kinh nghiệm quản lý để “chặn nguồn” tham nhũng.
 
Phó thủ tướng cũng tỏ ý băn khoăn vì tại Việt Nam, bên cạnh những địa phương là điểm nóng, phức tạp về tình trạng tham nhũng, quản lý đất đai nhưng vẫn có những địa phương làm tốt việc này. “Tham nhũng trong quản lý đất đai, tiêu cực của chính quyền là vấn đề rất đau lòng ở các địa phương. Trong khi chưa có những thay đổi đầy đủ về cơ chế để ngăn ngừa tham nhũng, vẫn cần tích cực nghiên cứu kinh nghiệm ở những nơi đã thành công để xây dựng, nhân rộng những mô hình tích cực như vậy” – ông Phúc nói.
 
Kết lại nội dung trao đổi, Phó Thủ tướng lưu ý, tham nhũng hiện là thách thức với toàn cầu, không loại trừ bất cứ quốc gia nào, nhất là trong môi trường kinh tế mở, liên thông sẽ càng tạo ra nhiều hình thức tham nhũng tinh vi, phức tạp. Cuộc đấu tranh với tham nhũng cũng sẽ lâu dài. Việt Nam khẳng định quyết tâm PCTN mạnh mẽ bằng những hành động ngay lập tức. Có thể luật pháp chưa đầy đủ, đồng bộ nhưng không thể ngồi chờ mà cần chủ động triển khai nhiều hoạt động, phương thức để chống tham nhũng.
 
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng cảm ơn các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển luôn ủng hộ và dành cho Việt Nam sự giúp đỡ có hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Nguyễn Hoàng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang