Chung tay xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản Việt Nam

author 06:43 08/10/2018

(VietQ.vn) - Việc Bộ KH&CN bắt tay với Hội Doanh nghiệp HVNCLC cùng hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp làm tiêu chuẩn sẽ tạo ra bước ngoặt đáng kể cho việc giúp thay đổi tư duy và hành vi phù hợp với thông lệ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Đề cập đến vấn đề tiêu chuẩn cho hàng hóa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, hiện nay, các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam tương đối đầy đủ, tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Hoặc có doanh nghiệp sản xuất ra chưa biết tiêu chuẩn đang làm là gì. Làm sao kiểm soát được chất lượng sản phẩm đạt theo chuẩn mà khách hàng mong muốn…

 Để xây dựng một nền nông nghiệp mà nông dân và doanh nghiệp cùng làm tiêu chuẩn sẽ tạo ra bước ngoặt đáng kể cho việc giúp thay đổi tư duy và hành vi phù hợp với thông lệ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Do đó, để tạo ra nhận thức mạnh mẽ, sâu rộng, rõ ràng hơn trong quá trình xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, lựa chọn tiêu chuẩn nào để áp dụng cho phù hợp với sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp thì việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn và Hiệp hội doanh nghiệp cần phải được quan tâm thúc đẩy.

Ông Linh cũng nhấn mạnh việc nông sản giờ đây người ta không những chú ý đến chất lượng cuối cùng, mà xem cả một quá trình từ trang trại tới bàn ăn, khâu nào áp dụng VietGAP, GlobalGAP… sản xuất theo HACCP, GMP, hay IFS, BRC…

Do đó, một sản phẩm đến tay người tiêu dùng không chỉ phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật mà còn là sự gắn kết giữa tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn với cảm xúc của người mua khi nhìn vào sản phẩm đó. Nghĩa là, tiêu chuẩn cho một sản phẩm hoàn hảo khi đến tay người tiêu dùng.

Trong một hội thảo về nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu được tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra những gợi mở về việc xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản địa phương.

Cùng với việc chia sẻ những kinh nghiệm phát triển sản phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, ông Đà kỳ vọng sẽ thay đổi thái độ của người dân về xây dựng tiêu chuẩn, chất lượng cho nông sản.

Theo ông Phạm Xuân Đà, việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân Việt Nam đang áp dụng hiện nay, từ VietGAP, GlobalGAP, Organic… đang chưa hiệu quả, khó tiếp cận cho người làm.

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc có những mô hình về “mỗi làng một sản phẩm” được xây dựng và làm cho nhiều vùng đất nghèo của họ phát triển vượt bậc.

Ông Đà dẫn chứng: tại Hàn Quốc, sâm rất nổi tiếng, nhưng người làm trực tiếp không phải là nhà khoa học, doanh nghiệp lớn, mà là nông dân, họ có nhiều vùng trồng sâm, mỗi vùng như thế họ có những trung tâm nghiên cứu (khoảng 2.000 hộ), ở đây, tất cả mọi sản phẩm nhân sâm đều được nghiên cứu kỹ lưỡng. Sau đó họ làm theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho nông dân, người nông dân nhờ đó mà biết làm, họ tạo nhiều việc làm, thu nhập cao cho nông dân…Hàn Quốc xây dựng sản phẩm sâm và thường xuyên có những Lễ hội lớn về sâm để thu hút khách du lịch, các đối tác…

Hay tại Hungary với sản phẩm rượu vang Tokaji cũng được phát triển theo kiểu từ một địa phương như thế.

Còn Nhật Bản, họ cũng có chương trình hỗ trợ nông dân rất tốt ở các vùng nông thôn, chương trình “mỗi làng một sản phẩm” của họ, họ dùng tiêu chuẩn hóa để xây dựng những sản phẩm ở thôn, làng lên thành sản phẩm lưu hành được trên toàn nước Nhật.

Từ những bài học trên, ông Phạm Xuân Đà cho rằng, mỗi địa phương Việt Nam hãy chọn cho mình một vài sản phẩm có lợi thế nhất, nổi tiếng. Sau đó, sẽ có một đơn vị đứng ra hướng dẫn người dân xây dựng quy trình sản xuất, từ cách chọn giống, kỹ thuật nuôi trồng, bao tiêu đầu ra…

“Làm việc này sẽ tạo thói quen sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cho nông dân, giúp nông dân thay đổi nhận thức và hành vi làm nông nghiệp của mình”, ông Phạm Xuân Đà nói.

Bộ khoa học và Công nghệ và Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã ký kết thỏa thuận khung chương trình “Hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp làm tiêu chuẩn”. Mục đích của thỏa thuận này là giúp nông dân và doanh nghiệp thay đổi tư duy và cả hành vi phù hợp với thông lệ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bản thỏa thuận khung tập trung đến việc tư vấn, huấn luyện hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn, xây dựng nhận thức và kiến thức nền về tiêu chuẩn; tư vấn xây dựng tiêu chuẩn cũng như kết nối, hỗ trợ truyền thông cho nông dân và doanh nghiệp. Cuối cùng là hỗ trợ đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm…

Tiêu chuẩn phải trở thành vấn đề tự thân của doanh nghiệp(VietQ.vn) - Sự phối hợp giữa Bộ KH&CN và Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao được triển khai thời gian gần đây đã tạo ra nhận thức mạnh mẽ hơn trong cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho hàng hóa.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang