Chuốc họa vì thuốc diệt côn trùng không rõ nguồn gốc

author 14:56 23/10/2018

(VietQ.vn) - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận bệnh nhân 58 tuổi hôn mê sâu, mê man bất tỉnh vì bị ngộ độc hóa chất diệt côn trùng sau khi sử dụng trong gia đình.

Nguy hại thuốc diệt côn trùng trôi nổi

Những ngày chớm đông thường có mưa nhỏ, là điều kiện tuyệt vời cho côn trùng ký sinh phát triển. Ruồi muỗi, gián, kiến... xâm chiếm từng ngóc ngách trong nhà. Để giải quyết tình trạng này, nhiều người quyết định mua thuốc diệt côn trùng.

Đa số thuốc diệt côn trùng có thành phần hóa học độc hại, trực tiếp tác động lên các giác quan và hệ thần kinh con người. Thông dụng nhất là chai nhỏ dạng xịt, có giá dao động từ 40.000 đến 150.000 đồng tùy loại. Thuốc có nguồn gốc thực vật thường đắt hơn, và cũng khó mua hơn.

Nhưng với những địa điểm rộng, nhiều côn trùng ký sinh như hàng ăn, các xưởng sản xuất nhỏ lẻ hay cửa tiệm thì chai dạng xịt là không đủ. Vì thế, một số nơi sử dụng theo dạng phun, với nồng độ tự pha chế và đa số là rất nặng.

 Theo các bác sỹ, nên thận trọng sử dụng thuốc diệt côn trùng và tránh xa trẻ em, người già.

Vấn đề ở chỗ, các loại thuốc không đồng nhất, với nguồn gốc xuất xứ phức tạp, đa số là sản phẩm có nguồn từ Trung Quốc, bên cạnh đó là Nhật Bản hay do chính doanh nghiệp trong nước sản xuất. Có nhiều sản phẩm từ vỏ bao bì, mẫu mã đều là tiếng Trung Quốc, mà hoàn toàn không có chú thích hay mẫu chữ bằng tiếng Việt. Do vậy, rất khó để nắm được nguồn gốc xuất xứ, thành phần hóa học hay liều lượng sử dụng của các loại thuốc này ra sao.

Ghé một cửa tiệm tạp hóa trên đường Trung Kính, Hà Nội khi hỏi về thuốc diệt côn trùng, PV được chủ tiệm giới thiệu về các loại thuốc, sản phẩm Trung Quốc có mà Việt Nam cũng có. Giá thành của loại thuốc Trung Quốc khoảng 40.000 đồng/chai nhỏ, cá biệt có loại chỉ 25.000 đồng/chai. Trong khi đó, các loại thuốc của Việt Nam, có bao bì nhãn mác rõ ràng và được cấp phép thì đắt hơn. Dùng thử vào góc cửa hàng tạp hóa này, kết quả cho thấy loại thuốc Trung Quốc không rõ nguồn gốc kia mùi nồng nặc hơn, gây khó chịu cho những ai hít phải.

Đặc biệt cẩn trọng với người già và trẻ nhỏ

Thành phần hóa học trong các loại thuốc diệt côn trùng thường rất độc, tác động mạnh đến các giác quan, hệ thống thần kinh và miễn dịch của con người. Vì thế, có không ít trường hợp sau khi sử dụng thuốc diệt côn trùng thì liền sau đó có các triệu chứng bị tức ngực, choáng váng, khó thở kèm nôn ói. Tình trạng này rất dễ xảy ra nếu người sử dụng trong không gian hẹp, kín và thiếu không khí lưu thông, sau khi sử dụng không cách ly để mùi thuốc loãng đi.

Mới đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận bệnh nhân 58 tuổi hôn mê sâu, mê man bất tỉnh vì bị ngộ độc hóa chất diệt côn trùng sau khi sử dụng trong gia đình. Bệnh viện E (Hà Nội) trước đó cũng tiếp nhận trường hợp một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, choáng váng khó thở. Bệnh nhân H.M.H (36 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và tim mạch. Sau khi hỏi ra thì mới biết, biến chứng xảy ra sau khi chị H sử dụng thuốc diệt gián, vệ sinh phòng bếp.

TS.BS. Phan Thanh Sơn - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng nói rằng khoa thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị ngộ độc hóa chất diệt côn trùng sau khi phun xịt trong gia đình. Mới nhất là trường hợp bà Phan Thị B. (58 tuổi, ở Q.6) mới mở cơ sở chế biến cơm cháy nhưng trong nhà có rất nhiều kiến và gián.

Sợ kiến, gián làm hỏng thức ăn và mất vệ sinh, không an toàn thực phẩm nên con gái bà B. đã ra tiệm tạp hóa mua một chai xịt côn trùng với nhãn toàn tiếng Trung Quốc. Dù cả gia đình đã ra khỏi nhà 30 phút nhưng khi trở lại nhà thì một số thành viên có tình trạng ho liên tục, riêng bà B. còn bị choáng và khó thở, phải đến bệnh viện điều trị.

Với người lớn đã vậy, thuốc diệt côn trùng càng trở nên nguy hại với trẻ nhỏ. BS Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Khoa Cấp cứu tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc hóa chất, trong đó có ngộ độc thuốc diệt chuột, diệt cỏ, thuốc trừ sâu, xăng dầu, chất tẩy rửa… Thuốc ảnh hưởng đến côn trùng thì ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến người. Do vậy, người lớn khi sử dụng hóa chất phòng trừ côn trùng phải chọn loại có nguồn gốc, uy tín, sử dụng đúng hướng dẫn, đúng liều lượng và đặc biệt phải để xa tầm tay cũng như tầm nhìn của trẻ nhỏ”.

Sử dụng thuốc diệt côn trùng tăng nguy cơ mắc ung thư ở trẻ(VietQ.vn) - Một phân tích mới đây cho biết trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư hạch, ung thư bạch cầu... khi tiếp xúc với các loại thuốc diệt côn trùng thường xuyên.

Thảo Quyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang