Nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP bằng việc thực hiện tiêu chuẩn và quy chuẩn
Cà Mau: Hỗ trợ doanh nghiệp OCOP áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến
Khoa học công nghệ: Nền tảng phát triển sản phẩm OCOP tại Bến Tre
TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy Chương trình OCOP, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm
Sản xuất chè hướng tới mục tiêu OCOP: Mang sản phẩm chất lượng đến người dùng
Ảnh minh họa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, toàn tỉnh hiện có 138 sản phẩm của 99 chủ thể kinh tế đạt chứng nhận "Sản phẩm OCOP" từ 3 sao trở lên. Trong đó, 2 sản phẩm đạt 5 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao (với 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao) và 120 sản phẩm đạt 3 sao.
Đáng chú ý, 111 sản phẩm của 83 chủ thể kinh tế còn hạn chứng nhận OCOP, bao gồm 2 sản phẩm 5 sao, 10 sản phẩm 4 sao (3 sản phẩm tiềm năng 5 sao) và 99 sản phẩm 3 sao. Bên cạnh đó, 25 sản phẩm đã hết hạn công nhận 36 tháng và đang trong quá trình đánh giá, phân hạng lại theo quy định mới.
Các sản phẩm OCOP không chỉ là kết quả của sự nỗ lực đổi mới phương thức sản xuất và khai thác tiềm năng nông nghiệp địa phương mà còn là minh chứng cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, và cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tại An Giang đã áp dụng các quy trình sản xuất chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, ISO... để đảm bảo sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo đó, các tiêu chuẩn như ISO 22000:2018 và HACCP được áp dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất và chuyển đổi, đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. ISO 22000:2018 là hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, trong khi HACCP là hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn, cả hai đều giúp đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến - Chủ hộ kinh doanh bì sợi Kim Xuyến (huyện Chợ Mới) chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng của chứng nhận OCOP, cơ sở đã chuyển đổi quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm theo quy chuẩn để được công nhận là sản phẩm OCOP. Sau khi được công nhận, cơ sở đã có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn, bán được giá cao và đầu ra ổn định.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ hộ kinh doanh khô cá lóc Kim Loan (huyện Chợ Mới) cho biết, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ của sản phẩm đã tăng lên. Cơ sở còn đẩy mạnh quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội để người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn. Đồng thời, cơ sở thường xuyên cải tiến bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Tại huyện Châu Phú, Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Nông nghiệp Khánh Hòa có 25 hộ tham gia trồng nhãn xuồng, với diện tích canh tác hơn 40ha và đang mở rộng diện tích, tăng thêm thành viên. Tất cả diện tích nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa đều được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt sản phẩm OCOP 3 sao. HTX đã góp phần tập hợp, liên kết nông dân trồng nhãn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để giúp nông dân yên tâm canh tác, nâng cao chất lượng và tạo dựng thương hiệu nhãn xuồng Khánh Hòa.
Việc đạt chứng nhận OCOP không chỉ là minh chứng cho chất lượng mà còn là cơ hội để quảng bá và mở rộng thị trường, là động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn, giúp các sản phẩm nông nghiệp An Giang khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Các tiêu chuẩn và quy chuẩn mà các sản phẩm OCOP tuân thủ chính là yếu tố then chốt giúp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Duy Trinh (t/h)