Sản xuất chè hướng tới mục tiêu OCOP: Mang sản phẩm chất lượng đến người dùng

author 15:51 13/06/2024

(VietQ.vn) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP ) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động, nhằm phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc khai thác tiềm năng địa phương. Hợp tác xã chè tại Thái Nguyên cũng không nằm ngoài xu hướng.

Chương trình OCOP với tiền đề phát huy trí tuệ, sự sáng tạo và tài nguyên địa phương đã trở thành mô hình phát triển kinh tế bền vững cho nhiều nước. Ở Việt Nam, OCOP tập trung vào phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm công nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế địa phương, thông qua các đơn vị kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế tư nhân bao gồm các doanh nghiệp và hộ sản xuất.

Đến hết tháng 4 năm 2024, cả nước đã có hơn 12.000 sản phẩm OCOP được đánh giá và phân hạng, với sự tham gia của 63/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt tại Thái Nguyên, vùng đất nổi tiếng với những đồi chè xanh bạt ngàn, chè đã trở thành sản phẩm chủ lực trong phát triển nông nghiệp nông thôn.

Tỉnh Thái Nguyên đã xác định chè là cây trồng chiến lược giúp nông dân làm giàu, mục tiêu đến năm 2025 đạt 23.500 ha diện tích trồng chè, trong đó 85% là chè giống mới, giá trị bình quân 350 triệu đồng/ha. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm quy hoạch vùng trồng chè, xây dựng thương hiệu chè quốc gia, thống nhất quy trình sản xuất, chế biến chè.

Tỉnh cũng nhấn mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, thúc đẩy việc sản xuất chè hữu cơ, chè sạch. Đặc biệt, việc phát triển mã số vùng trồng, chuyển đổi số, xúc tiến thương mại điện tử để tiêu thụ chè là các ưu tiên hàng đầu. Các hợp tác xã trồng chè tại Tân Cương, Thái Nguyên, như Hợp tác xã chè Kim Ngọc và Hợp tác xã trà Nguyên Long, đã tích cực tham gia vào chương trình OCOP.

Bà Nguyễn Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chè Kim Ngọc chia sẻ với Phóng viên về quá trình xây dựng OCOP cho sản phẩm. Ảnh DT

Bà Nguyễn Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chè Kim Ngọc cho biết, dù doanh nghiệp còn non trẻ và gặp nhiều cạnh tranh, tuy nhiên Hợp tác xã chè Kim Ngọc vẫn luôn nỗ lực để đạt chứng nhận OCOP nhằm nâng cao uy tín và gia tăng khả năng tiếp cận thị trường. "Việc được nhận chứng nhận OCOP sẽ như “tấm giấy thông hành” để doanh nghiệp được công nhận, nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, do đó dù có mất thời gian, công sức doanh nghiệp cũng cố gắng đạt được chứng nhận này", bà Ngọc khẳng định.

Cũng theo bà Ngọc, Hợp tác xã Trà Kim Ngọc Tân Cương đã gắn kết những xã viên có tình yêu với cây chè, nỗ lực cùng đưa giá trị của đặc sản địa phương ngày càng phát triển. Hợp tác xã đã có hơn 5 ha canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, hệ thống nhà xưởng hiện đại đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ những búp chè tươi non được thu hái bằng tay đạt tiêu chuẩn, kết hợp giữa bí quyết truyền thống cùng máy móc hiện đại, sản phẩm Trà Búp Xanh Tân Cương Thái Nguyên có chất lượng vượt trội. Búp trà xanh đen, hương cốm non đặc trưng, màu nước xanh trong ngả vàng sóng sánh như mật ong. Vị trà chát nhẹ, hậu vị ngọt thanh khiết tựa như sự mát lành của đất trời Tân Cương đang hòa vào từng giọt trà. Đặc biệt sản phẩm không chứa bất cứ chất phụ gia hay hương liệu nên hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng hàng ngày.

Còn bà Nguyễn Thị Điệp - Đại diện Hợp tác xã trà Nguyên Long lại chia sẻ mong muốn đưa sản phẩm trà chính hãng đến người tiêu dùng thông qua đầu tư vào chất lượng trà và bao bì. Cơ sở cũng đặt ưu tiên đạt chứng nhận OCOP để sản xuất đủ điều kiện kinh doanh tại các siêu thị lớn và xuất khẩu. Trên sản phẩm các thông tin truy xuất rõ ràng, nhãn QRcode được thể hiện rõ nét để người tiêu dùng kiểm tra thông tin đầy đủ về xuất xứ sản phẩm.

Hợp tác xã chè tại Thái Nguyên đang nỗ lực đem sản phẩm chè đạt chuẩn chất lượng đến tay người tiêu dùng. Ảnh DT

Theo bà Điệp, chứng nhận OCOP không chỉ là thẻ thông hành giúp sản phẩm được công nhận về chất lượng, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp nông nghiệp. Sản phẩm OCOP được đánh giá dựa trên nhiều khía cạnh như chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất, thương mại của chủ thể sản xuất.

Để giúp các doanh nghiệp địa phương đạt được chứng nhận OCOP, các trung tâm điều phối nông thôn mới và Liên minh Hợp tác xã đã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp từ thủ tục đến học tập luật và quy chế để thi OCOP. Bên cạnh đó, việc có được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 22000:2018 là một trong những tiêu chí cơ bản và xuyên suốt cuộc thi OCOP cũng như doanh nghiệp. Tiêu chuẩn này là sự chứng nhận sản phẩm của hợp tác xã đạt chuẩn VietGAP, từ nhà xưởng, vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn.

Chương trình OCOP gắn liền với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chuẩn OCOP tham gia và thụ hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, chứng nhận OCOP không chỉ mang ý nghĩa là chứng nhận thương hiệu, mà còn là sự đánh giá và công nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm và chủ thể sản xuất ra sản phẩm đó từ các đặc sản, lợi thế ở các vùng nông thôn. Việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp chè theo OCOP giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống nông dân. Thái Nguyên, với sự tập trung vào phát triển chè đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ chè Việt Nam và quốc tế. 

Trong các ngày từ 13-16/6/2024 tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) diễn ra Tuần lễ quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng cao với quy mô 70 gian hàng của các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nông dân các tỉnh.

Các sản phẩm tại phiên chợ với đa dạng mặt hàng nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến; các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP đã được xếp hạng từ 3 sao đến 5 sao.

Đặc biệt, tại chương trình này sẽ có các hoạt động đặc sắc như livestream bán nông đặc sản OCOP trên nền tảng tiktok và các nền tảng mạng xã hội được tổ chức. 

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang