Chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm khiến thúc đẩy nâng cao năng suất hạn chế

author 06:23 23/02/2023

(VietQ.vn) - Dù đã có nhiều chuyển biến, cơ cấu các ngành kinh tế và vùng kinh tế vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng về cải thiện năng suất lao động (NSLĐ).

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Năng suất lao động toàn nền kinh tế còn thấp

Theo đó, hiện tại nước ta còn tồn tại khoảng cách lớn về NSLĐ giữa các ngành kinh tế. Mặc dù ngành công nghiệp có đóng góp cao nhất cho NSLĐ toàn nền kinh tế song năng suất ngành công nghiệp chưa được cải thiện rõ rệt thời gian qua, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm khiến thúc đẩy nâng cao năng suất hạn chế

 Dù đã có nhiều chuyển biến, cơ cấu các ngành kinh tế và vùng kinh tế vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng về cải thiện năng suất lao động

Tốc độ tăng trưởng NSLĐ ngành công nghiệp không ổn định, có xu hướng giảm trong các năm gần đây. Giai đoạn 2010-2020 đạt bình quân khoảng 2,71%/năm, thấp hơn mức bình quân cả nước và các ngành kinh tế còn lại. Ngược lại, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản còn đông, chất lượng thấp, quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành khác còn chậm. Trong khi tổ chức sản xuất nông nghiệp yếu kém, trang bị công cụ và máy móc thiếu thốn dẫn đến mức cải thiện NSLĐ chưa nhiều, tăng trưởng ở mức thấp, cải thiện khoảng cách về NSLĐ giữa các khu vực nông lâm nghiệp thủy sản và hai khu vực còn lại khá chậm. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp đang làm giảm NSLĐ của các ngành lao động chuyển đến như ngành CN-XD và dịch vụ.

Ở phương diện khác, nền tảng mức NSLĐ thấp nên cho dù với tốc độ tăng NSLĐ cao, khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực còn lớn. Nếu không kịp thời cải thiện đáng kể NSLĐ, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hút FDI trong thời gian tới. Đặc biệt, khi Việt Nam có thể giảm dần lợi thế về lao động giá rẻ khi bước qua thời kỳ “dân số vàng” và dự kiến sẽ tham gia thực hiện cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm

Cụ thể, phát triển công nghệ mới theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu và chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thiếu bền vững; chưa tạo ra được những ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh cao, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; năng lực sản xuất một số ngành công nghiệp của Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu do sự phát triển thiếu đồng bộ trong kết nối các mắt xích của ngành công nghiệp dẫn đến chia sẻ giá trị gia tăng thiếu hợp lý giữa các công đoạn và dẫn đến phát triển thiếu bền vững; Cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp và hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao; Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; hạ tầng cho các dịch vụ hiện đại cần nhiều cải thiện.  

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm khiến thúc đẩy nâng cao năng suất hạn chế

 Chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm khiến thúc đẩy nâng cao năng suất hạn chế.

Việt Nam còn có khu vực kinh tế phi chính thức tương đối lớn, qua đó ảnh hưởng đến NSLĐ, chất lượng lao động cũng như khả năng ứng dụng KHCN để cải thiện năng suất lao động.

Riêng ở loại hình kinh tế ngoài nhà nước, tỉ lệ lao động trong khối doanh nghiệp chỉ thu hút 20% lao động ở khu vực này, gần 80% lao động làm việc theo hình thức hợp tác xã, hộ gia đình, kinh doanh cá thể, lao động tự do dưới hình thức lao động phi chính thức. Lao động phi chính thức được xác định dựa trên việc làm không chính thức, nghĩa là người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định.

Khu vực kinh tế phi chính thức còn tồn tại những hạn chế như: điều kiện sản xuất kinh doanh tạm bợ, khó tiếp cận tới các dịch vụ công, khó tăng quy mô sản xuất; điều kiện làm việc bấp bênh và thu nhập không đảm bảo ổn định; người lao động không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện nhưng tỉ lệ này cũng khá thấp. Đặc biệt trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những người lao động phi chính thức thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu thiệt thòi nặng nề, vì họ không được tiếp cận với các cơ chế nghỉ phép hoặc nghỉ ốm và ít được bảo vệ bởi các cơ chế an sinh xã hội thông thường.

Do vậy, vấn đề việc làm và thất nghiệp của lao động khi đại dịch đã và đang trở thành gánh nặng lớn trong các gói cứu trợ, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời làm sụt giảm quá trình sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng sản phẩm và khả năng vực lại của nền kinh tế trong thời gian tới. Để khắc phục những hạn chế và giảm tính dễ bị tổn thương đối với lao động phi chính thức cần thúc đẩy quá trình chính thức hóa nền kinh tế như chuyển hộ sản xuất kinh doanh sang thành lập, đăng ký và hoạt động theo các hình thức doanh nghiệp theo quy định tại luật doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc thành lập mới doanh nghiệp.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang