Chuyển đổi số tại Liên minh châu Âu: Nghiên cứu tác động đến tăng năng suất lao động

author 09:29 28/09/2022

(VietQ.vn) - Sau cả một thập kỷ chậm chân so với Mỹ và Trung Quốc, EU đang cho thấy quyết tâm đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Sự quyết tâm này kéo theo những nỗi lo lắng về tác động của công nghệ tới người lao động và làm trầm trọng thêm sự phân cực việc làm trong khu vực. Dù vậy, tiến trình chuyển đổi số được đánh giá là sẽ đem lại nhiều yếu tố tích cực hơn là tiêu cực trên thị trường lao động châu Âu.

 Tiến trình chuyển đổi số được đánh giá sẽ đem lại nhiều yếu tố tích cực hơn là tiêu cực trên thị trường lao động châu Âu. Ảnh minh họa.

1. Quan điểm của Liên minh châu Âu về chuyển đổi số

Trong nhiều năm qua, châu Âu đã đứng sang một bên trong khi các nền tảng kỹ thuật số của Mỹ ngày càng chiếm ưu thế. Khung pháp lý điều chỉnh các dịch vụ kỹ thuật số trong khối đã được 20 năm tuổi - một khoảng thời gian cực kỳ dài đối với thế giới kỹ thuật số luôn thay đổi và có nhịp độ nhanh. Giờ đây, EU đang cố gắng bắt kịp các công ty công nghệ lớn của Mỹ và khẳng định vị trí trong thị trường kỹ thuật số.

Theo Margrethe Vestager - Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh, các gói kỹ thuật số chính là cơ hội thứ hai của châu Âu để dẫn đầu thế giới về công nghệ. Mặt khác, trong một bài viết trên The Irish Times ngày 13/12/2020, tác giả cho rằng: “Các quy định của EU về dịch vụ kỹ thuật số ở châu Âu đã có từ năm 2000. Hầu hết các nền tảng trực tuyến chưa tồn tại vào thời điểm đó. Chúng tôi cần cập nhật các công cụ pháp lý để bảo đảm rằng các quy định và nguyên tắc của EU được tôn trọng ở mọi lĩnh vực”.

Để thể hiện quyết tâm giành lại vị trí quan trọng trong thị trường kỹ thuật số, tại Hội nghị thượng đỉnh web trực tuyến năm 2020, Ủy ban châu Âu đặt ra mục tiêu đưa châu Âu trở thành “thập kỷ kỹ thuật số” trong 10 năm tới. Theo bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, EU có tất cả tiềm năng để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong làn sóng chuyển đổi số tiếp theo. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp số châu Âu đã phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thế giới.

Các thách thức này bao gồm: Khoảng cách về cơ sở hạ tầng và kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động, các doanh nghiệp ít có sự đầu tư cho kỹ thuật số, mặt khác là sự phức tạp và các rào cản quan liêu khi cố gắng mở rộng quy mô ra ngoài biên giới quốc gia. Giờ đây, EU có kế hoạch loại bỏ những trở ngại này và kích thích sự tiến bộ bằng cách mang lại hơn 900 tỷ USD đầu tư công để “định hình lại nền kinh tế châu Âu”, 20% trong số đó sẽ tài trợ cho đầu tư kỹ thuật số.

Cũng tại hội nghị này, bà Ursula đã công bố dự thảo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số mới - một bộ quy tắc mới nhằm giúp EU giành lại chủ quyền kỹ thuật số và trở thành khu vực đi đầu về quy định kỹ thuật số và kiểm duyệt nội dung trực tuyến. Đạo luật này nhắm vào các công ty lớn như Google và Apple, để đảm bảo rằng các công ty này chỉ sử dụng dữ liệu thu thập được cho các dịch vụ quảng cáo, không phải cho hoạt động thương mại của riêng họ và giúp các đối tác kinh doanh của họ có thể truy cập được. Hơn nữa, Google và Apple sẽ không thể tận dụng dữ liệu họ thu thập được từ các đối tác kinh doanh để mang lại lợi ích cho các dịch vụ của riêng họ, điều mà Apple đã và đang làm với App Store và Google với Play Store.

Đối mặt với nỗi lo của người lao động về việc chuyển đổi số sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường lao động và việc làm, Thủ tướng Liên bang Đức Angela Merkel, trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu 2020, bày tỏ quan điểm rằng: “Cam kết chuyển đổi số, giống như cam kết giảm thiểu biến đổi khí hậu, không có nghĩa là từ bỏ tất cả những gì chúng ta đã xây dựng và do đó gây rủi ro cho việc làm của hàng triệu người châu Âu. Ngược lại, đây là một sự chuyển đổi cần thiết trong xã hội chúng ta, giúp mang lại sự bảo vệ và bền vững hơn trong dài hạn”.

Cùng quan điểm, Mark Weinmeister, Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu cũng cho rằng: “Chuyển đổi số phải tạo ra lợi ích đáng kể cho con người. Do đó, bên cạnh sự phát triển của công nghệ số và kỹ năng số, chúng ta cũng cần tính đến các khía cạnh đạo đức, luật pháp và chính trị xã hội. Các vùng thông minh – có nghĩa là các vùng được kết nối - sẽ dẫn đến người dân được hưởng lợi trực tiếp từ những lợi thế của chuyển đổi số toàn diện”.

Ông cũng nhấn mạnh việc EU cần làm bây giờ là chú ý đến nhu cầu hỗ trợ nâng cao năng lực cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như trong khu vực công để thích ứng với quá trình chuyển đổi số.

Như vậy có thể thấy, hơn bao giờ hết, EU bày tỏ quyết tâm nắm được quyền làm chủ kỹ thuật số sau cả một thập kỷ chậm chân so với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là làm giảm bớt đi những quyền lợi vốn có của con người. Ngược lại, quan điểm của châu Âu là chuyển đổi số phải tạo ra lợi ích đáng kể cho con người. Vì lý do này, các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực để có thể vừa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi từ quá trình này, vừa tăng tốc kỹ năng kỹ thuật số cho thanh thiếu niên nhằm làm giảm bớt sự chênh lệch về trình độ kỹ năng, giúp họ nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm hơn trong tiến trình mới.

2. Hiện trạng chuyển đổi số ở Liên minh châu Âu

EU có đầy đủ yếu tố để có thể dẫn đầu trong chuyển đổi số. Khu vực này có nền tảng công nghiệp mạnh mẽ và các công ty có đủ khả năng sản xuất và phân phối các bộ phận cho nền kinh tế số (ví dụ: robot, điện tử, tự động hóa, cảm biến...). Tuy nhiên, ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không tận dụng tiềm năng này một cách đầy đủ.

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, có tới 60% tập đoàn lớn và 90% các doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm thấy choáng ngợp bởi tiến trình chuyển đổi số và chưa được chuẩn bị kỹ càng. Chưa đến 1/5 số công ty được “số hóa cao” và chỉ 12% sử dụng phân tích dữ liệu lớn.

Một báo cáo khác của EIB cho thấy, các doanh nghiệp EU hiện đang tụt hậu trong việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số so với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và Internet of Things (IoT). Chỉ 66% doanh nghiệp sản xuất ở EU báo cáo đã áp dụng ít nhất một công nghệ kỹ thuật số, so với 78% ở Mỹ. Sự khác biệt đặc biệt lớn trong lĩnh vực xây dựng, khi thị phần của các công ty kỹ thuật số là 40% ở EU và 61% ở Mỹ.

Mặt khác, các doanh nghiệp lớn ở EU có xu hướng chuyển đổi số nhanh hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại Liên minh châu Âu, 60% doanh nghiệp siêu nhỏ (từ 5 đến 9 nhân viên) chưa triển khai bất kỳ công nghệ kỹ thuật số nào, trong khi 75% doanh nghiệp lớn (với hơn 250 nhân viên) đã sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và tỷ lệ chấp nhận kỹ thuật số có thể được quan sát trong tất cả các lĩnh vực.

Trong lĩnh vực 5G, mà hầu hết các chính phủ coi là cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng, được coi là động lực kinh tế cho nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu và là chìa khóa quan trọng trong việc hiện đại hoạt động sản xuất, hệ thống giao thông và chăm sóc sức khỏe, hiện đang triển khai rất chậm ở EU. Chỉ có khoảng ¼ dân số ở châu Âu được phủ sóng mạng 5G, thấp hơn nhiều so với ở Mỹ và một số quốc gia ở châu Á. Mặc dù tỷ lệ người dân được phủ sóng mạng 5G đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2019 (12,9%) nhưng tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn nhiều so với Mỹ (76%) và Hàn Quốc (93%).

Dù vậy, đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi ở Liên minh châu Âu đi nhanh hơn. Nghiên cứu của Telstra cho thấy 2/5 (40%) số người ra quyết định về kinh doanh và công nghệ thông tin nói rằng đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu thực hiện các dự án mới trong tổ chức của họ, trong khi 39% nói rằng các dự án hiện tại đã tăng tốc. Trong khi một phần trong số này tập trung vào hiệu suất và sự ổn định của mạng (với sự đầu tư đáng kể vào 5G, IoT và điện toán biên), thì lĩnh vực đầu tư lớn nhất (51%) là vào Trí tuệ nhân tạo.

Tại Vương quốc Anh, thị phần thương mại điện tử trong tổng bán lẻ đã tăng từ 20 lên 30% chỉ trong vòng hai tháng, và ngay cả khi lệnh cấm được nới lỏng, tỷ lệ mua hàng tạp hóa trực tuyến tiếp tục tăng, gần như tăng gấp đôi từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6/2021. Ở Pháp, chỉ trong một tuần, đã có gần nửa triệu lượt tư vấn y tế từ xa trực tuyến.

Covid-19 cũng thúc đẩy nhu cầu chuyển sang các cách làm việc ảo, điều này được phản ánh bởi sự bùng nổ của các công cụ cộng tác ảo. Báo cáo The 2020 State of Digital Transformation cho thấy, châu Âu đang dẫn đầu trong lĩnh vực này, với 58% số người được khảo sát báo cáo rằng các nền tảng cho phép cộng tác nhân viên (Employee Collaboration) là mục tiêu chiến lược hàng đầu cho đầu tư kỹ thuật số, đồng thời các nhân viên thường xuyên kết nối qua nền tảng kỹ thuật số. Điều này đặc biệt rõ ràng ở Đức, với 65% người được hỏi ở hai cấp độ hàng đầu về cộng tác và gắn kết nhân viên.

Dù đang tăng tốc nhanh, tiến trình chuyển đổi số của EU đang gặp nhiều khó khăn do chưa giải quyết được “bài toán” thiếu lao động có trình độ kỹ năng. Theo báo cáo Chỉ số Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số (DESI) của Ủy ban châu Âu, vào năm 2017, 10% lực lượng lao động đang hoạt động của EU thiếu kỹ năng kỹ thuật số và 26% chỉ có kỹ năng kỹ thuật số ở mức thấp. Kỹ năng kỹ thuật số đặc biệt thấp ở những người không có, hoặc có trình độ giáo dục chính quy từ thấp đến trung bình và những người thất nghiệp. Trong khi đó, EU ước tính rằng 9 trong số 10 công việc trong tương lai sẽ yêu cầu các kỹ năng kỹ thuật số.

Việc thiếu lao động tay nghề cao trên thị trường việc làm châu Âu đang kìm hãm quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp. 53% công ty đã tuyển dụng hoặc cố gắng tuyển dụng các chuyên gia công nghệ thông tin cho biết, họ gặp khó khăn trong việc lấp đầy các vị trí tuyển đụng này. Điều đó có nghĩa là các công ty không thể đổi mới và sử dụng các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến khi họ phải vật lộn để tìm kiếm các chuyên gia kỹ thuật số chuyên về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, siêu máy tính hoặc dữ liệu lớn.

Có vẻ như EU đã tụt lại phía sau trong cuộc đua chuyển đổi dịch vụ kỹ thuật số với các quốc gia lớn trên khu vực, về cả công nghệ, nhận thức lẫn kỹ năng của người lao động. Dù vậy, EU vẫn còn cơ hội chiếm vị trí dẫn đầu trong các cuộc đua mới. Điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng của EU trong việc nắm bắt các cơ hội phát sinh từ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ kỹ thuật số mới nổi khác.

3. Tác động của chuyển đổi số tới thị trường lao động EU

3.1. Tác động tiêu cực

* Đe dọa đến việc làm của người lao động

Tự động hóa và robot hóa trong hoạt động sản xuất sẽ làm biến mất một số loại hình công việc? Đây hiện đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi lớn. Các ước tính hiện có vẫn rất không chắc chắn và có sự khác biệt lớn cả trong báo cáo học thuật và phi học thuật.

Theo đó, có một số nghiên cứu cho rằng tự động hóa sẽ góp phần làm cho việc làm trở nên dư thừa, vì ngày càng nhiều công việc do con người thực hiện sẽ do máy móc đảm nhận (Mokyr, Vickers và Ziebarth, 2015; Ủy ban châu Âu, 2017). Nếu vậy thì mức độ làm giảm số việc làm của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo AI và robot là bao nhiêu?

Khi xem xét các tổng hợp gần đây về tác động của tự động hóa đối với việc làm, có thể thấy, mối đe dọa việc làm do tự động hóa không đồng nhất, thay đổi từ 6% ở Na Uy đến 33% ở Slovakia. Tự động hóa công việc có thể cao hơn ở Trung Âu (Slovakia, Slovenia, Ba Lan) và Nam Âu (Hy Lạp, Tây Ban Nha), trong khi các nước Bắc Âu và Vương quốc Anh dường như đối mặt với rủi ro thấp hơn.

Các minh chứng về tác động của tự động hóa tới tỷ lệ mất việc làm cho tới nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng đã có một số tín hiệu cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu đưa ra kế hoạch sa thải nhân viên để tập trung nguồn nhân lực có kỹ năng số. Điển hình là vào tháng 3/2021, công ty SFR (công ty truyền thông di động trực thuộc Altice Europe) đã công bố kế hoạch cắt giảm 11% lực lượng lao động trong năm nay như một phần của chiến lược thúc đẩy các nỗ lực kỹ thuật số, bao gồm tiếp tục đầu tư cao vào cơ sở hạ tầng cố định và di động. Công ty cho biết thêm họ có kế hoạch tuyển dụng 1.000 sinh viên tốt nghiệp trong 4 năm tới, tập trung vào các nghề kỹ thuật số có kỹ năng mới, bao gồm an ninh mạng, phân tích dữ liệu và Al. Vào tháng 6/2021, ngân hàng Commerzbank của Đức cũng đóng cửa hơn 340 chi nhánh và cắt giảm 1/3 nhân viên (khoảng 10.000 nhân viên) để cắt giảm chi phí, đồng thời đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin như một phần của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu cho rằng không có khả năng biến mất số lượng lớn việc làm, ngược lại có thể mang lại những cơ hội mới (Melanie, Terry và Ulrich, 2016). Điều này xuất phát từ 3 lý do chính: Việc sử dụng các công nghệ mới là một quá trình chậm và từ tư, do các rào cản về kinh tế, luật pháp và xã hội; Các công nghệ mới có thể thay thế cho một số nhiệm vụ nhất định trong công việc, nhưng chúng cũng thường bổ sung cho những công việc khác.

Kết quả là, người lao động có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau thay vì trở nên thất nghiệp vì tiến bộ công nghệ; Thay đổi công nghệ cũng tạo thêm việc làm thông qua nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ mới và thông qua khả năng cạnh tranh cao hơn của các doanh nghiệp triển khai công nghệ mới.

Như vậy, chuyển đổi số gây ra tác động lên tỷ lệ mất việc làm là một điều chắc chắn, đặc biệt là khi ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu ứng dụng công nghệ chuyển đổi số. Dù vậy, tự động hóa không có khả năng phá hủy một số lượng lớn việc làm. Nhiều khả năng nơi làm việc sẽ thay đổi và yêu cầu những kỹ năng khác của người lao động so với những thập kỷ trước. Những người lao động có trình độ thấp có thể phải đối mặt với thách thức khó điều chỉnh hơn trong quá trình chuyển đổi số vì khả năng tự động hóa công việc của họ thường cao hơn đáng kể so với những người lao động có trình độ cao.

* Sự phân cực việc làm

Hiện tượng phân cực việc làm tại châu Âu diễn ra từ những năm 1980, khi thị trường lao động châu Âu bắt đầu trải qua sự thay đổi công nghệ. Robot thay thế cho lao động trong một loạt công việc thường xuyên, có tính chất lặp đi lặp lại và tuân theo các quy trình dựa trên quy tắc có thể dễ dàng được chỉ định trong mã máy tính. Các công việc thường ngày do công nhân lắp ráp, nhân viên văn phòng và người vận hành máy thực hiện đã dần được tự động hóa.

Ngày càng xuất hiện các công việc được trả lương cao (công việc đòi hỏi kỹ năng rất cao, không chỉ trong các lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới công nghệ). Đồng thời, các công việc được trả lương thấp và bấp bênh ngày càng gia tăng (trong các ngành vận tải, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ và dịch vụ cá nhân). Gần như tất cả thị trường lao động châu Âu đã trải qua sự phân cực, phản ánh sự biến mất của các công việc thường xuyên có kỹ năng trung bình.

Nghiên cứu của Camille Peugny ở 12 quốc gia châu Âu (Pháp, Thụy Điển, Áo, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Anh và Hà Lan) cho thấy sự phân cực việc làm diễn ra ở tất cả các quốc gia dù có sự khác nhau về mức độ. Đáng chú ý là ở cả 12 quốc gia, việc làm có kỹ năng trung bình đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Sự phân cực đặc biệt mạnh mẽ ở Pháp, Thụy Điển và Áo. Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và Đức phân cực ở mức trung bình bởi vẫn duy trì được sự ổn định của công việc có kỹ năng trung bình trong các cơ quan hành chính dù tỷ lệ nhân viên có kỹ năng công nghiệp giảm.

Sự phân cực việc làm Phần Lan, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Anh và Hà Lan có tồn tại nhưng ít rõ ràng hơn vì tỷ lệ nhân viên có kỹ năng thấp có vẻ tương đối ổn định. Ngoài ra, có sự khác biệt trong các công việc được tạo ra. Một số quốc gia (như ở Scandinavia) có thể tạo ra nhiều công việc có kỹ năng hơn trong khi những quốc gia khác (như ở Nam Âu) tạo ra nhiều công việc được trả lương thấp hơn.

Sự phân cực của thị trường lao động do chuyển đổi số làm tăng nhu cầu nâng cao kỹ năng của các lao động có kỹ năng thấp và trung bình (những người dễ bị tổn thương nhất), để có thể được tuyển dụng vào những vị trí có kỹ năng cao hơn. Hệ thống giáo dục, học tập suốt đời và đào tạo nghề, với đầu vào từ các đối tác xã hội, đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các kỹ năng cần thiết.

Bản thân chuyển đổi số có thể cung cấp các công cụ và vectơ giáo dục rất mạnh mẽ để truyền tải và chia sẻ kiến thức. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ làm việc trong nền kinh tế số, và ngay cả khi công việc của con người được máy móc thông minh tiếp quản, các kỹ năng xã hội và cảm xúc, trong một thời gian dài, vẫn là đặc quyền của con người, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc cá nhân, trong khi máy móc và các quy trình kỹ thuật số sẽ ngày càng thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng thể chất và trí tuệ.

* Tác động đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động

Theo cơ quan châu Âu về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc, quá trình chuyển đổi số có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động.

Các công nghệ mới và tính linh hoạt cao hơn có thể làm tăng số giờ làm việc quá nhiều, quá tải công việc, tăng cảm giác bị cô lập, gia tăng áp lực công việc và cuối cùng gây ra căng thẳng và kiệt sức trong công việc (EU - OSHA 2015a). Các rủi ro đặc biệt liên quan đến căng thẳng về cảm xúc và nhận thức khi phải thường xuyên có mặt và kết nối; mất hoặc giảm tương tác với đồng nghiệp và cấp trên (EU – OSHA 2016).

Trong lĩnh vực chăm sóc cá nhân, một lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, khó di dời và được bảo vệ tương đối tốt trước nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa, chuyển đổi số, tuy nhiên tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa người lao động và đối tượng công việc của họ, người được chăm sóc. Sự xa cách này có thể tạo ra căng thẳng và mất động lực.

Chuyển đổi số cũng có thể tạo ra cảm giác xa lánh và cá nhân hóa của công việc. Nó có thể dẫn đến mất kiểm soát, đối với cả nội dung của nhiệm vụ phải thực hiện và các quy trình và phương pháp làm việc. Việc sử dụng các công cụ công nghệ cũng có thể tạo ra rào cản giữa người lao động và người sử dụng. Ví dụ, trong lĩnh vực dịch vụ, việc sử dụng công nghệ thông tin gia tăng có nghĩa là người lao động vẫn ngồi sau máy tính, không được tiếp xúc với xã hội.

3.2. Tác động tích cực

* Tăng năng suất lao động

Theo một nghiên cứu được Ủy ban châu Âu thực hiện, ICT giúp các công việc hoàn thành nhanh chóng và hiệu quả hơn, thay thế con người trong một số công việc thủ công và mang lại cho người lao động quyền tự chủ và linh hoạt hơn (ECORYS và Viện Công nghệ Đan Mạch 2016).

Ở cấp độ doanh nghiệp, lợi ích của việc sử dụng internet và máy tính đối với năng suất được thể hiện rõ ràng. Một số lượng lớn các nghiên cứu vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 đã khẳng định rằng CNTT có tác động tích cực đến năng suất doanh nghiệp ở châu Âu. Nghiên cứu của Varian và các cộng sự nhận thấy các công ty ở Anh, Pháp và Đức đã tăng doanh thu 8,6% và giảm chi phí 2,6% thông qua việc sử dụng hệ thống kinh doanh qua internet. Johnston, Wade và McClean cũng nhận thấy việc kinh doanh thông qua thương mại điện tử giúp doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 9%.

Các nghiên cứu tiếp tục cho thấy những lợi ích của ICT trong những năm đầu thời kỳ bùng nổ internet. Trong một nghiên cứu trên 1.955 công ty châu Âu, Nurmilaakso phát hiện ra rằng việc truy cập internet và trao đổi dữ liệu chuẩn hóa với các đối tác thương mại đã góp phần làm tăng đáng kể năng suất lao động. Tương tự, Koellinger nhận thấy rằng các công ty EU đã thực hiện 8 phương thức kinh doanh điện tử báo cáo rằng họ đã tăng năng suất và mở rộng việc làm trong năm cao gấp 2 lần.

Ngoài ra, đầu tư vào CNTT đi đôi với tăng trưởng năng suất doanh nghiệp và do đó, tăng trưởng năng suất của châu Âu sẽ còn chậm hơn nếu không có đầu tư vào CNTT. Không chỉ thế, CNTT còn cho phép các doanh nghiệp cạnh tranh và đổi mới hơn. Nghiên cứu của Van Leeuwen và Van der Wiel nhận thấy rằng, các công ty Hà Lan đầu tư nhiều vào CNTT không chỉ có tốc độ tăng trưởng năng suất nhanh hơn mà còn tạo ra nhiều đổi mới hơn. Báo cáo của EU năm 2006 cũng chỉ ra rằng, 32% công ty EU đã có những đổi mới, trong đó CNTT đem lại một nửa số đổi mới về sản phẩm và 75% đổi mới quy trình.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất đồng liên quan đến tác động tăng trưởng năng suất của việc áp dụng công nghệ số. Valenduc và Vendramin (2016) nhấn mạnh rằng sự ra đời của công nghệ mới không phải lúc nào cũng giúp tăng năng suất ngay lập tức mà phải mất vài năm mới có tác động. Mối quan hệ giữa công nghệ và năng suất vẫn còn phụ thuộc rất nhiều không chỉ vào mức độ đổi mới công nghệ trong một công ty, mà còn dựa vào những thay đổi về tổ chức - thường bị đánh giá thấp.

Như vậy, có thể thấy rõ việc áp dụng công nghệ thông tin có tác động tích cực tới năng suất lao động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những thành quả của chuyển đổi số không phải đến trong “một sớm một chiều” mà phải phụ thuộc vào mức độ đầu tư vào công nghệ số, sự sẵn sàng của người lao động, và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các doanh nghiệp để thay đổi cách làm việc theo hướng hoàn toàn mới. Mặc dù chi phí ban đầu bỏ ra để đầu tư vào công nghệ khá lớn, nhưng khoản đầu tư này không chỉ giúp họ giảm thiểu chi phí vận hành mà còn giúp tăng hiệu suất công việc lên nhiều lần. Trong cuộc chơi này, các doanh nghiệp lớn với nguồn vốn mạnh thường có nhiều lợi thế hơn, nhưng đi đôi với đó, các doanh nghiệp này sẽ gặp thách thức trong việc tuyển dụng và đào tạo những lao động có đủ khả năng vận hành các công việc ứng dụng công nghệ số.

* Tạo ra các công việc mới và làm tăng tính đa dạng trong bố trí việc làm

Mặc dù sự thay đổi công nghệ đang được cho là phá hủy việc làm và biến đổi cuộc sống của nhiều người, công nghệ cũng tạo ra những loại công việc và ngành công nghiệp hoàn toàn mới như: phát triển ứng dụng, phân tích dữ liệu lớn và thiết kế phần mềm...

Theo số liệu khảo sát của Ủy ban châu Âu, công việc qua nền tảng trung gian đang tăng lên và hiện là nguồn thu nhập chính của khoảng 2% người trưởng thành trong 14 quốc gia thành viên EU. Các công việc này bao gồm vận chuyển, giao hàng, chăm sóc; các công việc ứng dụng “nền kinh tế gig” như phát triển phần mềm, dịch thuật, nhập dữ liệu; và các công việc khác được thực hiện từ xa thông qua các nền tảng lao động trực tuyến. Mặc dù về mặt tuyệt đối các nhà tuyển dụng châu Âu không tuyển dụng tích cực trên các nền tảng lao động trực tuyến, nhưng việc họ sử dụng các nền tảng này đang tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới.

Không chỉ tạo ra thêm nhiều việc làm mới, chuyển đổi số cũng góp phần làm tăng tính đa dạng trong bố trí việc làm. Sự đa dạng này được thể hiện thông qua nhiều yếu tố. Yếu tố doanh nghiệp hoặc “bên cầu”, bao gồm thực tế là chuyển đổi số cho phép các công ty thuê ngoài các công việc dễ dàng hơn, do sự hợp tác ảo tốt hơn; tiêu chuẩn hóa các nhiệm vụ công việc; giám sát nâng cao và phổ biến thông tin về danh tiếng của người lao động. Hơn nữa, thị trường ngày càng mở rộng đối với công việc không theo tiêu chuẩn, có nghĩa là các công ty có thể thu được lợi nhuận hiệu quả và tiết kiệm chi phí từ việc ký hợp đồng lao động chuyên biệt cho các hoạt động không phải cốt lõi (chẳng hạn như dịch vụ vệ sinh, dịch vụ ăn uống, công nghệ thông tin, kế toán và dịch vụ pháp lý) thay vì quản lý nội bộ các hoạt động đó.

Các yếu tố về người lao động hoặc “bên cung”, bao gồm sự thay đổi trong thành phần lực lượng lao động sang các nhóm ưu tiên sắp xếp công việc thay thế hoặc mong muốn tăng tính linh hoạt tại nơi làm việc. Ví dụ, công việc thay thế phổ biến ở những người lao động lớn tuổi và những người lao động có trình độ cao hơn, và lực lượng lao động đã trở nên già hơn và có trình độ học vấn cao hơn theo thời gian. Mối quan tâm ngày càng tăng đối với việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng có thể góp phần vào xu hướng. Nhờ các dịch vụ kỹ thuật số như thương mại điện tử và các nền tảng lao động trực tuyến, các rào cản trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ ra thị trường quốc tế ngày nay đã thấp hơn đáng kể, mở ra cơ hội mới cho các cá nhân có kỹ năng bắt đầu kinh doanh quy mô nhỏ.

* Gia tăng các hình thức làm việc mới

Ở EU, các hình thức việc làm không điển hình đã gia tăng trong một thời gian dài. Trong khi phần lớn người lao động ở EU vẫn theo hợp đồng toàn thời gian cố định, hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt đối với các hình thức việc làm thay tế. Kể từ năm 2001, số lượng lao động bán thời gian và lao động tạm thời đã tăng hơn 30%.

Trong năm 2017, tỷ lệ lao động làm việc theo các hình thức này lần lượt chiếm gần 20% và 12% tổng số việc làm ở EU. Tỷ lệ lao động tự kinh doanh vẫn khá ổn định ở mức khoảng 14%, nhưng số lao động tự kinh doanh không có nhân viên đã tăng lên đáng kể, hơn 13% trong giai đoạn 2001 - 2017.

Sự mở rộng của các hình thức việc làm phi tiêu chuẩn đã bắt đầu ở nhiều nước EU từ những năm 1990, nhưng chỉ có thể được cho là một phần do làn sóng phát triển công nghệ. Thay vào đó, nó phản ánh một loạt các yếu tố có liên quan lẫn nhau, bao gồm sự thay đổi nhân khẩu học, bãi bỏ quy định của thị trường lao động, cạnh tranh toàn cầu và thay đổi sở thích về thời gian làm việc.

Tuy nhiên, vai trò của làn sóng phát triển công nghệ mới nhất trong việc tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các hình thức làm việc mới là rõ ràng. Đặc biệt, công nghệ dẫn đến tiêu chuẩn hóa công việc mạnh mẽ hơn đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các công việc và giảm chi phí theo dõi và giám sát. Điều này khuyến khích người sử dụng lao động ký hợp đồng thuê ngoài (contract out work), đồng thời cho phép người lao động làm việc từ xa, cả với tư cách là nhân viên và người làm nghề tự do.

Các hình thức làm việc mới có thể được phân loại thành 3 nhóm:

- Các hình thức làm việc theo định hướng nhân viên. Ví dụ: chia sẻ nhân viên (một người lao động được thuê chung bởi người sử dụng lao động của các công ty khác nhau), chia sẻ công việc (người sử dụng lao động thuê một nhóm người lao động để cùng hoàn thành một công việc cụ thể), công việc tạm thời, quản lý tạm thời (các chuyên gia được thuê tạm thời để tiến hành một dự án cụ thể hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể). Nhóm đầu tiên này chủ yếu bao gồm các hình thức việc làm không bị giới hạn trong khuôn khổ truyền thống của mối quan hệ việc làm ổn định “một chủ - một nhân viên”.

- Các hình thức làm việc theo định hướng kinh doanh (ví dụ: công việc đa danh, công việc tập thể, công việc hợp tác) bao gồm các tùy chọn việc làm tự do thông qua trung gian là các nền tảng ảo phù hợp với khách hàng, với các nhà cung cấp dịch vụ, cũng như các hình thức hợp tác giữa những người làm nghề tự do.

- Các hình thức làm việc hỗn hợp (ví dụ: công việc dựa trên chứng từ, công việc di động dựa trên CNTT - TT), bao gồm những người lao động có trạng thái việc làm ở đâu đó giữa nhân viên và lao động tự do và tùy từng trường hợp, có thể được phân loại là một trong hai.

Các hình thức làm việc mới này đang làm thay đổi các mối quan hệ truyền thống giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người lao động không nhất thiết phải thực hiện công việc tại một nơi cố định (văn phòng, nhà máy...), mà có thể ghé một quán cà phê có internet hoặc sử dụng laptop hay máy tính bảng ở nhà để làm việc. Người sử dụng lao động cũng không cần phải tốn quá nhiều chi phí giám sát và vận hành mà vẫn có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Đây có thể xem như lợi ích mà “đôi bên cùng có lợi”.

ThS. Hồ Thị Thu Huyền - Viện Nghiên cứu châu Âu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang